Bắn hạ máy bay trên đường vào chiến dịch

Cứ gần tới những ngày cuối tháng 4, cựu chiến binh Lê Đại Cương không khỏi bồi hồi khi ôn lại những câu chuyện thời quân ngũ. Trong những câu chuyện của mình, ông không quên nhắc tới bài báo 'Lưới phòng không trong chiến đấu hợp đồng' đăng trên báo Chiến sĩ Giải phóng, số 18, ra ngày 17/5/1975.

Trang báo đã ngả vàng, trên đó in một tấm ảnh Thượng sĩ Lê Đại Cương với quả tên lửa A-72 trên vai. Bao nhiêu năm ông đã cất giữ bài báo đó cẩn thận như một tài sản quý giá của một thời hoa lửa. Bài báo có đoạn : “Đang trên đường hành quân thần tốc, thấy không quân ngụy đánh chặn đoàn xe, đồng chí Lê Đại Cương, Trung đội trưởng A72, phóng một quả đạn, diệt tại chỗ chiếc F-5 ở cầu Vĩnh Hảo, buộc địch phải bỏ dở trận đánh, chuồn thẳng”…

Tấm ảnh Thượng sĩ Lê Đại Cương trên báo Chiến sĩ giải phóng ngày 18/5/1975.

Và bao kỷ niệm ùa về, cái không khí rạo rực, sục sôi khi hành quân tiến về Sài Gòn những ngày cuối tháng 4 năm 1975 lại sống dậy trong những câu chuyện của người cựu chiến binh.

Lê Đại Cương sinh ra ở quê hương Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1967, ông nhập ngũ, là chiến sĩ thông tin của Trung đoàn 274, tham gia bảo đảm thông tin thông suốt ở nhiều trận địa quan trọng là trọng điểm đánh phá của giặc như núi Hồng Lĩnh ở Thị xã Hà Tĩnh, đỉnh Hoành Sơn ở Đèo Ngang, cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa... Đầu năm 1973, ông được điều chuyển từ đơn vị thông tin sang tham gia huấn luyện tên lửa A72 ở Tiểu đoàn 172, Trung đoàn 237, Quân chủng Phòng không-Không quân (nay là Tiểu đoàn 172, Trung đoàn 64, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân). Sau khi kết thúc huấn luyện, Cương về Lạng Giang, Bắc Giang huấn luyện sử dụng tên lửa A-72 cho chiến sĩ mới. Đến tháng 4/1975, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 172 được cấp trên điều động phối thuộc cho các quân đoàn chiến đấu.

Buổi sáng ngày 14/4/1975 là một sáng khó quên trong cuộc đời của Lê Đại Cương. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 172 gặp ông và hỏi: “Đồng chí có đi chiến đấu được không?”. Câu hỏi của Tiểu đoàn trưởng vừa dứt, không nghĩ ngợi gì, Cương trả lời ngay: “Tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ, lên đường”. Sau đó, ông được biên chế về Đại đội 15, Tiểu đoàn 6, Sư đoàn Phòng không 673, Quân đoàn 2 (nay là Lữ đoàn Phòng không 673, Quân đoàn 2). Và ngay trong đêm hôm đó, Lê Đại Cương theo đơn vị hành quân từ Bắc Giang về sân bay Gia Lâm, lên máy bay để bay vào Đà Nẵng, rồi tiến quân vào miền Nam. Trong khí thế vừa hành tiến vừa tiến công, bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, cả đơn vị nêu cao khẩu hiệu: “Đi nhanh bám sát đội hình/ Phát huy hỏa lực ta giăng lửa trời/ Máy bay địch phải bắn rơi/ Lập công dâng Bác - Đẹp trời tháng Năm”.

Chặng đường hành quân thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vô cùng vất vả. Rất nhiều đêm bộ đội phải thức trắng làm công sự trận địa, hoặc triển khai đội hình chiến đấu ngay trên đường hành quân để đánh trả những đợt đánh cản của bộ binh địch. Nhưng toàn Sư đoàn 673 luôn nêu cao quyết tâm: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Là một người lính lần đầu tiên vào chiến trường, Lê Đại Cương thầm nhủ mình phải cố gắng hết sức, thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần cùng đồng đội nâng cao khí thế thi đua hừng hực.

