Bảo vệ người tiêu dùng không chỉ đơn thuần kiểm tra chất lượng, giá cả hàng hóa

Điều quan trọng nhất vẫn phải xác định, đó chính là đề cao tinh thần phục vụ, bảo vệ người tiêu dùng bằng chính tâm - đức của những tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Tiếp nối thành công của các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam năm 2023; trên cơ sở Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 mới được ban hành và yêu cầu của NTD đối với việc được cung cấp thông tin chính xác, an toàn, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 6022/KH-BCT đề xuất hoạt động và lựa chọn Chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2024 là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.

Theo Kế hoạch, các hoạt động vì quyền lợi NTD được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2024, trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các dịp mua sắm cao điểm. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2024 sẽ bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2023 (tháng 11), được tập trung tổ chức trong tháng 3/2024 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý quan trọng, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn - Ảnh minh họa: DMS

Những năm qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam luôn xác định, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân các DN cần nhận thức và đề cao vai trò bảo vệ quyền lợi NTD. Cụ thể bằng việc nâng cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp thông tin chính xác và kịp thời để NTD có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn, làm cơ sở để DN phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.

Theo đánh giá của ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ NTD Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý quan trọng, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong thời gian tới.

“Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) thực thi và đi vào đời sống làm tăng thêm quyền lực cũng như nghĩa vụ của NTD, nhất là trong việc phản ảnh hiện tượng, hành vi xâm phạm quyền lợi của mình. Hội Bảo vệ NTD luôn khuyến khích, vận động NTD mạnh dạn lên tiếng tự bảo vệ quyền lợi của mình, làm cơ sở để các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội vào cuộc điều tra, xử lý”, ông Trung bày tỏ.

Người tiêu dùng cần được bảo vệ từ những thứ nhỏ nhất

Có thể thấy, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) đang được xã hội hết sức quan tâm, nhất là việc điều chỉnh các mối quan hệ mua bán với tính chất phức tạp, khó quản lý và lượng giao dịch hàng ngày rất lớn trên thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi luật là rất cần thiết, nhưng vấn đề xã hội tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đó chính là việc thực thi Luật để bảo vệ NTD, bảo vệ những DN làm ăn chân chính tử tế, đồng thời nhắc nhở cảnh báo và xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Vì vậy, để việc thực hiện luật sửa đổi hiệu quả thực chất hơn, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan công vụ, các tổ chức xã hội và ngay cả NTD cần phải tập trung thống kê, điều tra, nghiên cứu nhất là các vi phạm phổ biến gây ảnh hưởng lớn, rộng trong xã hội phải được xử lý ở chế tài cao hơn để mang tính răn đe. Đặc biệt, bảo vệ NTD từ những thứ nhỏ nhất, hàng hóa cần phải được hình thành với giá cả và chất lượng tương ứng, chống đầu cơ, nhập lậu hay sản xuất, buôn lậu hàng giả và kinh doanh trái phép.

“Trong hoạt động bảo vệ NTD cần nâng cao vai trò vai trò trách nhiệm, trình độ quản lý của các lực lượng chuyên môn. Cơ quan quản lý các cấp quan tâm xây dựng đội ngũ thi hành công vụ trong sạch, vững mạnh. DN phải công khai minh bạch, thông tin rộng rãi về giá cả và chất lượng hàng hóa cũng như các nguy cơ mất an toàn. Đồng thời đề cao yếu tố đạo đức kinh doanh và văn hóa tiêu dùng, văn hóa phục vụ”, ông Phú nêu giải pháp.

Xã hội tiêu dùng quan đến việc thực thi luật để bảo vệ những DN làm ăn chân chính tử tế, đồng thời nhắc nhở cảnh báo và xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm - Ảnh minh họa: DMS

Ông Phú cũng chỉ ra rằng, bảo vệ quyền lợi NTD phải được thực hiện sớm và ngay từ gốc. Đơn cử như chất lượng sản phẩm hàng hóa được kiểm soát chất lượng từ quy trình sản xuất, thủ tục nhập khẩu. Quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường luôn có sự phối hợp giữa các lực lượng để sẵn sàng hỗ trợ nhau một cách hiệu quả. Cùng với đó, hoạt động công khai tiếp NTD cần tiến hành thường xuyên với thủ tục đơn giản, thuận tiện, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo…

“Bảo vệ NTD không chỉ hiểu đơn thuần là kiểm tra chất lượng và giá cả hàng hóa. Những công việc khác như nâng cấp hạ tầng phân phối, vận chuyển kho dự trữ, bảo quản,…đều là gián tiếp phục vụ NTD. Điều quan trọng nhất vẫn phải xác định, đó chính là đề cao tinh thần phục vụ NTD bằng tâm - đức của những tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh dịch vụ”, ông Phú nói.

Với việc sửa đổi Luật cùng sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, hy vọng thời gian tới quyền của NTD sẽ được bảo vệ tốt và hiệu quả hơn, NTD Việt Nam sẽ thực sự tin tưởng và an tâm hơn trong quá trình tiêu dùng, mua sắm.

Ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15/3 là Ngày Quyền của NTD Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung-khong-chi-don-thuan-kiem-tra-chat-luong-gia-ca-hang-hoa-post1082596.vov