Bẻ khớp tay thường xuyên gây hại như thế nào?

Với nhiều người, bẻ khớp tay là thói quen giúp thả lỏng khi làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, hành động này về lâu dài có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Theo Washington Post, thống kê cho thấy 20-45% người dân tại Mỹ có thói quen bẻ khớp ngón tay. Trên thế giới, 54% người dân thích hành động này. Các chuyên gia khẳng định hiện tại chưa có mối liên hệ chặt chẽ giữa hành động tên với bệnh viêm khớp, thoái hóa sụn đệm ở các đầu xương. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa bẻ khớp ngón tay nhiều là vô hại.

Vì sao nhiều người thích bẻ khớp tay?

Nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí của Hội đồng Y học Gia đình Mỹ (JABFM) lý giải nhiều người thích bẻ khớp tay, chân, thậm chí các vị trí khác trên cơ thể vì các nguyên do sau đây:

- Âm thanh: Họ thích nghe tiếng rắc rắc mà hành động bẻ khớp tạo ra

- Cảm giác vơi bớt căng thẳng: Một số người cho rằng bẻ khớp ngón tay, chân, vặn người sẽ tạo ra nhiều khoảng trống hơn trong khớp, giúp giảm căng thẳng, tăng khả năng vận động. Nhiều người cho rằng tiếng kêu và cảm giác mà việc bẻ khớp tạo ra khiến họ thoải mái, sảng khoái hơn.

Thao tác kích thích khớp sẽ tác động tổ hợp dây thần kinh liên quan cảm giác chuyển động, còn gọi là gân Golgi. Điều này khiến chúng ta có cảm giác cơ xung quanh khớp được thư giãn, giảm áp lực khớp nối.

Nhiều người thích bẻ khớp ngón tay, chân vì cho rằng nó giúp giãn cơ, thả lỏng xương khớp. Ảnh: Freepik.

Tuy nhiên, đây chỉ là cảm giác đánh lừa chúng ta. Không có bằng chứng cho thấy bẻ khớp giúp giảm căng thẳng hay hỗ trợ các vấn đề về cơ, xương khớp.

- Thói quen: Bẻ khớp tay, chân dường như có hấp lực khó giải thích. Khi bẻ khớp một ngón tay, bạn có xu hướng tiếp tục hành vi này với cả bàn tay, chân hay thậm chí tới cổ tay, khớp cổ. Cuối cùng, chúng ta vô thức bẻ khớp nhiều lần trong ngày, biến nó thành thói quen.

Vì sao có tiếng kêu rắc rắc khi bẻ khớp tay, chân?

Nguyên nhân gây ra các tiếng kêu khi bẻ khớp tay vẫn chưa có kết luận chính xác. Nhiều chuyên gia cho rằng nó xuất phát từ bọt khí nitơ hình thành hoặc xẹp xuống trong dịch khớp.

Những luồng ý kiến khác lại đặt giả thuyết tiếng rắc đến từ sự chuyển động của các dây chằng xung quanh khớp ngón tay.

Trong một nghiên cứu năm 2015 đăng trên tạp chí PLOS, nhóm chuyên gia đã theo dõi các khớp ngón tay khi bị bẻ bằng máy MRI. Kết quả, họ phát hiện một khoang được hình thành do áp suất âm tạo ra khi khớp bị kéo ra xa nhanh. Họ xác định âm thanh tạo ra nhờ sự hình thành các khoang này. Tuy nhiên, điều này không thể giải thích được độ lớn của âm thanh.

Năm 2018, nghiên cứu khác cho rằng sau 20 phút các khoang mới xẹp xuống hoàn toàn và quay trở lại trạng thái ban đầu. Đây là lý do bạn không thể bẻ khớp nhiều lần trên một ngón tay.

Nhiều người thích âm thanh tạo ra khi bẻ khớp ngón tay, chân. Ảnh: Freepik.

Bẻ khớp tay có gây nguy hiểm?

Bác sĩ giải phẫu thần kinh Rod Oskouian, tại Seattle, Mỹ, trong bài báo đăng trên tạp chí Clinical Anatomy, đã thống kê 26 nghiên cứu về vấn đề này và kết luận bản chất việc bẻ khớp, tại thời điểm đó không gây hại. Tuy nhiên, bẻ khớp tay thường xuyên, nhiều năm sẽ gây chấn thương lặp đi lặp lại cho khớp và sụn.

Ông phân tích các chuyên luận từ vài thập kỷ trước, bắt đầu với công trình nghiên cứu “Tranh cãi xung quanh hệ lụy của bẻ khớp tay”, xuất bản năm 1911 tại Đức. Năm 2017, nhóm nhà khoa học tại Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra 35 người bẻ khớp tay hơn 5 lần/ngày.

Họ phát hiện hành động không ảnh hưởng sức mạnh cầm, nắm của đôi tay. Tuy nhiên, nó gây hệ lụy khiến sụn cổ tay dày lên. Đây là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới viêm khớp.

Một nghiên cứu năm 1990 trên 300 người trên 45 tuổi với 74 trường hợp thường xuyên bẻ khớp ngón tay. Họ phát hiện những người này có tỷ lệ viêm khớp cao hơn, khả năng bị sưng tay nhiều hơn và khả năng cầm nắm yếu.

Chưa có kết luận bẻ khớp tay, chân là thủ phạm gây viêm khớp. Ảnh: Freepik.

Hai tác giả tại Bệnh viện Mount Carmel Mercy, ở Detroit, Mỹ, kết luận: “Việc bẻ khớp ngón tay theo thói quen sẽ dẫn tới suy giảm chức năng bàn tay”. Họ cũng lưu ý những người này nhiều khả năng cắn móng tay, hút thuốc và uống rượu hơn.

Ngoài ra, thói quen bẻ khớp tay, chân rất khó bỏ. Nhiều người vô thức làm hành động này ngay cả khi họ không tập trung.

Nếu bẻ khớp xuất hiện cảm giác đau, bạn cần đi khám vì có thể cấu trúc khớp của bạn gặp vấn đề như lỏng sụn, tổn thương dây chằng. Một số bệnh nhân bị viêm khớp, viêm bao hoạt dịch hoặc gân cũng báo cáo về tiếng rắc trong cơ xương khớp. Nguyên nhân là các mô sưng lên không đều.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý khi bẻ khớp ngón tay, chân và có sự biến dạng ở những bộ phận này. Mỗi khớp chỉ chịu được một lực nhất định. Nắn, bẻ khớp làm khớp hoạt động nhiều, gây lực ép lớn lên khớp khiến chúng bị tổn thương.

Bạn có thể bị chấn thương ngón tay nếu kéo mạnh hoặc di chuyển sai hướng. Ngón tay khi chấn thương sẽ bị cong vẹo hoặc sưng đầu. Nếu điều này xuất hiện, bạn cần tới gặp bác sĩ ngay.

Sụn khớp là thành phần trắng, giòn, làm lớp đệm giữa hai đầu xương, giúp giảm lực ma sát khi chúng trượt lên nhau, là cơ sở để chúng ta đi lại, vận động, sinh hoạt dễ dàng. Sụn khớp còn chứa 2% tế bào sụn không có khả năng hồi phục khi bị thương. Nắn, bẻ khớp sẽ làm sụn bào mòn, thương tổn dẫn đến thoái hóa.

Nhìn chung, bẻ khớp bản chất không phải hành động ngay lập tức gây hại. Tuy nhiên, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, bạn nên cẩn trọng, tránh để bị tổn thương khi bẻ khớp tay, chân.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/be-khop-tay-thuong-xuyen-gay-hai-nhu-the-nao-post1198521.html