Bài toán của Mỹ trước vấn đề Jerusalem

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố vào hôm 6/12 rằng: Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Những hậu quả nào mà quyết định có tính biểu tượng này sẽ gây ra?

Tại sao Jerusalem từ lâu là thành phố gây tranh cãi?

Sự xung đột hiện tại về việc phân chia Jerusalem - thành phố được coi như vùng đất thánh của ba tôn giáo độc thần lớn: Do thái, Thiên chúa và Hồi giáo - xuất hiện từ thời kỳ bùng nổ đế quốc Ottoman, (xung đột) sau kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất. Vương quốc Anh, vốn có sự ủy trị với Palestine, coi Jerusalem là thủ đô Palestine từ năm 1917, thiết lập một “khu định cư quốc gia cho dân tộc Do thái” trên một phần của vùng đất.

Năm 1947, Liên Hợp Quốc đã thông qua phân chia Palestine thành hai quốc gia: một Ả Rập, một Do thái. Jerusalem không nằm trong kế hoạch này và phải đặt dưới sự kiểm soát của LHQ, đảm bảo việc tự do tiếp cận đến các khu vực làm lễ. Dù vậy, năm 1949, sau khi kết thúc ủy trị của Anh và cuộc chiến đầu tiên với các nước Ả Rập, nhà nước Israel trẻ tuổi đã chuyển thủ đô đến Tel-Aviv ở Tây Jerusalem.

Từ cuộc chiến tranh năm 1967 và cuộc đánh chiếm các khu vực bờ Đông của thánh địa - nơi sinh sống của người Palestine, Israel coi Jerusalem như thủ đô của họ, là một thực thể “không phân tách và vĩnh viễn”. Năm 1980, Knesset - Nghị viện Israel - mô tả nó như “thủ đô tái hợp”, nhưng không được nước nào công nhận cả. LHQ cho rằng định danh cuối cùng của thành phố phải được đàm phán giữa người Israel và người Palestine.

Tình trạng hiện tại của Jerusalem là gì?

Ngày nay, thành phố bị chia làm hai. Phần Tây, nơi có các cơ quan của Israel (Knesset và đa số các bộ, trường học, nhà băng trung tâm...) có đại đa số là người Do thái (290.000 trên 300.000 người). Phần bờ Đông, tuyên bố chủ quyền bởi chính quyền Palestine, với số dân 500.000 người, 60% Ả Rập và 40% người Do thái. Nó bao gồm cả thành phố cổ, nơi có các thánh địa.

Nhưng từ nhiều năm nay, Israel cổ vũ việc tái chiếm Đông Jerusalem, và xây dựng các khu định cư trong thành phố và ngoại vi, hay khuyến khích việc định cư của những người Do thái chính thống trong rất nhiều khu phố để cuối cùng tạo ra một “ảo ảnh lãnh thổ” của các khu phố Ả Rập, và ngăn cản sự tiếp nối giữa Đông Jerusalem và phần còn lại của vùng đất Palestine, ở Cisjordanie.

Nhưng hệ lụy với tuyên bố của Trump

Bằng việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Tổng thống Mỹ đã chấp thuận một đề nghị cũ của Israel, mà không nhắc đến tuyên bố của người Palestine. Ông ta không nhắc đến sự phân chia của thành phố mà Israel phủ nhận.

Ngoài sức nặng biểu tượng, sự công bố này còn được bê tông hóa bởi di dời đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem. Hiện nó đang ở Tel-Aviv. Thực tế, Donald Trump chỉ đang thực hiện một quyết định đã được thông qua bởi Quốc hội Mỹ năm 1995 và liên tục bị lùi mỗi sáu tháng bởi những người tiền nhiệm do lo ngại các hậu quả của việc thực thi này. Tổng thống đã hứa việc di dời này trong chiến dịch tranh cử của mình, và mong muốn sẽ giữ lời.

Tiến trình hòa bình có bị đe dọa?

Nước Mỹ đóng vai trò trung tâm của trung gian hòa giải xung đột Israel-Palestine từ bốn thập kỷ nay. Họ có quan hệ gần gũi với Israel, hỗ trợ một cách quyết liệt trong các cuộc chiến Israel- Ả Rập từ 1967 đến 1973, và họ vẫn giúp đỡ rất lớn ngày nay. Dù vậy, những người tiền nhiệm của Trump đã giữ một vai trò trung gian không thiên vị, để điều phối đối thoại giữa hai bên.

