Biến đổi khí hậu: Sóng nhiệt di chuyển chậm lại kéo dài thời gian khắc nghiệt

Kết luận một nghiên cứu công bố trên Science Advances cho biết biến đổi khí hậu đang khiến các đợt sóng nhiệt di chuyển chậm hơn, khiến những giai đoạn thời tiết khắc nghiệt kéo dài hơn bao giờ hết.

Lòng sông Gardon khô cằn gần cầu Saint-Nicolas de Campagnac ở Saint-Anastasie, miền Nam nước Pháp, sau một đợt nắng nóng ập đến vào tháng 6/2022. (Ảnh: AFP)

Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt sóng nhiệt di chuyển chậm hơn, khiến những giai đoạn thời tiết khắc nghiệt kéo dài hơn bao giờ hết. Đây là kết luận một nghiên cứu công bố trên Science Advances ngày 29/3.

Trong khi các nghiên cứu trước đây chỉ ra biến đổi khí hậu khiến sóng nhiệt trở nên dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn, nghiên cứu mới có cách tiếp cận khác biệt. Nghiên cứu coi sóng nhiệt là các hiện tượng thời tiết riêng biệt di chuyển theo dòng khí, giống như bão.

Từ năm 1979 đến năm 2020, các nhà nghiên cứu nhận thấy tốc độ di chuyển của sóng nhiệt giảm trung bình 8 km/giờ mỗi ngày. Tác giả chính nghiên cứu, chuyên gia Wei Zhang của Đại học bang Utah, chia sẻ: "Nếu sóng nhiệt di chuyển chậm hơn, nhiệt độ có thể lưu lại một khu vực lâu hơn, gây ra tác động đến các cộng đồng dân cư."

Nhóm nghiên cứu phân chia thế giới theo các ô lưới ba chiều và định nghĩa sóng nhiệt là vùng có diện tích 1 triệu km vuông, nơi nhiệt độ cao tương đương 95% mức nhiệt cao nhất được ghi nhận tại địa điểm đó. Sau đó, các nhà nghiên cứu đo hướng di chuyển của sóng nhiệt theo thời gian để xác định tốc độ dịch chuyển của luồng không khí nóng.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình khí hậu để xác định kết quả sẽ như thế nào nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nghiên cứu thực tế cho thấy các yếu tố do con người tác động đóng vai trò quan trọng.

Nghiên cứu cho biết thêm, những thay đổi này đã tăng tốc đáng kể kể từ năm 1997 và ngoài yếu tố do con người gây ra, sự suy yếu của lưu thông khí quyển trên cao cũng có thể đóng một phần cho sự thay đổi này.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thời gian kéo dài của sóng nhiệt cũng tăng lên, từ trung bình 8 ngày trong giai đoạn đầu thành 12 ngày trong 5 năm cuối của nghiên cứu.

Các tác giả nghiên cứu nêu rõ kết quả cho thấy các đợt sóng nhiệt lớn, di chuyển chậm và kéo dài hơn sẽ gây ra những tác động tàn khốc hơn đến các hệ thống tự nhiên và xã hội trong tương lai nếu khí nhà kính tiếp tục gia tăng và không thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hiệu quả. Ông Wei Zhang bày tỏ lo ngại về những tác động không cân đối đối với các khu vực kém phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bien-doi-khi-hau-song-nhiet-di-chuyen-cham-lai-keo-dai-thoi-gian-khac-nghiet-post937442.vnp