Bài 8: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh - Đòn bẩy để năng lượng sạch 'cất cánh'

Sau hơn một thập kỷ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, Việt Nam đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc hình thành cơ chế thị trường điện. Tuy nhiên, để hệ thống điện quốc gia thực sự vận hành theo cơ chế thị trường, đặc biệt là tạo động lực cho năng lượng tái tạo, năng lượng mới phát triển bền vững, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh. Đây được xem là đòn bẩy then chốt cho kỷ nguyên năng lượng sạch.

Thị trường phát điện cạnh tranh: Thành quả và những thách thức

Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) chính thức được đưa vào vận hành từ năm 2012, đánh dấu bước đi đầu tiên trong lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, theo Quyết định 26/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan.

Việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã góp phần nâng cao hiệu quả, tính minh bạch trong huy động nguồn điện (Ảnh minh họa)

Việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã góp phần nâng cao hiệu quả, tính minh bạch trong huy động nguồn điện (Ảnh minh họa)

Sau gần 13 năm vận hành, thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả, tính minh bạch trong huy động nguồn điện. Các nhà máy phát điện được phép chào giá cạnh tranh theo thời gian thực, với giá huy động xác lập dựa trên nguyên tắc kinh tế, giúp giảm dần sự can thiệp mang tính hành chính trong điều độ vận hành hệ thống điện. Cơ chế này đã tạo động lực cho các đơn vị phát điện tối ưu chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và vận hành.

Thông qua cơ chế thị trường, hệ thống điều độ có thể huy động các tổ máy phát điện theo thứ tự giá từ thấp đến cao, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất điện và tăng tính linh hoạt trong vận hành hệ thống điện quốc gia. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng và cấu trúc nguồn điện ngày càng phức tạp.

Bên cạnh đó, thị trường điện cạnh tranh cũng đóng vai trò là nền móng cho việc triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM), tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Sự hình thành các cơ chế chào giá, thanh toán, điều độ và giám sát đã giúp từng bước hoàn thiện khung thể chế thị trường điện.

Việc tham gia thị trường đòi hỏi các đơn vị phát điện không chỉ đầu tư vào công nghệ vận hành, mà còn phải xây dựng năng lực phân tích thị trường, chào giá tối ưu, điều hành theo thời gian thực và tuân thủ các quy định thị trường, điều này góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và minh bạch trong toàn ngành điện.

Tuy nhiên, để tiến tới một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh và hiệu quả, vẫn còn nhiều thách thức cần được tháo gỡ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia ngày càng cấp thiết.

Mặc dù được gọi là “thị trường cạnh tranh”, nhưng hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn là bên mua duy nhất, đồng thời giữ vai trò chi phối trong truyền tải hệ thống điện quốc gia. Điều này khiến thị trường mới chỉ vận hành ở mức độ “cạnh tranh một chiều”, thiếu sự tham gia thực chất của các bên mua độc lập.

Nhiều nhà máy điện vẫn nằm ngoài cơ chế chào giá trực tiếp do thuộc diện hợp đồng BOT, điện gió - điện mặt trời áp dụng giá FIT cố định hoặc chưa có hạ tầng kỹ thuật để tích hợp vào thị trường. Điều này khiến cơ cấu chào giá trên thị trường chưa phản ánh toàn diện thực trạng cung - cầu và chi phí sản xuất.

Nhiều nhà máy đang thực hiện hợp đồng mua bán điện (PPA) dài hạn với mức giá cố định, không khuyến khích tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, cơ chế giá hiện nay chưa tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư, bảo trì, khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong thu hồi vốn và thiếu động lực đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, sự phát triển nhanh chóng của các nguồn điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió đã đặt ra bài toán phức tạp trong điều độ và cân bằng tải. Tuy nhiên, cơ chế thị trường hiện nay chưa đủ linh hoạt để vận hành hiệu quả các nguồn điện không ổn định này, cũng như thiếu cơ chế hỗ trợ các nguồn điện linh hoạt như thủy điện tích năng, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG hay pin lưu trữ...

Việc thiếu đồng bộ giữa quy hoạch nguồn điện, lưới truyền tải và lộ trình phát triển thị trường dẫn đến tình trạng nghẽn lưới, cắt giảm công suất điện tái tạo, làm giảm hiệu quả vận hành và tính cạnh tranh của thị trường điện.

