Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV: Cuộc bầu cử lịch sử

Chúng ta đang bước vào một thời khắc hết sức quan trọng của năm 2021, một sự kiện có ý nghĩa lớn đối với cả giai đoạn lịch sử 5 năm sắp tới, đó là cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, chọn ra những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân vào cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội.

Một vấn đề lớn được nhiều người quan tâm là ngoài ý nghĩa chung như tất cả các kỳ bầu cử quốc hội đã diễn ra trong quá trình lịch sử thì cuộc bầu cử quốc hội lần này có gì đặc biệt?

Các pano, khẩu hiệu tuyên truyền, chào mừng về bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên các tuyến đường tại Đà Nẵng. (Nguồn: TTXVN)

Nhìn từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Bất kỳ cuộc bầu cử quốc hội nào cũng đều có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là lúc toàn dân thông qua lá phiếu thể hiện ý chí của mình lựa chọn ra những người đại diện cho nhân dân đảm nhận những trọng trách hệ trọng trong hệ thống chính trị, là nơi thông qua các chỉ tiêu quan trọng nhất của quốc gia trong quá trình phát triển, chỉnh đốn những khung pháp lý, định chế bảo đảm cho sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, trong toàn bộ tiến trình lịch sử từ khi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được hình thành sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đến nay, những kỳ bầu cử Quốc hội đi vào lịch sử như một dấu mốc đặc biệt thì không có nhiều.

Trước hết phải kể đến cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam đầu tiên vào ngày 6/1/1946. Đó là một sự kiện lịch sử đã khiến cho nhiều người trong và ngoài nước bất ngờ và ngỡ ngàng trước thắng lợi rực rỡ của nó. Không mấy người tin rằng chính phủ lâm thời non trẻ khi ấy có thể tổ chức thành công một cuộc tổng tuyển cử trên quy mô cả nước trong những điều kiện hết sức khó khăn và tình thế hiểm nghèo.

Có nhiều người cho rằng chính quyền khi ấy đã nằm gọn trong tay Việt Minh, uy tín của chính phủ lâm thời đang rất cao, gần như không có sự bảo đảm nào khác, nhân dân đang hướng vào chính phủ gần như tuyệt đối thì cần gì phải tổ chức tổng tuyển cử.

Cũng có ý kiến nghi ngại lo lắng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong lúc dầu sôi lửa bỏng, âm mưu phá hoại của thù trong giặc ngoài, liệu có an toàn cả về mặt con người cũng như kết quả. Và như chúng ta đã biết, cuộc tổng tuyển cử đã thành công ngoài sức tưởng tượng.

Vì sao? Trước hết phải nói với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo cách mạng lúc đó, đã nhận thức sâu sắc rằng chính quyền vừa giành được về tay cách mạng mới chỉ là quyền lực chính trị. Để có được tính chính danh, địa vị pháp lý trước toàn dân và thế giới cần phải nhanh chóng tiến hành tổng tuyển cử.

Chính nhờ cuộc bầu cử này mà quyền lực chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam phải phải bỏ bao nhiêu xương máu, công sức mới giành được từ tay đế quốc Nhật, thành quả của cả một dân tộc trong sự nghiệp giành lại độc lập mới được thế giới thừa nhận. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều học giả cho rằng không có chính quyền nào trên thế giới do Đảng Cộng sản cầm quyền có thể so với chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ về tính hợp hiến, hợp pháp.

Quốc hội do cuộc Tổng tuyển cử bầu ra không chỉ thông qua tên nước với thể chế Dân chủ cộng hòa, khẳng định tính chất của nhà nước là của dân, do dân, vì dân thay cho thể chế quân chủ thống trị các thần dân kéo dài hàng nghìn năm, mà còn xác định ba tiêu ngữ thể hiện mục tiêu hướng tới, đồng thời là cam kết của nhà nước với nhân dân đó là Độc lập, Tự do và Hạnh phúc.

Như vậy là, ngay từ đầu năm 1946, chính quyền cách mạng đã có lời hứa long trọng với dân là chính quyền này cùng với nhân dân sẽ xây dựng một đất nước trong độc lập, tự do và mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia.

Cuộc bầu cử lịch sử thứ hai chính là cuộc bầu cư Quốc hội sau khi đất nước thống nhất. Tròn 30 năm sau ngày giành được chính quyền về tay nhân dân hai chữ Độc lập mới được thực hiện trọn vẹn.

