Bảo đảm an toàn cho du khách trong mùa mưa lũ

Ngày 1-12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công văn số 542/TWPCTT-VP về việc tăng cường các biện pháp quản lý các hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn cho khách du lịch trong tình hình mưa lũ, gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố khu vực miền trung, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ.

Tuyến đường từ xã Cát Tiến, huyện Phù Cát đi xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước (Bình Ðịnh) bị ngập sâu. Ảnh: TƯỜNG QUÂN (TTXVN)

Ngày 1-12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công văn số 542/TWPCTT-VP về việc tăng cường các biện pháp quản lý các hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn cho khách du lịch trong tình hình mưa lũ, gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố khu vực miền trung, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ.

Theo đó, đề nghị các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Ðồng khẩn trương huy động lực lượng tập trung tìm kiếm người mất tích và triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho các du khách đang bị mắc kẹt, sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời tình huống phát sinh.

Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát công tác quản lý lữ hành, có biện pháp kiểm soát du khách đi du lịch tự do, hướng dẫn để du khách không đi vào hoặc di chuyển ra khỏi khu vực có thể gặp nguy hiểm khi xảy ra mưa lũ. Tăng cường công tác truyền thông về tình hình mưa lũ trên địa bàn và kiểm soát hạn chế người dân đi vào các khu vực không bảo đảm an toàn khi dễ xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức cắm biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn tại các khu vực có nguy cơ cao…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao suy yếu dần cho nên ngày 2-12, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa, riêng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20 đến 40 mm/12 giờ, có nơi hơn 50 mm/12 giờ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa, tính đến chiều 1-12, mưa lũ đã làm bốn người chết, một người mất tích. Trong số bốn người chết, có ba người trong cùng một gia đình, tại khu vực suối Ðồng Bé, thôn Lương Sơn 3, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang. Mưa lũ đã cuốn trôi mố cầu sông Trang, Khánh Vĩnh; một nhà dân hư hỏng nặng. Về vụ 45 du khách bị mất liên lạc, trưa 1-12, UBND huyện Khánh Sơn cho biết, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận và đưa đoàn du khách leo núi bị mắc kẹt do mưa lũ về đến nơi an toàn. Hiện nhóm du khách đang trên đường về lại TP Hồ Chí Minh.

Từ ngày 29-11 đến 1-12, tại tỉnh Quảng Nam có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, kéo dài đã làm cho nhiều tuyến đường bộ ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang bị sạt lở và ngập sâu, nhiều đoạn ách tắc giao thông. Ðể bảo đảm giao thông được thông suốt, chính quyền các địa phương đã và đang huy động nhân lực, vật lực khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại trên các tuyến đường, nỗ lực sớm thông tuyến cho người dân đi lại. Mưa lớn cũng làm cho mực nước các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh dâng cao báo động. Ðến sáng 1-12, tất cả 17 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn của tỉnh đã đầy nước. Ðể bảo đảm an toàn cho nhân dân và các hồ chứa, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành điều tiết mực nước ở các hồ, xả nước từ từ để không gây bất ngờ và ảnh hưởng đời sống các hộ dân vùng hạ du.

Chiều 1-12, UBND huyện Lạc Dương (Lâm Ðồng) cho biết, khoảng 13 giờ ngày 1-12, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể một nữ du khách ở dưới sông, ngay tại vị trí cây cầu gãy khi nhóm du khách bị nạn đi qua. Lực lượng cứu hộ đã đưa thi thể nạn nhân tới Trạm Y tế xã Ðạ Chais và mời người thân đến nhận diện; đồng thời làm các thủ tục pháp y, xác định danh tính. Như thông tin đã đưa, vào 13 giờ 30 phút ngày 29-11, khi đoàn du khách di chuyển qua cầu treo để ra quốc lộ 27C, đoạn gần UBND xã Ðạ Chais, bất ngờ có lũ lớn đổ về, cuốn trôi cây cầu này. Trên cầu khi đó có sáu người, trong đó hai nữ du khách là Nguyễn Thị Hà My và Lê Thị Quỳnh Trang bị nước cuốn trôi chưa tìm thấy.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ðắk Lắk, mưa lũ trong mấy ngày qua đã làm nhiều nhà bị ngập, nhiều hộ bị cô lập. Tại huyện M’Ðrắk có 64 hộ dân ở xã Cư San bị ảnh hưởng phải di dời. Huyện Ea Kar có 200 hộ có nhà bị ngập lụt; làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi và gây thiệt hại hàng trăm héc-ta hoa màu trên địa bàn các huyện M’Ðrắk, Ea Kar.

