Bốn năm lúng túng xử lý vụ án 'đại gia' bị tố lừa bán đất

Bốn năm bị tạm giam và 3 lần đứng trước tòa, bị cáo một mực kêu oan không phạm tội 'lừa đảo'. Tòa 3 lần trả hồ sơ và trong 1 năm qua có tới 10 lần đưa ra xét xử nhưng hoãn.

Bị cáo Luật tại phiên tòa ngày 22/3 tiếp tục kêu oan

Bị hại lúng túng

Sau loạt bài của Báo PLVN phản ánh việc kêu oan của bị cáo Trần Quốc Luật (SN 1975, thường trú TP. HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ngày 13/2, (tức chiều ngày 28 Tết), bị cáo Luật được tại ngoại trong sự vui mừng của gia đình. Mới đây nhất, ngày 16/3, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Phiên tòa kéo dài đến 3 ngày (16/3, 19/3, 22/3).

Bị cáo Luật bị cáo buộc bán đất 1/2 mảnh đất rộng khoảng 15.000 m2 ở xã Tân Lập, TX. Tân Uyên (Bình Dương) không phải do mình đứng tên cho bị hại Nguyễn Công Hữu (ngụ Dĩ An, Bình Dương) để chiếm đoạt số tiền 2,85 tỷ đồng.

Tại phiên xét hỏi ngày 16/3, bị hại Hữu khai ở nước ngoài về và muốn đầu tư vào bất động sản. Bị hại không biết và chưa từng gặp bị cáo Luật. “Tôi được ông Trần Văn Nứa giới thiệu Luật có đất đang muốn bán. Tôi gặp và được Luật cho biết đất của Luật nhưng nhờ người thân đứng tên.

Tôi nhờ ông Nứa đi xem tình trạng đất. Thời điểm đó, tôi đi Hà Nội nên nghe ông Nứa nói lại là mảnh đất có vị trí đẹp, giấy tờ ổn, có thể mua được nên tôi mới mua. Ngày 5/9/2011, tôi đưa cho ông Nứa 1,1 tỉ đồng để đưa cho Luật và sau đó vài ngày, tôi nhờ người thân chuyển khoản cho Luật thêm 1,9 tỉ đồng”, bị hại trình bày.

Chủ tọa hỏi bị hại tại sao mua đất 2,85 tỉ đồng nhưng lại trả hai lần tổng cộng tới 3 tỉ đồng? Bị hại nói rằng trước đó có mua đất của Luật nhưng còn thiếu tiền. Lần mua đất ở Tân Uyên này, bị hại chuyển trả cho bị cáo.

Chủ tọa tiếp tục chất vấn, bị hại khai không quen biết với Luật tại sao giờ nói trước đó có mua đất. Bị hại khá lúng túng và khai rằng từng mua rất nhiều đất của Luật với tổng số tiền lên đến 16 tỉ đồng. Tiền đã chuyển nhưng chưa nhận phần đất nào.

Theo đó, phần đất trị giá 2,85 tỉ đồng, ông Hữu nói đã nhận đủ đất và chung vốn với Luật xây tường rào, trồng cây cọ dầu. Tiền đầu tư khoảng 400 – 500 triệu đồng. Sau đó vài tháng, Hữu gặp Luật yêu cầu sang tên cho Hữu nhưng Luật hứa hẹn.

Giữa tháng 6/2013, bị hại Hữu cho rằng tìm hiểu biết được đất không phải do Luật đứng tên nên đến công an tỉnh Bình Dương tố cáo. “Tôi chỉ yêu cầu Luật trả lại số tiền 2,85 tỉ đồng chứ không yêu cầu xử lý hình sự”, bị hại Hữu nói.

Tuy nhiên, VKS công bố đơn tố cáo đầu tiên của bị hại Hữu. Theo đó, trong đơn bị hại yêu cầu công an khởi tố, truy tố Luật về tội “lừa đảo”. Tòa hỏi bị hại Hữu giải thích sao về điều này và trong phiên tòa này yêu cầu xử lý Luật như thế nào, có yêu cầu trả lại số tiền đầu tư hay không?

Bị hại khá lúng túng nói rằng mình không tố cáo, vì không hiểu biết luật nên ghi trong đơn như vậy. Bị hại nói yêu cầu trả lại 2,85 tỉ đồng, còn tiền đầu tư thì không biết. Bị hại cho rằng không có quyền yêu cầu tòa xử lý bị cáo tội nặng hay nhẹ và không biết có bị Luật lừa hay không?

Đến nay, bị hại nói do vụ án kéo dài, cơ quan điều tra mời làm việc nhiều lần nên bị hại đã rút đơn yêu cầu xử lý đối với bị cáo.

Nhân chứng mới xuất hiện

Trong nhiều lần xét xử, bị cáo Luật luôn thừa nhận có bán đất cho Hữu và có nêu rõ tình trạng pháp lý của mảnh đất. Bị hại đồng ý mua và hợp tác làm ăn trong nhiều dự án bất động sản khác. Trước khi tố cáo, bị hại Hữu, Luật và ông Nứa hợp tác thành lập một công ty bất động sản.

