Bài 2: Càng khó bao nhiêu, càng thương trò bấy nhiêu

Lương bao nhiêu là cao? Năm triệu, mười triệu hay mười lăm triệu đồng? Trung bình mỗi hiệu trưởng thâm niên trên 15 năm công tác có mức lương khoảng mười triệu đồng. Ở nhiều vùng, mức thu nhập ấy dù cao nhưng vì chi phí sinh hoạt quá nhiều, thành ra lương cao mà cuộc sống chưa hẳn sung túc.

“Khéo co thì ấm”

Chúng tôi luôn tâm đắc với câu nói của thầy Trần Khánh Tài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Hoa A (xã Chiềng Hoa, huyện Mường La, tỉnh Sơn La): “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Để đến Trường Tiểu học Chiềng Hoa A, từ TP Sơn La, chúng tôi ngồi ô tô đi khoảng 35 phút, rồi xuống ca nô xuôi theo lòng hồ thủy điện sông Đà gần 6km và tiếp tục bắt xe ôm đi thêm 16km nữa. Con đường nằm dọc theo thủy điện Nậm Pia, một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Chi phí tính từ bến đò Tạ Bú (nằm trên tỉnh lộ 106 từ TP Sơn La đi huyện Mường La) về đến trường tính sơ sơ một lượt khoảng 50.000 đồng. Tất nhiên thầy cô có thể tiết kiệm tiền xe ôm bằng cách… đi bộ.

Trường Tiểu học Chiềng Hoa A có 26 giáo viên, trong đó chỉ có một người địa phương, số còn lại đến từ miền xuôi, người xa nhất ở tỉnh Thanh Hóa. Chi phí đi lại vô cùng tốn kém. Nhiều người có xe máy nhưng chỉ có thể dùng trong những ngày đẹp trời. Khi trời mưa, xe phải gửi lại bến đò. Liên quan đến xe máy, chúng tôi được biết trung bình mỗi tháng các thầy cô phải chi trên dưới 500.000 đồng để mua xăng dầu, bảo dưỡng. Chúng tôi và thầy Tài làm phép tính đơn giản và thấy rằng chi phí cho những khoản ăn uống, đi lại lên tới khoảng 4 triệu đồng/tháng, gần hết số tiền lương mà các thầy cô tập sự đang được nhận.

Cô, trò Trường Tiểu học Nậm Păm phải học nhờ trong các phòng học được ghép tạm sau trận lũ quét lịch sử đầu tháng 8 vừa qua.

Cô Nguyễn Thị Thúy, sinh năm 1993, quê ở Thạch Thất, Hà Nội đang là giáo viên tập sự của Trường Tiểu học Chiềng Hoa A. Lên nhận công tác tại trường, cô được tính mức lương hệ cao đẳng cộng thêm 70% mức lương đang nhận cho vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn trong vòng 5 năm, sau đó sẽ được tiền % thâm niên đứng lớp. Cộng thêm một số chế độ trợ cấp thu hút giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn, lương của cô Thúy khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Thêm một vấn đề nữa là lương trả cho giáo viên theo vị trí công tác chứ không theo bằng cấp. Nghĩa là người có bằng đại học dạy tiểu học cũng chỉ nhận được bậc lương trung cấp. Một ví dụ như vậy để thấy lương của giáo viên miền núi, cao hay không?

Tổng thể những vấn đề bất cập trong việc chi trả tiền lương của giáo viên nói chung hiện nay đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra. Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các ban, bộ, ngành kiến nghị cải tiến, hoàn thiện chế độ lương và chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo theo hướng khắc phục những bất cập hiện có, để vị thế của người giáo viên được đặt đúng chỗ.

