Bộ Công thương: Tăng thuế môi trường xăng dầu nên từ từ

Bộ Công thương sẽ đề nghị chưa tăng kịch khung thuế môi trường, nếu tăng phải có lộ trình cụ thể, không thể tăng một lúc.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến nửa đầu năm 2018 ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ Công thương - Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ có ý kiến về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/1lít.

Tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ gây áp lực với giá xăng trong nước. Ảnh: Vietnammoi

Theo ông Hải, việc tăng ngay một lúc thuế môi trường với mặt hàng này là không nên. Do đó, Bộ sẽ có đề nghị Chính phủ chưa nên tăng kịch khung mà sẽ tăng từ từ.

Lý lẽ của Bộ Công thương là lo ngại khả năng việc nâng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ gây áp lực lên giá xăng vốn đang phải chi sử dụng Quỹ bình ổn để giữu giá.

"Nếu tăng, phải có lộ trình hết sức cụ thể chứ không thể tăng một lúc 1.000 đồng mỗi lít", ông Hải nói.

Được biết, ngày 12/7, Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong một dự thảo công bố hồi đầu năm, Bộ Tài chính đề xuất thuế bảo vệ môi trường với mỗi lít xăng sẽ tăng 1.000 đồng lên 4.000 đồng. Còn dầu diesel, tăng thêm 500 đồng thuế. Còn lại, dầu madút, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng bị đề nghị tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay.

Với phương án điều chỉnh này, nhiều ý kiến lo ngại sẽ gây tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường vận tải.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), băn khoăn về việc thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu có được sử dụng để cải thiện môi trường theo đúng sứ mệnh của nó hay không, khi mà việc này chưa công khai, minh bạch.

Hai nghịch lý nếu xăng gánh thêm thuế môi trường?

Ông Hùng chỉ rõ bất cập khi xăng sinh học E5 vừa được đưa vào bán rộng rãi trên thị thường thì thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lại đề xuất tăng kịch khung.

Việc áp thuế môi trường kịch trần đối với xăng dầu chưa thể thực hiện khi chưa làm rõ được các câu hỏi trên.

Mặt khác, theo một số chuyên gia kinh tế, tuy không nhất thiết phải rành rọt đồng thuế thu được từ thuế bảo vệ môi trường phải chi đúng mục đích này theo đòi hỏi của người dân nhưng trong bối cảnh chi tiêu ngân sách còn chưa minh bạch, việc tăng thuế này sẽ gây phản ứng trong dư luận, bất kể chi đúng hay sai.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/bo-cong-thuong-tang-thue-moi-truong-xang-dau-nen-tu-tu-3361534/