Luật khai rằng đất ở Tân Uyên và hơn 20 bất động sản khác do Luật mua. Nhưng do không đủ tiền, Luật phải vay mượn của vợ chồng Nguyễn Đình Hào (SN 1969) và Phan Thị Nguyệt (SN 1967, ngụ TP HCM). Muốn được vay tiền, Luật phải để cho vợ chồng Hào – Nguyệt đứng tên trên bất động sản đã mua. “Do đó, bị cáo chưa sang tên được cho bị hại chứ không hề lừa. Trong thời gian bị cáo bị tạm giam, vợ chồng Hào – Nguyệt đã cầm cố tất cả bất động sản vào ngân hàng rồi cầm tiền bỏ đi đâu không rõ” bị cáo khai.

Bị cáo nhiều lần yêu cầu tòa triệu tập vợ chồng Hào – Nguyệt nhưng đến nay không biết hai người này ở đâu. Có thông tin, vợ chồng Hào – Nguyệt đi nước ngoài định cư. Việc Luật vay tiền của Hào – Nguyệt đều có trao đổi qua Email nhưng đến nay Luật không nhớ mật khẩu nên yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc. Tòa cũng nhiều lần yêu cầu nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa thực hiện.

Luật nói rằng ông Nứa là người biết rõ việc mua bán đất của Luật ở Tân Uyên, việc vay mượn với vợ chồng Hào – Nguyệt và việc mua bán giữa Luật với bị hại Hữu. Trong khi cơ quan điều tra nói rằng không biết ông Nứa ở đâu thì tại tòa, Luật khai đã liên lạc được với ông Nứa. Ông Nứa hiện đang du lịch ở Úc và sẵn sàng làm chứng cho Luật.

Tại tòa lần này, Luật cũng mời được nhân chứng mới. Nhân chứng này qua đọc báo biết Luật bị truy tố và liên quan đến vợ chồng Hào – Nguyệt nên tự nguyện đến tòa làm chứng. Nhân chứng cho biết cũng rơi vào tình cảnh như Luật: vay mượn bằng hợp đồng mua bán, sau đó vợ chồng Hào – Nguyệt tự đi sang tên và cầm ngân hàng. Đến nay, nhân chứng đang truy tìm vợ chồng Hào – Nguyệt để đòi lại nhưng không biết ở đâu.

Phần xét hỏi xuất hiện nhiều nội dung mới nhưng đại diện VKS giữ nguyên quan điểm buộc tội và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo mức án 14 đến 16 năm tù.

Tranh luận gay gắt

Luật sư Nguyễn Danh Hưng (Đoàn LS TP Hà Nội- bào chữa cho bị cáo Luật) cho rằng VKS đã bỏ qua rất nhiều yếu tố cơ bản trong việc chứng minh tội phạm.

Luật sư Hưng cho rằng VKS chỉ dựa vào chi tiết đất không đứng tên chủ quyền của Luật nhưng Luật vẫn bán là lừa đảo là thiếu căn cứ. VKS bỏ qua tình tiết, Luật được vợ chồng Hào – Nguyệt làm giấy ủy quyền có quyền tìm người, thực hiện giao dịch mua bán. Đồng thời, bán đất xong cho bị hại Hữu thì không xảy ra tranh chấp, không ai ngăn cản. Vợ chồng Hào – Nguyệt cũng đã ký tên chấp nhận việc sang tên cho bị hại Hữu nhưng sau đó không thực hiện.

Việc chứng minh vợ chồng Hào – Nguyệt chỉ đứng tên giùm vì cho Luật vay tiền là rất quan trọng trong việc kết tội nhưng chỉ một mình Luật tự tìm chứng cứ chứng minh điều đó. Còn cơ quan điều tra và VKS lại bỏ qua, không chú trọng. Phần đất cũng là tang vật vụ án nhưng không được ngăn chặn để cho vợ chồng Hào – Nguyệt bán đi, không còn để thẩm tra.

Luật mua phần đất ở Tân Uyên được chứng minh rất rõ bằng giấy đặt cọc và bằng những lần chuyển trả tiền có chứng từ. Vợ chồng Hào – Nguyệt nói mua lại đất này của Luật nhưng không đưa ra được chứng cứ.

VKS cho rằng chỉ tập trung chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, không cần phải nghiên cứu tổng thể các quan hệ kinh tế. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Nguyệt có cơ sở pháp lý cao nhất, chưa bị bác bỏ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật không đứng tên chủ quyền thì không có quyền định đoạt lô đất này. Vì thế, Luật bán cho người khác là phạm tội.

Tranh luận diễn ra gay gắt. Sau nhiều ngày nghị án, chiều ngày 28/3, HĐXX quyết định tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. HĐXX đưa ra 9 tình tiết yêu cầu VKS làm rõ trong quá trình điều tra bổ sung.

Đây là lần thứ 4 TAND tỉnh Bình Dương trả hồ sơ với nội dung điều tra bổ sung tương tự như 3 lần trước. Bị cáo Luật và gia đình tỏ ra thất vọng với việc trả hồ sơ này. Theo đó, Luật mong muốn được tuyên vô tội.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/hoi-am-don-thu/bon-nam-lung-tung-xu-ly-vu-an-dai-gia-bi-to-lua-ban-dat-389139.html