BẤT AN... 'HUNG THẦN ĐƯỜNG BỘ'

Liên tiếp trong hơn chục ngày gần đây đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới xe khách làm tổng cộng 29 người thiệt mạng, 59 người khác bị thương. Những vụ tai nạn thảm khốc này gây một cảm giác bất an khi nghĩ tới xe khách.

Đáng chú ý là tất cả các vụ tai nạn nêu trên đều có lỗi mang tính chủ quan của lái xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Cụ thể như sau: Trong vụ xe khách 48 chỗ rơi xuống vực ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, làm chết 6 người, bị thương 34 người thì xe khách giường nằm cố tình đi vào tuyến đường không được phép hoạt động do không đủ điều kiện an toàn cho loại xe này; đổ đèo vượt tốc độ cho phép; phụ xe sử dụng ma túy. Trong vụ xe khách đâm thẳng vào đầu xe tải tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, làm chết 8 người, lái xe khách chỉ là phụ xe, không có bằng lái xe khách; đồng thời xe khách lấn làn xe tải. Mới nhất, trong vụ lật xe khách 45 chỗ tại tỉnh Quảng Bình, làm 15 người chết, 25 người bị thương, lái xe không có bằng lái xe khách loại 45 chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh: TTXVN.

Như thế, các vụ việc nói trên có thực sự là tai nạn theo đúng bản chất của từ “tai nạn” là “việc rủi ro bất ngờ xảy ra” không, hay đó là kết quả tất yếu của việc coi thường pháp luật, coi thường sinh mạng con người, kinh doanh, hành nghề vận tải thiếu đạo đức? Những ai đã từng đi trên quốc lộ, là hành khách trên các tuyến xe khách đều bất bình, đều rùng mình khi chứng kiến những hành vi phóng nhanh, vượt ẩu của xe khách, chèn ép xe đi cùng chiều, lấn làn xe đi ngược chiều. Thậm chí có hiện tượng xe khách rượt đuổi nhau trên đường như phim hành động. Nguyên nhân là do các nhà xe cạnh tranh với nhau về thời gian, rồi muốn quay vòng nhanh, thu lời tốt hơn từ hoạt động của xe nên buộc tài xế phải tăng tốc độ. Cũng vì chỉ tính tới lợi ích kinh doanh, khi lựa chọn tài xế, nhà xe thường xem nhẹ yếu tố tính cách, đạo đức, thậm chí xem nhẹ cả quy định pháp luật, chỉ cần có đủ tài xế, xe về đúng giờ, hoặc nhanh hơn thời gian quy định... Trong "cuộc đua" về kinh doanh, về tốc độ, có cảm giác như sự an toàn, tính mạng của hành khách trở thành thứ yếu. Như thế, thảm họa xảy ra là điều khó tránh!

Hiện nay, hệ thống các quy định liên quan tới kinh doanh và điều kiện vận tải bằng xe ô tô về cơ bản đã đầy đủ. Trong đó, ngành giao thông vận tải đã quy định trên xe khách phải gắn thiết bị giám sát hành trình, kiểm soát tốc độ. Liên quan tới giáo dục đạo đức, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã khá dày công soạn giáo trình “Đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông” dành cho tất cả các lớp đào tạo lái xe ô tô. Thế nhưng, mọi quy định pháp luật, quy ước đạo đức trở thành vô nghĩa nếu người trong cuộc cố tình vi phạm.

Cho nên, đây là lúc phải tiến hành tổng kiểm tra việc bảo đảm an toàn của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe khách. Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý thật nghiêm. Các lái xe gây tai nạn nếu xác định đúng vi phạm không thể thoát được các án hình sự. Các chủ xe cố tình để xe đi sai so với lộ trình đăng ký, vào cung đường bị cấm, sử dụng lái xe không có bằng lái theo quy định để rồi gây tai nạn nghiêm trọng cũng phải xử thật nặng.

Về lâu dài, để bảo đảm kiểm soát tốt, nhưng cũng tránh gây phiền hà cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hạn chế tiêu cực thì cần tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, để lực lượng chức năng có thể kiểm soát hoạt động của tất cả các chuyến xe, tình trạng của lái xe, tình trạng xe, tình trạng hành khách trên xe, mà không cần phải dừng xe để kiểm tra.

Vận tải hành khách bằng ô tô là một dịch vụ liên quan tới tính mạng của con người. Vì thế, cần nghiên cứu nhanh, siết chặt các quy định trong lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề này. Chỉ có doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc, chất lượng, chỉ có những lái xe có đạo đức mới có thể hoạt động trong lĩnh vực này. Có như vậy mới hạn chế được những tai nạn thương tâm từ những "hung thần đường bộ", tránh thêm những mạng người bị chết oan.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bat-an-hung-than-duong-bo-629206