Một số đơn vị, đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân nhỏ hoặc mới tham gia thị trường, chưa đủ kinh nghiệm và công cụ để chào giá hiệu quả, chưa làm chủ được công nghệ thị trường điện, dẫn đến vận hành không tối ưu và thiếu cạnh tranh.

Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh - Đòn bẩy cho năng lượng sạch

Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đến năm 2030, tỷ lệ điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) sẽ đạt khoảng 28-36%, định hướng đến năm 2050 đạt 74-75% tổng công suất nguồn điện. Trong đó, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời sẽ đóng vai trò ngày càng lớn. Cùng với đó, điện khí LNG được xác định là nguồn điện chuyển tiếp quan trọng, thay thế dần các nhà máy nhiệt điện than cũ, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo (Ảnh minh họa)

Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, hiện nay, các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG vẫn phụ thuộc phần lớn vào các hợp đồng mua bán điện (PPA) dài hạn với EVN. Mức giá thường do Nhà nước quy định (giá FIT, hoặc cơ chế đấu thầu) và thường chỉ có một bên mua duy nhất. Mô hình này khó thúc đẩy cạnh tranh về giá, khiến thị trường điện kém linh hoạt, nhà đầu tư khó thu hồi vốn nhanh.

Đơn cử như, điện khí LNG được quy hoạch là nguồn điện chuyển tiếp, giúp giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than và bổ sung tính ổn định cho hệ thống. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn và biến động khó lường của giá nhiên liệu LNG nhập khẩu khiến nhà đầu tư e ngại.

Trong mô hình độc quyền một bên mua hiện nay, nhiều dự án điện khí LNG đang bị đình trệ do không chốt được giá PPA với EVN. Việc chuyển sang thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là cho phép triển khai Hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa bên phát điện và người tiêu dùng điện lớn (Direct PPA) sẽ giúp các nhà máy điện khí LNG bán điện trực tiếp cho khách hàng công nghiệp lớn như các tập đoàn sản xuất, trung tâm dữ liệu hoặc doanh nghiệp FDI cần nguồn điện ổn định, phát thải thấp. Đây là nhóm khách hàng sẵn sàng trả mức giá cao hơn để đổi lấy nguồn điện xanh.

Hay như điện gió ngoài khơi - nguồn năng lượng được đánh giá có tiềm năng lớn nhất trong quá trình chuyển dịch năng lượng - nhưng đòi hỏi suất đầu tư cao, đi kèm rủi ro kỹ thuật và tài chính lớn. Để bảo đảm khả năng thu hồi vốn, nhà đầu tư cần một thị trường có cơ chế mua điện dài hạn với giá hợp lý.

Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và cơ chế đấu thầu minh bạch sẽ giúp xác lập giá mua - bán rõ ràng. Quan trọng hơn, các dự án điện gió ngoài khơi có thể triển khai mô hình Direct PPA với các cụm khách hàng đặc thù như khu công nghiệp ven biển, trung tâm xuất khẩu xanh hoặc doanh nghiệp đa quốc gia có cam kết phát thải carbon thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nếu không có một thị trường mở, các dự án điện gió ngoài khơi sẽ khó có cơ hội triển khai thực tế, tiếp tục "nằm trên giấy". Việc hình thành một sàn giao dịch điện minh bạch, cho phép nhà đầu tư tự quyết định đầu ra sản phẩm, sẽ là điều kiện then chốt để phát triển ngành công nghiệp còn non trẻ này.

Theo các chuyên gia năng lượng, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được vận hành sẽ tháo gỡ được bốn nút thắt quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng sạch.

Thứ nhất, xóa bỏ cơ chế độc quyền mua: Trong mô hình hiện tại, EVN là bên mua duy nhất. Việc đàm phán PPA với cơ quan nhà nước thường mất nhiều năm, giá bán điện không linh hoạt, dẫn đến gia tăng rủi ro tài chính cho dự án.

Thứ hai, bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tạo điều kiện triển khai PPA trực tiếp, cho phép nhà máy bán điện trực tiếp cho khách hàng lớn như khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI. Các đối tượng này sẽ chủ động tìm nguồn điện xanh với giá hợp lý.

Thứ ba, tạo động lực đầu tư hiệu quả: Khi nhà sản xuất phải tham gia chào giá để bán điện, hệ thống sẽ loại bỏ các nhà máy kém hiệu suất, khuyến khích đầu tư vào công nghệ mới, nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo.