Trong những năm qua nhân dân ta cũng từng bước được hưởng tự do với ý nghĩa là quyền được sống trong thanh bình, mọi người người được đảm bảo cuộc sống bình an, được hưởng đầy đủ các quyền theo Hiến pháp và pháp luật, chứ không phải tự do cá nhân lên trên cộng đồng, lên trên tập thể.

Sau khi giành độc lập, chúng ta phải giải quyết bao nhiêu khó khăn thời hậu chiến, rồi những âm mưu phá hoại, cấm vận… thì phải đến khi bắt đầu công cuộc đổi mới, thì lúc đó Quốc hội sau đổi mới là một kỳ bầu cử quốc hội lịch sử thứ 3 sau bầu cử quốc hội thống nhất đất nước.

Vậy là chúng ta có cuộc bầu cử đầu tiên sau độc lập, bầu cử sau khi đất nước thống nhất và cuộc bầu cử sau thời kỳ chúng ta quyết định đổi mới.

Mỗi người được người dân bầu vào Quốc hội khóa này có trách nhiệm rất lớn khi được Quốc hội bầu vào các cương vị quan trọng, vị trí cực kỳ then chốt trong hệ thống chính trị. Chắc chắn phải ý thức sâu sắc rằng mình có đầy đủ khát vọng hơn người thường, có trách nhiệm hơn người thường và luôn luôn phải ý thức sâu sắc rằng đây là một thời kỳ lịch sử phát triển hết sức quan trọng đối với toàn bộ diễn trình lịch sử của dân tộc.

Thời khắc lịch sử, vận hội mới của đất nước

Có thể nói cuộc bầu cử quốc hội khóa XV, theo cách nhìn nhận của giới nghiên cứu lịch sử, có ý nghĩa lịch sử có thể sánh với ba cuộc bầu cử nói trên. Đây là giai đoạn chúng ta đã chuẩn bị hành trang bước vào thời kỳ xây dựng đất nước phồn vinh và cuộc sống hạnh phúc. Sứ mệnh lịch sử trọng đại này đã được xác định là mục tiêu chính trị của Đại hội XIII.

Trọng trách của Quốc hội lần này là phải chọn ra những người xứng đáng để thực hiện những nhiệm vụ đó, phải thông qua những quyết sách lớn và đồng thời phải bổ sung, phát triển những định chế, khung pháp lý cho hoạt động của đất nước trong thời kỳ đưa đất nước đi tới phồn vinh, nhân dân tới cuộc sống hạnh phúc.

Do đó, mỗi người được người dân bầu vào Quốc hội khóa này có trách nhiệm rất lớn khi được Quốc hội bầu vào các cương vị quan trọng, vị trí cực kỳ then chốt trong hệ thống chính trị. Chắc chắn phải ý thức sâu sắc rằng mình có đầy đủ khát vọng hơn người thường, có trách nhiệm hơn người thường và luôn luôn phải ý thức sâu sắc rằng đây là một thời kỳ lịch sử phát triển hết sức quan trọng đối với toàn bộ diễn trình lịch sử của dân tộc.

Một đất nước gần 100 triệu dân, đã trải qua những thời kỳ lịch sử được rất nhiều người biết đến, được thế giới nể trọng. Chúng ta hoàn toàn có quyền và có căn cứ để ước nguyện Việt Nam phải trở thành một quốc gia sánh vai với các nước phát triển, sánh vai với các cường quốc và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Đây chính là thời khắc có tính lịch sử vì chúng ta đã qua thời kỳ phát triển để bước sang thời kỳ cất cánh. Tức là chúng ta đã thay đổi về chất trong sự phát triển. Nhìn vào cơn đại nạn của thế giới - dịch Covid-19, nhiều nước lâm vào cảnh bấn loạn, thế giới đã nhìn Việt Nam với con mắt rất khác, với sự khâm phục.

Đấy không chỉ thể hiện năng lực điều hành của Chính phủ mà còn phản ánh bản lĩnh của văn hóa Việt. Khi Thủ tướng Chính phủ lên đài kêu gọi nhân dân phải “chống dịch như chống giặc” thì dường như truyền thống hàng nghìn năm đã sống dậy. Điều mà đối với nước có trình độ văn minh cao tưởng chừng rất khó thì với người Việt Nam lại làm rất dễ.

