Bàn giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL

Tại hội thảo với chủ đề 'Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL', các đại biểu đã cùng nhau bàn về các giải pháp, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý, hướng tới phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Quang cảnh hội thảo.

Ngày 26/4, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng ĐBSCL".

Sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ; ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; đại diện một số Chi cục Thủy lợi, Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành và các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau bàn về các giải pháp, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý, hướng tới phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Các chuyên gia cùng làm rõ hơn về những vấn đề liên quan đến các giải pháp dài hạn, lộ trình và bước đi phù hợp trong việc ứng phó với hạn mặn tại ĐBSCL.

PGS. TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ trình bày tham luận tại hội nghị.

Các chuyên gia cho rằng, giải pháp trước mắt là tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn. Đồng thời, vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng hạn chế thiệt hại.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, giữ vệ sinh nguồn nước, có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, tránh lãng phí nguồn nước ngọt. Chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ tại Hội thảo.

Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp về lâu dài. Trong đó chú trọng đặc biệt trong quá trình đầu tư phát triển các ngành phải tuân thủ các quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời, cần cắt giảm các sản xuất công nghiệp có mức xả thải cao. Đồng thời, phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng, công trình hồ chứa nước lũ và vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt….

Thanh Tiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ban-giai-phap-ve-nguon-nuoc-vung-dbscl-10278536.html