Nhấn mạnh việc sẽ vượt qua khỏi các thất bại tiền nhiệm, Donald Trump đã khẳng định có thể giải quyết được cuộc xung đột này. Ông ta ủy nhiệm con rể Jared Kushner, với hàng loạt liên hệ với các nước Ả Rập đồng minh của Mỹ (Arab Saudi, Ai Cập, Liên minh các nước Ả Rập thống nhất). Nhưng những nước này không thể nào làm khác hơn là chỉ trích quyết định của Mỹ về định danh của Jerusalem, nơi đặt đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa trong vùng chồng chéo ba thánh địa. Về phía những người Palestine, tự hỏi có cần thiết để theo đuổi một tiến trình hòa bình mà sẽ không mang lại cho họ một kết quả khả quan nào?

Các phản ứng sau quyết định của Mỹ

Công bố của Donald Trump đã đặt Mỹ vào tình thế hoàn toàn cô lập: chỉ có mỗi Thủ tướng của Israel Benyamin Netanyahou chào đón “ngày lịch sử”. Hơn nữa, quyết định này đã phức tạp hóa sự tiếp cận kín đáo nhưng chất lượng mà Israel đã thực hiện nhiều năm nay với các nước vùng Vịnh chống lại kẻ thù chung của họ: Iran.

Tất cả các nước Ả Rập đều chống lại quyết định của Mỹ, nhưng không có một hành động cứng rắn nào có thể chờ đợi từ phía họ, ít nhất khi họ không bị ép phải hành động dưới áp lực ý kiến công chúng.

Nước Ả Rập đông dân nhất như Arab Saudi, nơi trông coi các thánh địa La Mecque và Médine, đang cần giữ quan hệ tốt với Mỹ nên không đẩy sự phản đối đi xa hơn. Tổng thống Ai cập Al-Sissi phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính của Washington và kỳ vọng có thể khiến người ta quên đi những vi phạm lớn về nhân quyền, trong khi những người Saudi trông đợi ở Trump hỗ trợ họ chống lại kẻ thù Iran.

Tám nước, trong đó có Ai Cập, Pháp, Vương quốc Anh, đã đề xuất một cuộc họp khẩn cấp với cố vấn an ninh của LHQ. Trong cuộc họp vừa diễn ra, 14 nước đã đồng loạt phản đối quyết định của Washington khi cho rằng nó không phù hợp với giải pháp của LHQ. Chưa bao giờ, ngay cả khi khai mào chiến tranh Iraq, Hoa Kỳ lại bị cô độc đến như vậy.

Người Palestine có thể làm gì?

Ranh giới thực thi quyền lực của chính quyền Palestine, hiện đang điều hành tại Cisjordan (bờ Tây), là giới hạn. Họ dự định sẽ quay lưng lại với Mỹ và rời bỏ tiến trình hòa bình, nhưng nước này cũng đồng thời là một nguồn lực tài chính lớn cho ngân quỹ của họ. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas có thể khởi động các kế hoạch ngoại giao hay tư pháp giữa các tổ chức quốc tế của LHQ hay Tòa án quốc tế.

Chính quyền Palestine cũng có khả năng đình chỉ sự phối hợp an ninh với Israel, như họ đã làm trong một thời gian ngắn mùa hè vừa rồi. Nhưng bằng cách chấm dứt trao đổi này, họ cũng mất một phần kiểm soát Cisjordan, nơi họ tìm cách kiềm tỏa ảnh hưởng của Hamas, nhóm hồi giáo điều hành ở dải Gaza.

Các nhóm Palestine đã kêu gọi biểu tình vào sáng 7/12. Hamas, vốn chưa bao giờ tin vào tiến trình hòa bình, đã kêu gọi “Intifada mới”, nghĩa là một cuộc nổi dậy có thể so sánh với năm 1987 và năm 2000. Độ lớn của cuộc vận động này có thể đo lường được vào thứ sáu (8/12), sau buổi lễ lớn hàng tuần. Tình hình tại khu vực đã ngày càng rối ren khi đã có một số cuộc tấn công bằng tên lửa giữa Hamas và nhà nước Israel, một lính Israel cũng bị đâm. Và lò lửa Trung Đông tiếp tục bùng cháy cùng với các hợp đồng vũ khí sôi động trong năm 2018. Luật chơi thế giới cũng thay đổi theo xu hướng dùng sức mạnh quân sự để đánh dấu chủ quyền, công pháp quốc tế trở thành thứ yếu - điều đã từng diễn ra tại Crimea và Biển Đông.

Nguyễn Kim

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/bai-toan-cua-my-truoc-van-de-jerusalem-79325.html