Rồi khi đơn vị hành quân qua quê hương Điện Bàn, địa điểm dừng chân rất gần quê nhà, lòng anh lính trẻ Lê Đại Cương bỗng trào dâng niềm xúc động. Cương xin phép chỉ huy tranh thủ về thăm bà nội đã ngoài 80 tuổi, vì từ ngày nhập ngũ, anh không có một dòng tin từ quê nhà. Được chỉ huy sư đoàn đồng ý, anh lính trẻ chạy như bay về nhà. Đã gần mười năm không gặp đứa cháu nội, giờ đã là một người lính trong đội hình Quân giải phóng, bà nội Cương xúc động ôm đứa cháu khóc mừng mừng, tủi tủi. Rồi bà nấu cho Cương một bát mì Quảng, vừa nhìn cháu ăn bà vừa dặn Cương phải cố gắng chiến đấu cho tốt. Dặn cháu được vài câu, giọng bà lại nghẹn lại…

Ăn vội xong bát mì của bà nấu, ôm bà một lần nữa, Cương chào bà rồi nhanh chóng trở lại đơn vị. Cuộc gặp gỡ vô cùng ngắn ngủi, như đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí chiến đấu cho người lính trẻ.

Cựu chiến binh Lê Đại Cương.

Ngày 17/4/1975, đơn vị di chuyển đến khu vực cầu Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Tiểu đội của Lê Đại Cương được giao làm nhiệm vụ canh trực máy bay bảo vệ đội hình đơn vị. Giữa trưa, một tốp máy bay F-5 từ hướng biển bay vào. Một quả rocket bắn vào giữa đội hình đơn vị. Tình hình diễn biến bất ngờ, cấp trên lệnh cho toàn đơn vị triển khai đội hình chiến đấu. Không do dự, Cương vác một quả đạn A72 lên vai, rồi bảo đồng đội đặt thêm một quả A72 nữa nơi gốc cây me cụt, cạnh cầu.

Vừa kịp lúc, một chiếc F-5 xuất hiện, bổ nhào xuống đội hình. Cương nín thở bóp cò. Quả đạn rời nòng, một quầng khói màu cam trùm lên, rồi quả đạn lao lên vun vút đâm thẳng vào chiếc F-5. Một vùng sáng lòa tung tỏa khắp bầu trời. Mọi người trong đơn vị reo hò: “F-5 bị bắn hạ rồi!”. Lê Đại Cương vác tiếp quả thứ hai lên vai. Nhưng những chiếc máy bay địch khác thấy vậy đã vội vàng quay đầu, bỏ dở trận đánh. Niềm vui hân hoan bắn hạ được 1 chiếc F-5 cứ râm ran trong lòng Cương và đồng đội. Chiến thắng này đã góp phần cổ vũ bước chân những người lính thần tốc tiến về sào huyệt cuối cùng của địch. Cả đơn vị như một mũi tên, thẳng hướng Sài Gòn,

Ngày 18/4, Trung đội A72 của Cương được phân công theo hướng hành tiến của Sư đoàn 304, tiến vào căn cứ Nước Trong. Trong ba ngày, từ 26 đến 28/4, đơn vị Cương trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn tiếp tục bắn rơi 4 máy bay của địch. Chiều 29/4, đơn vị hành quân từ căn cứ Nước Trong ra Đồng Nai. Sáng 30/4, đơn vị tiến vào Sài Gòn trong không khí hân hoan đón chào của người dân.

Sau ngày đất nước được giải phóng, Lê Đại Cương được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Bức ảnh Thượng sĩ Lê Đại Cương ôm quả đạn A72 trên vai cùng câu chuyện bắn rơi máy bay F-5 trên đường chiến dịch đã được đăng trên báo Chiến sĩ Giải phóng.

Giờ đây, mỗi tháng Tư về, ôn lại chuyện cũ là một lần xúc động, ông bảo: Được chứng kiến ngày đất nước thống nhất là niềm hạnh phúc, sung sướng nhất của cuộc đời tôi.

Bảo Minh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/-ban-ha-may-bay-tren-duong-vao-chien-dich-i691550/