Bức tranh người lính và tình bạn tri kỷ

Đại tá Nguyễn Đăng Doanh (bí danh Việt Chiến), nguyên Giám đốc Bảo tàng Hậu cần quân đội là người bạn thân thiết với họa sĩ Bùi Xuân Phái những năm 1960. Hơn 200 bức ký họa được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ mình, với anh Việt Chiến là kỷ vật của một tình bạn gắn bó, thiêng liêng.

Năm 1968, Việt Chiến là sĩ quan của Tổng cục Hậu cần. Nhà Việt Chiến ở phố Cửa Bắc, nhà họa sĩ Xuân Phái ở phố Bát Đàn. Nghe tiếng và khâm phục tài năng hội họa của Xuân Phái đã lâu, nhưng phải đến một lần Việt Chiến được họa sĩ Văn Đa đưa đến nhà Xuân Phái chơi thì tình bạn mới bắt đầu "đơm hoa". Ông Chiến kể lại: “Xuân Phái hiền lành, nét mặt lúc nào cũng rũ buồn, giống như tranh Phái lúc đó chỉ có hai màu trắng và nâu. Nhà Phái lúc đó cơ hàn nên đi đâu thấy bút vẽ, màu vẽ, giấy rô ki, tôi cũng xin về cho bạn. Phái vẽ sơn dầu nhưng thiếu vải, lần vào tiếp quản Sài Gòn, tôi xin bạt ô tô mang về cho bạn vẽ”.

Ông Việt Chiến và kỷ vật của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Với ông Việt Chiến, thì họa sĩ Bùi Xuân Phái lúc nào cũng sẵn cây cọ trên tay và vẽ. Đang ngồi hút thuốc với Chiến, Phái xé vỏ bao thuốc lá vẽ bạn, đang uống rượu cũng vẽ Chiến trên vỏ chai. Ngày sinh nhật Chiến, Phái đến chơi, sau dăm chén rượu Phái lấy bút ra vẽ tặng Chiến. Nhiều khi Phái vẽ bạn trong trí nhớ. Chiến xem việc mình làm mẫu cho Phái vẽ là một hình thức trò chuyện giữa hai người. Phái vẽ tự nhiên đến mức không bao giờ Chiến hỏi bạn đang vẽ gì. Nhưng tất cả bức vẽ của bạn, Chiến đều nâng niu, cất giữ như kỷ vật tình bạn.

Trong số hàng trăm tác phẩm của Phái, có một bức tranh kỷ niệm thiêng liêng về người con trai đoản mệnh Bùi Kỳ Anh. Năm 1975, Bùi Kỳ Anh là con trai của Bùi Xuân Phái xuất ngũ. Kỷ niệm ngày con trai trở về, ông Phái vẽ bức tranh tặng con. Đó là bức sơn dầu đẹp, trời xanh, mây trắng, người lính áo xanh đang trên đường đi xa. Mỗi lần đến nhà bạn chơi, ông Chiến đều tấm tắc khen. Lúc này Kỳ Anh biết chú Chiến là bộ đội nên quý mến vô cùng. Đúng thời điểm đó, con trai của ông Chiến là Nguyễn Thắng lên đường nhập ngũ. Kỳ Anh bảo: “Cháu xin tặng chú bức tranh này, dù sao cháu cũng có bố là họa sĩ”. Ông Chiến nghe vậy thì cảm kích. Lúc ấy Hà Nội đang vào đông, lạnh buốt, thấy Kỳ Anh mặc phong phanh, ông chạy ra phố cổ mua một chiếc áo ấm tặng Kỳ Anh. Ông Chiến mang tranh về nhà nói với vợ: “Phái vẽ con trai nhà mình đang lên đường nhập ngũ đấy”, rồi trang trọng treo giữa nhà.

Nhưng chỉ vài tháng sau đó, nỗi đau thương ập xuống. Kỳ Anh mất trong một vụ tai nạn giao thông, trên người vẫn còn mặc chiếc áo bông do chú Chiến tặng. Hôm đưa Kỳ Anh về cõi vĩnh hằng, mẹ Kỳ Anh khóc than: “Anh Chiến ơi, Kỳ Anh có bố là họa sĩ nhưng không được một bức tranh nào vẽ con cả”. Ông Chiến bảo: “Chị thích chân dung cháu thì cháu sẽ về với chị”. Đúng 3 ngày sau, ông Chiến về nhà thuyết phục vợ mang bức tranh vẽ Bùi Kỳ Anh đến tặng lại gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông Chiến nhớ lại: “Hôm nhận bức tranh vẽ Bùi Kỳ Anh từ tay tôi, cả nhà Phái khóc thương con tột cùng. Phái bảo xin hứa với anh bức tranh này quý nhất cuộc đời tôi!”.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN - HỒNG HẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/buc-tranh-nguoi-linh-va-tinh-ban-tri-ky-570672