Bán hàng rong thời công nghệ số: Làm mới để tồn tại

Sự phát triển của công nghệ đã kéo theo hàng loạt những thay đổi phương thức kinh doanh ở các ngành nghề truyền thống. Những người bán hàng rong tìm cách làm mới mình để tồn tại giữa phố xá hiện đại.

Len lỏi trên khắp những con phố thân thuộc, không khó để bắt gặp những người bán hàng rong đang ngược xuôi kiếm sống. Người ngồi bên một góc vỉa hè, người đặt trên vai những đôi quang gánh nặng trĩu mang đầy thức quà vặt theo mùa. Họ hầu hết đều đến từ các tỉnh nhỏ hoặc từ ngoại thành vào thành phố mưu sinh, họ là những người cha, người mẹ đang gánh gồng kinh tế cho cả một gia đình phía sau.

Những gánh hàng rong tuy nhỏ nhưng đã phần nào giải quyết được nỗi lo cơm áo, gạo tiền cho rất nhiều người nghèo, người có thu nhập thấp, người lao động không bằng cấp gặp khó khăn về công ăn việc làm. Ngoài ra, với hình thức giao dịch nhỏ lẻ, bán hàng rong là một cách tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn cho những người bán có vốn nhỏ, chưa có khả năng đầu tư mặt bằng.

Những người bán hàng rong cùng sàng hoa quả bên lề đường. (Ảnh: Cẩm An)

Ngày nay, khi công nghệ và mạng Internet ngày càng phát triển, người dân dần chuyển sang giao thương trên mạng. Những người bán hàng rong cũng vì thế buôn bán khó khăn hơn. Anh Phạm Văn Quang (36 tuổi, quê Thường Tín) đang bán các loại bánh sắn tại phố Chùa Láng cho biết: “So với trước đây người dân thường ra đường tìm mua đồ ăn vặt thì giờ họ muốn ngồi tại nhà đặt đồ giao tới tận nơi hơn, chúng tôi bị ảnh hưởng đáng kể”.

Cùng suy nghĩ với anh Quang, bà Phạm Thị Quỳnh (64 tuổi, quê Phú Xuyên) vẫn ngày ngày gánh những cây chổi đi bán trên dọc con đường Hàng Da cho biết: “Mặc dù tôi đã cố gắng lấy hàng từ sáng sớm ở các chợ đầu mối. Nhưng bây giờ mặt hàng đấy được bán bạt ngàn trên mạng với giá rẻ hơn nhiều, tôi không thể cạnh tranh được. Mọi người cũng khuyên tôi thử bán hàng qua mạng cho tiện lợi, nhưng do tuổi tác và không được tiếp xúc với các thiết bị điện tử thông minh nên tôi chỉ có thể bán hàng theo cách truyền thống này thôi”.

Bà Quỳnh bên hàng chổi “tạm” của mình trên phố Hàng Da. (Ảnh: Cẩm An)

Để sinh tồn với nghề trước những thay đổi của xã hội, loại hình bán hàng rong đã thích nghi, đổi mới và tận dụng chính sự phát triển của Internet. Với sự sáng tạo và tư duy bán hàng tiến bộ, ngày càng nhiều món ăn, mặt hàng được người bán tạo ra và trở thành trào lưu của giới trẻ, đơn cử như trà chanh giã tay, bánh đồng xu hay cà phê muối,... Bên cạnh đó, họ tạo sự quen thuộc với khách hàng bằng cách mặc đồng phục in logo và các màu sắc đặc trưng mang thương hiệu của riêng mình.

Các phần mềm đặt mua đồ ăn qua mạng cũng được những người bán hàng rong đưa vào sử dụng. Bà Nguyễn Thị Hường (57 tuổi) có quán bún nhỏ trong một khu tập thể tại Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Đối với tôi, thời đại số lại là một cơ hội mới để mở rộng và phát triển việc buôn bán vì khách hàng chủ yếu là những bạn học sinh ở trường Nguyễn Trãi gần đây và những người dân sinh sống trong khu vực này. Từ sau sự phát triển của các trang thương mại điện tử, nhiều người biết đến quán bún của tôi hơn, và dù ở xa họ vẫn có thể đặt hàng để thưởng thức”.

Dưới góc nhìn xã hội học, bán hàng rong là hoạt động kinh tế phi chính thống, một thành phần của “kinh tế vỉa hè”. Tuy nhiên, việc xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, tiên tiến thời đại 4.0 vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra từ lâu.

Các ứng dụng đặt hàng trên mạng ngày càng phổ biến. (Ảnh: Cẩm An)

Trong quá trình xây dựng và phát triển, làm thế nào để hài hòa lợi ích, tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ cho người nghèo sống ở đô thị trong thời đại số là vấn đề cần được quan tâm. Bởi trong thành phố sầm uất với các tòa nhà cao tầng lung linh, hiện đại, nơi đó vẫn còn có những gánh hàng lặng lẽ mưu sinh.

Chia sẻ quan điểm về kinh tế vỉa hè, Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh nói: “Nhà khoa học chính trị và nhân học người Mỹ James C.Scott cho rằng, đời sống xã hội vốn diễn ra tự nhiên với nhiều phức tạp, đa tầng, đa nghĩa, nhiều mối quan hệ đan xen, phức tạp và ràng buộc. Nhà nước muốn quản lý đời sống xã hội ấy một cách dễ dàng hơn thường phải tiêu chuẩn hóa, làm cho nó trở nên dễ nhận diện hơn và đơn giản hơn”.

Ông Phùng Hoàng Anh cũng cho rằng, vỉa hè Hà Nội có đời sống văn hóa đa nghĩa, phức tạp và đa chiều. Với sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội hiện nay, vỉa hè cũng rất đa dạng với những công năng sử dụng khác nhau, và trong các công năng đó, không thể không tính đến công năng gắn với kinh tế. Ngay cả khi ta gắn nó với văn hóa, thì cũng không thể thiếu đi yếu tố “doanh thu” của các nhà kinh doanh trên các vỉa hè Hà Nội.

Bảo Thoa - Cẩm An

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ban-hang-rong-thoi-cong-nghe-so-lam-moi-de-ton-tai-164357.html