Bộ Công Thương triển khai biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai

Bộ Công Thương vừa ra Chỉ thị số 14/CT-BCT về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai.

Theo Bộ Công Thương, vừa qua tình hình mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, siêu bão đã và đang diễn ra ngày càng bất thường, cực đoan gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản đối với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Ở nước ta, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc kèm theo sét, mưa đá, động đất, mưa lớn có xu hướng gia tăng cả về tần suất và mức độ khốc liệt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.

Ngành điện chủ động phòng chống thiên tai

Dự báo, mùa mưa, bão đến muộn vào cuối năm, khả năng xuất hiện khoảng từ 7 - 9 cơn bão, trong đó có khoảng từ 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam; nguy cơ mưa lũ lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 1/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai, chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, nhất là tình huống xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất, Bộ Công Thương yêu cầu cụ thể: Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với công trình thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, nhất là các hồ thủy điện và hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

Đối với các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai tại các cơ sở, công trình trong ngành Công Thương trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện. “Chỉ đạo giám sát vận hành an toàn hồ đập thủy điện, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ” - chỉ thị nêu rõ.

Chủ động xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu cung ứng kịp thời cho nhân dân, chú trọng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt dự phòng tại chỗ.

Bộ Công Thương cũng giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của chỉ thị này.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị; tổ chức diễn tập cho các cán bộ, công nhân viên trong đơn vị theo phương án đã phê duyệt.

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Bộ Công Thương yêu cầu tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, dự án di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt.

Kiểm tra, rà soát các bãi thải, các khu mỏ khai thác than, khoáng sản, kho chứa, nhà xưởng, bến cảng, hệ thống đê chân bãi thải, hệ thống bơm thoát nước, mương thoát nước, mặt bằng sản xuất... chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn công trình và khu dân cư lân cận, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ lớn. Bên cạnh đó, tổ chức diễn tập phương án ứng phó chống ngập lụt mỏ, sạt lở bãi thải ảnh hưởng đến các khu dân cư trong vùng; huấn luyện nghiệp vụ cấp cứu mỏ tại các đơn vị.

Về phía Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, rà soát cập nhật hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện các phương án, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, ứng phó sự cố tràn dầu, ứng phó sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí.

Riêng đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện cần chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, tập trung vào các quy định về: Vận hành hồ chứa, cảnh báo và an toàn cho vùng hạ du, kiểm định đập; phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương và chủ sở hữu đập trong cùng hệ thống bậc thang trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện. Các công trình thủy điện đang thi công, phải thực hiện phương án ứng phó với thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập quy định tại Điều 7 của Nghị định 114/2018/NĐ-CP.

Tập trung rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho công trình, hạ du đập và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mọi tình huống.

Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; Cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-trien-khai-bien-phap-cap-bach-de-chu-dong-ung-pho-thien-tai-144288.html