Bắt nạt ảo, trầm cảm thật

Khi công nghệ kết nối không gian mạng ngày càng trở nên tiện ích, thế giới mạng ảnh hưởng càng sâu sắc đến đời thực, nhất là với giới trẻ. Thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhiều học sinh bị chứng trầm cảm do bị 'bắt nạt trên mạng'. Đây là vấn đề xã hội mới, cần được quan tâm.

Bắt nạt trực tuyến khiến thế giới ảo đang ngày càng ảnh hưởng đến thế giới thực.

Nhiều kiểu “bắt nạt”

Thời gian gần đây, chị Trương Thu Sang ngụ tại đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3 nhận thấy con gái đang học lớp 6 của mình có nhiều biểu hiện tâm lý khác lạ. Đi học về, cháu không hoạt náo chào hỏi, trò chuyện với mọi người trong nhà như trước mà lặng lẽ hơn, thực hiện các công việc một mình, ít chia sẻ.

Qua tìm hiểu, chị biết con chị và một số bạn ở trường tham gia một nhóm nhỏ trên Facebook chia sẻ về các vấn đề liên quan đến đời sống học sinh. Trong một chủ đề bàn luận gần đây, do con chị đưa ra quan điểm khác với số đông, nên cháu bị các bạn “tẩy chay”, vẫn để trong nhóm, nhưng không tương tác. “Tôi rất ngạc nhiên vì việc trên mạng lại ảnh hưởng đến con trẻ nhiều như vậy”, chị Sang chia sẻ.

Một bộ phận học sinh đang gặp phải vấn nạn bắt nạt trực tuyến hàng ngày.

Trường hợp của cháu Phương Văn Chung, 14 tuổi, ngụ tại Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh lại khác. Bạn bè vô tình chụp được bức ảnh cháu ngã khi chơi đùa ở trường với tư thế rất hài hước, liền chia sẻ lên mạng xã hội của lớp, của nhóm. Ban đầu, tất cả đều vui vẻ. Tuy nhiên, khi các thành viên đưa ra ngày càng nhiều các bình luận “quá đà”, Chung đã mặc cảm, thậm chí có lúc không muốn đến trường. Gia đình và thầy cô giáo cùng một số bạn thân đã phải khuyên nhủ rất nhiều để cháu tự tin hơn.

Một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đề tài “Bắt nạt trực tuyến và mối liên quan với trầm cảm ở học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh” trong các năm từ 2020-2022. Nhóm đã khảo sát với 1.492 học sinh khối lớp 8, 9 của 4 trường THCS và khối 10, 11, 12 của 4 trường THPT thuộc 4 quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh.

Hình thức của bắt nạt trực tuyến rất đa dạng.

Trong năm 2022, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Văn Lang (thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã tổ chức khảo sát với 250 học sinh các lớp 10, 11 và 12 của 3 trường THPT tại thành phố Hồ Chí Minh về vấn nạn bắt nạt trực tuyến.

Kết quả của cả 2 cuộc khảo sát cho thấy: Các hình thức “bắt nạt trực tuyến” đã và đang xảy ra với nhiều dạng thức, làm tổn thương đến tinh thần của các em học sinh. Hình thức bắt nạt mới này lan rộng và ngày càng trở nên phổ biến nhờ sự phát triển mạnh mẽ của internet.

Hiểu để nắm bắt và giải quyết

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Thanh Trúc, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược cho biết, trên thế giới và Việt Nam, số người sử dụng internet ngày càng tăng, trong đó, lứa tuổi vị thành niên được ghi nhận là đối tượng sử dụng chủ yếu. Vì thế trẻ vị thành niên có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bắt nạt trực tuyến và trở thành vấn đề sức khỏe học đường đáng quan tâm. “Đây là hành vi có thể không gây hại trực tiếp cho thể chất nhưng để lại những hậu quả nặng nề về mặt tinh thần cho nạn nhân, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Thanh Trúc nói.

Lứa tuổi vị thành niên dễ sốc do bị bắt nạt trực tuyến.

Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh THCS và THPT bị bắt nạt trực tuyến là 36,5%. Một số môi trường có tỷ lệ bắt nạt trực tuyến cao là khi người dùng “nghiện” internet (dùng quá 2 giờ/ngày); khu vực nơi ở có nhiều hành vi bạo lực hoặc tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, những học sinh nhận được sự quan tâm của cha mẹ và cảm thấy giáo viên đối xử công bằng thì có tỷ lệ bị bắt nạt trực tuyến thấp.

“Học sinh thường bị bắt nạt qua trang mạng xã hội chiếm tỉ lệ cao nhất với 23,3%. Hình thức học sinh thường dùng để bắt nạt trực tuyến người khác là nhóm chat với tỉ lệ 3,8%. Hành vi học sinh thường bị bắt nạt trực tuyến nhiều nhất là nói những điều không tốt (ví dụ như đặt biệt danh hoặc đem ra làm trò đùa) bằng tin nhắn điện thoại/qua mạng, chiếm tỉ lệ là 22,1%”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Thanh Trúc thông tin.

Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh có dấu hiệu trầm cảm là 45,1%. Đặc biệt, những học sinh bị bắt nạt trực tuyến có số chênh trầm cảm cao gấp 1,97 lần so với những học sinh khác. Chị Nguyễn Bích Thủy, Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài của Trường Đại học Văn Lang, cho biết: “Khi bị bắt nạt trực tuyến, phần lớn các em cảm thấy cô đơn, đơn độc, số ít cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi. Những lúc như vậy, các em rất cần sự quan tâm, chia sẻ của người thân, gia đình. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, nhiều em chuyển sang trầm cảm, ngại đến trường và giảm giao tiếp xã hội”.

Các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh và giáo viên cần sớm nắm bắt tâm tư của con em, học sinh mình, từ đó kịp thời giúp các em gỡ vướng tâm lý khi tham gia mạng xã hội.

Từ các kết quả trên, các nhóm nghiên cứu khuyến cáo: Hiện tượng bắt nạt trực tuyến đang phổ biến trong học sinh THCS và THPT tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhà trường và gia đình cần có những biện pháp để quản lý việc sử dụng internet của học sinh, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt, thể dục thể thao, hướng dẫn con chọn cách tham gia hội nhóm ngoài đời thực và trên mạng xã hội một cách phù hợp, tránh các tác động tiêu cực.

Tuệ An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/1060706/bat-nat-ao-tram-cam-that