Bệnh cường giáp: Nhiều người đang thờ ơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng

Mỗi tuần, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cấp cứu 3-4 phụ nữ trẻ tuổi khó thở, tim đập nhanh, yếu chân, mệt li bì… do bệnh cường giáp. Hiện nhiều người đang thờ ơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Sợ môn thể dục

Em H.M.N. (19 tuổi, Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng đau ngực, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, tim đập nhanh 150 lần/phút.

Các bác sĩ khoa cấp cứu cho N. xét nghiệm máu, kết quả hormone tuyến giáp vượt ngưỡng không thể đo được (mức bình thường từ 12 – 22 pmol/l), hormone TSH giảm 54 – 840 lần, xuống còn 0.005 microIU/ml.

Em N. được xác định bị cường giáp, cần điều chỉnh hormone giáp, nhịp tim để tránh nhiều biến chứng trong đó có suy tim. Em không biết mình bị bệnh tuyến giáp, dù 6 tháng trước đã xuất hiện các triệu chứng khó thở, đặc biệt khi leo cầu thang, chạy bộ, tim đập nhanh… Mỗi lần đến tiết học thể dục em phải xin nghỉ do mệt.

Cổ của em H. phình to do bướu giáp

Em P.T.L.H. (18 tuổi, TP.HCM) đã phát hiện cường giáp 1 tháng trước nhưng do bận học nên hay quên uống thuốc.

3 ngày trước em ngã xuống tại quán ăn gần trường vì đánh trống ngực, khó thở, yếu tay chân…

Em được tài xế công nghệ phát hiện và đưa đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Ngay lập tức các bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường cho H. truyền dịch, uống thuốc kiểm soát nhịp tim, thuốc kháng giáp. Sau 3 ngày điều trị, em khỏe, hết mệt, nhịp tim ổn định và được về nhà.

Bác sĩ CKII Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn gấp 10 lần so với nam giới.

Tuy nhiên, nhiều người chưa quan tâm phòng ngừa bệnh dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh cường giáp thường gặp ở phụ nữ trẻ từ 20-40 tuổi. Lý do phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cường giáp cao hơn nam giới do phụ nữ trải qua nhiều cuộc biến động thay đổi nội tiết tố như chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con… Đồng thời, phụ nữ có tỷ lệ cao mắc bệnh tự miễn hơn nam giới, đây cũng là 1 trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp do tự miễn.

Tỉ lệ dân số bị cường giáp

Tỷ lệ mắc bệnh cường giáp dao động từ 0,2% đến 1,3% ở những nơi có đủ iốt trên thế giới.

Năm 1977, nghiên cứu Whickham của Anh báo cáo tỷ lệ mắc bệnh cường giáp được ước tính là từ 100 – 200 ca/100.000 dân mỗi năm với tỷ lệ tỷ lệ mắc bệnh là 2,7% ở nữ và 0,23% ở nam.

Tại Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh Graves là 30/100.000 dân mỗi năm trong giai đoạn 1935–1967. Một nghiên cứu đoàn hệ theo dõi 20 năm của Whickham cho thấy tỷ lệ mắc bệnh 80/100.000 phụ nữ mỗi năm.

Khảo sát của National Health and Nutrition Examination Survey (NHANES III) Mỹ năm 2022, cường giáp thật sự phát hiện ở 0,5% dân số và cường giáp cận lâm sàng chiếm tỉ lệ 0,7% dân số.

Các nghiên cứu từ một số quốc gia khác, bao gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Nhật Bản đều báo cáo tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ hiện mắc tương đương nhau.

Một phân tích tổng hợp của Châu Âu nghiên cứu ước tính tỷ lệ lưu hành trung bình là 0,75% và tỷ lệ mắc 51/100.000 trường hợp mỗi năm.

Tại Việt Nam số lượng người phát hiện bệnh tuyến giáp rất thấp. Phần lớn trường hợp có biến chứng rồi mới biết mình mắc bệnh. Một phần do các triệu chứng của bệnh cường giáp dễ nhầm lẫn với các bệnh khác hay suy nhược cơ thể như: khó thở, mệt, yếu cơ tay chân…

Bệnh cường giáp thường gặp ở phụ nữ trẻ từ 20-40 tuổi. (Hình minh họa)

Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp giải phóng quá nhiều hormone giáp (FT4 và FT3) hơn mức cơ thể cần. Tuyến giáp giúp điều chỉnh nhiệt độ, kiểm soát nhịp tim, kiểm soát quá trình trao đổi chất. Do đó, tăng hay hạ hormone tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Khi mắc bệnh cường giáp, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: nhịp tim nhanh, run rẩy, lo lắng, giảm cân, tăng khẩu vị, tiêu chảy, tầm nhìn thay đổi, da mỏng, ẩm, rối loạn kinh nguyệt, không chịu được nóng, khó ngủ, rụng tóc, mắt lồi, yếu cơ…

Bệnh có nhiều mức độ từ cường giáp cận lâm sàng, cường giáp lâm sàng, cường giáp nặng, bão giáp.

Khi hormone tuyến giáp tiết ra ồ ạt quá nhiều hơn mức bình thường thì người bệnh dễ rơi vào cơn bão giáp. Đây là một tình trạng rất nặng đe dọa tính mạng người bệnh. Cơn bão giáp thường xảy ra ở người bệnh cường giáp không được phát hiện, hoặc cường giáp điều trị chưa ổn định và có biến cố về sức khỏe như phải phẫu thuật, bệnh nội khoa nặng, sinh nở, dùng iod liều cao để điều trị bệnh khác… Để chẩn đoán cơn bão giáp, bác sĩ cần sử dụng thang điểm riêng tên là thang điểm Wartofsky.

Trên 85% người bệnh bị cường giáp là do bệnh Graves (còn gọi Basedow). Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây bệnh cường giáp không phổ biến như: u tuyến giáp, tiêu thụ quá nhiều iod…

Hướng điều trị cường giáp

Thời gian điều trị cường giáp còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị. Cường giáp có các phương pháp điều trị như sau:

Thuốc kháng giáp: Giúp ngăn tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp.Iod phóng xạ. Là một loại thuốc uống, khi sử dụng nó các tế bào tuyến giáp sẽ bị phá hủy. Sau 5 tháng đến 5 năm, những người điều trị bằng phương pháp này phần lớn phải dùng thuốc hormone giáp trong suốt đời do bị suy giáp.

Phẫu thuật: Phương pháp được chỉ định khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Người bệnh có kèm bướu giáp gây nuốt vướng, khó thở… Bác sĩ sẽ cắt bỏ 1 phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.

Bác sĩ Khuyên cho biết bệnh cường giáp gây ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Để phòng ngừa, người dân có yếu tố gia đình đã có người mắc bệnh lý tuyến giáp người dân nên đi khám định kỳ mỗi năm để tầm soát và phát hiện bệnh.

Người có các triệu chứng bệnh cường giáp cần gặp bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để được điều trị phòng biến chứng.

PV

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/benh-cuong-giap-nhieu-nguoi-dang-tho-o-dan-den-cac-bien-chung-nghiem-trong-d8737.html