Thứ tư, giải toải quy hoạch nguồn - lưới: Các nhà đầu tư sẽ cân nhắc địa điểm, chi phí truyền tải, nhu cầu điện để tự quyết định đầu tư, không còn tình trạng "nghẽn mạch" tại các khu vực như Tây Nguyên hay Duyên hải Nam Trung Bộ.

Do đó, để thị trường phát điện cạnh tranh phát huy vai trò là động lực nâng cao hiệu quả ngành điện và thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Hoàn thiện thể chế và khung pháp lý cho thị trường bán buôn, bán lẻ và cơ chế PPA trực tiếp; Điều chỉnh cơ chế giá điện để phản ánh đúng chi phí, tạo động lực đầu tư; Mở rộng phạm vi tham gia thị trường, đặc biệt với các nguồn điện tái tạo; Đầu tư mạnh vào hạ tầng truyền tải và lưới điện thông minh, giảm nghẽn mạch và tăng khả năng hấp thụ điện sạch...

Chuyên gia năng lượng, TS. Ngô Đức Lâm

Chuyên gia năng lượng, TS. Ngô Đức Lâm

Liên quan đến thị trường điện cạnh tranh, trao đổi với PetroTimes, chuyên gia năng lượng, TS. Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng: "Chúng ta chưa thể gọi đây là "thị trường điện" đúng nghĩa. Bởi phần lớn hệ thống vẫn do các doanh nghiệp nhà nước vận hành, trong khi hàng loạt nhà máy BOT, thủy điện đa chức năng hay điện gió, điện mặt trời - dù chiếm tới 50% công suất hệ thống - lại bị loại ra khỏi thị trường do rào cản pháp lý về công suất và giấy phép".

Mặc dù được gọi là “thị trường điện cạnh tranh”, nhưng thực tế nhiều quy luật của thị trường vẫn chưa được áp dụng một cách nhất quán. Nhà nước vẫn can thiệp vào hoạt động của thị trường điện, đặc biệt là thông qua EVN - đơn vị vừa quản lý vừa vận hành, nên chưa đảm bảo sự tách bạch giữa vai trò quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông nêu dẫn chứng: Doanh nghiệp phải tự tính toán giá điện đầu vào dựa trên chi phí, nhưng lại không được quyền quyết định giá bán đầu ra. Điều này có lúc gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Trong khi đó, giá bán cho người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tuân theo cơ chế thị trường - tức sử dụng bao nhiêu, trả bấy nhiêu - mà lại áp dụng lũy tiến nhiều bậc, dẫn đến người tiêu dùng tiêu thụ càng nhiều càng phải trả giá cao, đi ngược với nguyên tắc thị trường.

Ngoài ra, theo nguyên tắc thị trường, giá điện phải có lúc lên lúc xuống, tùy theo cung - cầu. Thế nhưng, trong suốt mấy chục năm qua, chưa từng có trường hợp nào giá điện giảm.

Hiện tại, mới chỉ hình thành thị trường bán buôn điện, chủ yếu ở 5 tổng công ty điện lực khu vực. Các nhà máy điện - phần lớn ở vùng ven biển - chỉ có thể bán điện cho EVN thông qua hệ thống truyền tải hoặc tự kéo dây điện.

Gần đây, quy định mới cho phép các nhà máy điện sạch bán trực tiếp cho doanh nghiệp tiêu thụ điện ở gần thông qua đường dây tự đầu tư. Tuy nhiên, nếu muốn đấu nối vào lưới điện truyền tải của EVN, quan hệ hợp đồng vẫn phải thông qua EVN, không thể giao dịch trực tiếp với khách hàng.

“Muốn mở rộng thị trường điện sạch, Việt Nam cần sớm luật hóa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với các điều kiện rõ ràng như: cho phép nhà máy bán điện qua lưới truyền tải quốc gia tới khách hàng công nghiệp hoặc thương mại; tách bạch chi phí truyền tải, phí điều độ và giá bán điện theo cơ chế minh bạch; thiết lập cơ chế thanh toán điện tử qua trung tâm giao dịch điện quốc gia”, TS. Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.

Có thể nói, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh không chỉ là một lộ trình tự nhiên trong đổi mới ngành điện, mà còn là nền tảng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên năng lượng sạch, độc lập và minh bạch. Khi người dùng điện được quyền lựa chọn, nhà đầu tư sẵn sàng cạnh tranh, năng lượng sạch sẽ thực sự "cất cánh".

Mạnh Tưởng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-8-thi-truong-ban-le-dien-canh-tranh-don-bay-de-nang-luong-sach-cat-canh-730358.html