Ngày 1-12, Chi cục Quản lý đường bộ III.5 (Cục Quản lý đường bộ III) cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, vào lúc 21 giờ ngày 30-11 đã xảy ra sạt lở, sụt lún đất khiến quốc lộ 26 (từ Km 53+380 đến Km 53+430) đoạn qua đèo M’Ðrắk, huyện M’Ðrắk, tỉnh Ðắk Lắk bị đứt một đoạn dài 50 m, sâu 10 m, rộng 12m, làm giao thông trên quốc lộ 26 giữa tỉnh Ðắk Lắk và Khánh Hòa bị tê liệt hoàn toàn. Ngay sau đó, Chi cục Quản lý đường bộ III.5 phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông, UBND huyện M’Ðrắk và các đơn vị liên quan kịp thời có mặt tại hiện trường hướng dẫn, điều tiết giao thông. Ðồng thời, Chi cục chỉ đạo nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ 26 là Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 26 và thanh tra giao thông thực hiện rào chắn, chốt chặn để điều tiết các phương tiện tại hai hướng tỉnh Khánh Hòa đi Ðắk Lắk và ngược lại.

Ngày 1-12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, trong mấy ngày qua, mưa lớn trên địa bàn huyện Kon Plông đã làm sạt lở và tắc đường Trường Sơn Ðông và tỉnh lộ 676. Theo đó, đường Trường Sơn Ðông sạt ta-luy dương tại Km 200+300, gây ách tắc giao thông hoàn toàn, các cơ quan chức năng đã rào chắn, cấm phương tiện qua lại; tỉnh lộ 676 bị tắc tại vị trí Km24 và Km25 do sụt ta-luy dương. Ðường Hồ Chí Minh, quốc lộ 24 và các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ còn lại trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn bảo đảm giao thông.

Ngày 1-12, UBND huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) huy động các lực lượng khẩn cấp di dời tám hộ dân với 36 nhân khẩu cùng tài sản của người dân đến nơi ở an toàn. Ðây là những hộ dân ở khu dân cư Anh Nhoi 2, xã Sơn Long, nằm trong vùng bị sạt lở đất, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản. Mưa lớn trong những ngày qua làm cho tuyến đường Trường Sơn Ðông, đoạn qua địa phận xã Sơn Long có ba điểm bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông hoàn toàn.

Lịch lấy nước gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021 trung du và đồng bằng Bắc Bộ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa thông báo lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2020-2021, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, có tổng cộng 18 ngày lấy nước, gồm ba đợt: Ðợt 1 từ 0 giờ ngày 12-1 đến 24 giờ ngày 15-1-2021; Ðợt 2 từ 0 giờ ngày 26-1 đến 24 giờ ngày 2-2-2021; Ðợt 3 từ 0 giờ ngày 22-2 đến 24 giờ ngày 27-2-2021. Ðể việc lấy nước đạt hiệu quả cao, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở NN và PTNT, công ty khai thác công trình thủy lợi và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nạo vét các cửa lấy nước và hệ thống kênh, lắp đặt trạm bơm dã chiến, tổ chức lấy nước sớm, chủ động thau chua, rửa mặn, thau rửa hệ thống công trình thủy lợi, trữ nước vào các khu trũng, hệ thống kênh mương và tăng cường vận hành để tập trung đưa nước lên ruộng…

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-dam-an-toan-cho-du-khach-trong-mua-mua-lu-626589/