Đó là sức mạnh truyền thống. Sức mạnh đó củng cố lòng tin của chúng ta đối với thành công của đất nước trong thời gian tới. Quốc hội khóa XV sẽ có một sứ mệnh lịch sử là cùng với cả hệ thống chính trị đưa đất nước Việt Nam đã trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ tới đài vinh quang mới. Đó chính là lúc chúng ta gặt hái niềm vui, lòng tự hào vì không chỉ được sống trong một quốc gia độc lập, tự do, hạnh phúc mà còn là một nước phát triển, có ảnh hưởng lớn trên đời sống quốc tế.

Đối với người lãnh đạo phải biết dùng người tài, hơn là thế hiện là mình tài. Đây là tiêu chí quan trọng. Người có cương vị lãnh đạo không được hẹp hòi, không ai có thể nói mình là người tài nhất mà luôn luôn nhìn thấy cái tài ở người khác để trọng dụng nhân tài. Đấy chính là phát huy tài năng vô giá của con người Việt Nam. Khả năng hiếu học, trọng học cũng là tài nguyên lớn. Khi mình có vị trí mà mình chỉ cho mình là người tài, không dùng người tài khác thì rất nguy hiểm.

Lựa chọn những người trong sạch, có khát vọng và quyết tâm cao

Với ý nghĩa lịch sử như vậy, Quốc hội lần này đương nhiên phải chọn được những người có tài, có đức, nhưng ngoài năng lực trên nhiều phương diện và những phẩm chất đạo đức nhất thiết phải có của cán bộ, nhất định phải là những người trong sạch, có khát vọng và quyết tâm rất cao. Một đội ngũ lãnh đạo mà có những người chưa đủ khát vọng thì rất khó có thể khơi dậy khát vọng từ nhân dân. Khát vọng ở đây là khát vọng cống hiến, khát vọng đưa đất nước đi lên.

Cũng rất mừng là trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn học rất nhiều nội dung cần thiết, trong đó có chuyên đề “tinh hoa cầm quyền trị quốc của dân tộc”. Khi tôi trình bày, tôi nhận được sự hào hứng, ủng hộ cao của học viên và qua thảo luận, trao đổi, tôi thấy học viên của tất cả các lớp đều tràn trề khát vọng muốn làm và khao khát cống hiến, đổi mới.

Tiêu chuẩn quan trọng đó phải là những tấm gương trong sáng. Mỗi một người gánh nhận sứ mệnh lịch sử phải có ý thức dân tộc rất cao, phải hiểu mình đang thực hiện sứ mệnh vinh quang của dân tộc - ngọn cờ dân tộc luôn phải cháy rực trong lòng và cùng với đó phải giữ gìn hình ảnh của Đảng, của những người lãnh đạo trước dân vì sức mạnh của Đảng, của hệ thống chính trị nằm ở lòng tin của người dân.

Vì vậy, tinh thần vì nước, vì dân tộc và sự trong sáng, không vụ lợi, không cá nhân là tiêu chuẩn cực kỳ cao đối với những người tham gia bộ máy lãnh đạo. Do đó, phải chọn ra những người trong sạch, có quyết tâm. Am hiểu về tình hình thế giới, nắm vững công nghệ cũng cần coi là 1 tiêu chuẩn đối với lãnh đạo hiện nay.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng đối với người lãnh đạo phải biết dùng người tài, hơn là thế hiện là mình tài. Đây là tiêu chí quan trọng. Người có cương vị lãnh đạo không được hẹp hòi, không ai có thể nói mình là người tài nhất mà luôn luôn nhìn thấy cái tài ở người khác để trọng dụng nhân tài.

Đấy chính là phát huy tài năng vô giá của con người Việt Nam. Khả năng hiếu học, trọng học cũng là tài nguyên lớn. Khi mình có vị trí mà mình chỉ cho mình là người tài, không dùng người tài khác thì rất nguy hiểm.

Những điều này có thể không quy định ở đâu nhưng kì vọng của giới trí thức thì người lãnh đạo phải có những tiêu chuẩn như vậy. Trong muôn vàn tài nguyên thì tài năng là tài nguyên số một. Cái tài năng quý nhất trong tất cả các tài năng là tài dùng người tài. Tôi hy vọng những đại biểu được lựa chọn trong kỳ bầu cử này sẽ là những người có phẩm chất như thế.

GS.TSKH.NGND VŨ MINH GIANG

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-cuoc-bau-cu-lich-su-145203.html