Nhân chuyến công tác này, chúng tôi cũng gợi lại vấn đề “cô Trương Thị Lan, giáo viên mầm non ở tỉnh Hà Tĩnh nhận lương hưu 1,3 triệu đồng sau 30 năm công tác” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhiều giáo viên vùng cao. Câu trả lời nhận được khá lạc quan. Nhiều nhà giáo cho rằng cô Lan thiệt thòi do không có biên chế trong một thời gian dài nên quá trình đóng bảo hiểm xã hội ít, dẫn đến lương ít. Giáo viên vùng cao cơ bản khi đã qua các kỳ thi tuyển của tỉnh thì chỉ mất một năm tập sự, sau đó được xét tuyển biên chế luôn. Vì thế, việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ được thực hiện ngay khi vào biên chế, nên lương hưu sẽ dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, có thể thấy trong thời điểm hiện tại, dù cộng tất cả chế độ đãi ngộ thì lương của giáo viên vẫn thấp. Và lương thấp nên các thầy cô ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn phải “khéo co” lắm mới đủ chi trả cho những chi phí sinh hoạt.

"Cái khó ló cái khôn"

Trường Tiểu học Chiềng Hoa A nằm bên sườn dốc của núi Kéo Ớt, một ngọn núi thuộc dãy Lọng San, địa hình hẹp và dốc. Mỗi khi mưa lũ, cả trường biến thành một cái hố đựng bùn. Thứ bùn đỏ rất khó dọn dẹp, lau rửa. Nhưng giờ đây, trường đã có diện mạo tương đối khang trang, tất cả nhờ tài xoay xở của thầy hiệu trưởng Trần Khánh Tài.

Học sinh Trường Tiểu học Phăng Sô Lin tập đồng diễn chuẩn bị cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Thầy Trần Khánh Tài có thâm niên công tác 18 năm, trong đó có 4 năm là phó hiệu trưởng và 6 năm là hiệu trưởng. Năm 2013, nhân việc thủy điện Nậm Pia bắt đầu được xây dựng, thầy kêu gọi sự giúp đỡ của doanh nghiệp, đổ đất nền cho sân trường. Trong thời gian này, thầy cũng xin được nhiều ngôi nhà cũ của dân để tranh thủ làm được hai dãy nhà gỗ và một dãy nhà vách tôn. Sau trận lũ quét đầu tháng 8 vừa qua, Trường Tiểu học Chiềng Hoa A được Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Bộ CHQS tỉnh Sơn La xây tặng một công trình lớp học kiên cố. Với công trình này, trường sẽ có gần đủ lớp đạt tiêu chuẩn.

Thầy Trần Khánh Tài nói: “Trường chúng tôi có 5 điểm trường, tổng số 371 học sinh. Điểm trường xa nhất là ở bản Lọng Sản, cách đây hơn 8km nên đi dạy thì khó có thể về trong ngày. Hiện tại chúng tôi mới chỉ đưa được 13 em học sinh lớp 3, 4, 5 ở những bản xa nhất về trường trung tâm học bán trú. Nếu có cơ sở vật chất đầy đủ, chúng tôi sẽ đưa thêm nhiều học sinh về hơn”.

Công trình do Bộ Quốc phòng xây tặng sẽ được bàn giao cho trường trước ngày 22-12 năm nay. Bao nhiêu dự định trang hoàng sân vườn, trồng cây, trồng hoa đã được thầy trò nhà trường hoạch định sẵn. Nhìn cảnh các thầy cô giáo, học sinh tranh thủ những phút giải lao giúp đỡ bộ đội xây trường thật vui mắt.

Từ huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai, thầy hiệu trưởng Bùi Duy Nam của Trường PTDTBT THCS Tà Mung cho rằng, khắc phục khó khăn là “ló” ra nhiều cách làm hay. Năm 2007, xã Tà Mung (tách ra từ xã Mường Than, huyện Than Uyên) điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 80%, đa phần rơi vào các hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông. Trường PTDTBT THCS Tà Mung có 2 điểm trường cách nhau 8km. Năm 2011, thầy Nam được chỉ định làm hiệu trưởng. Ngay từ thời điểm đó thầy chủ trương xóa bỏ điểm trường, vận động học sinh học bán trú.

Bắt đầu từ những bữa cơm ngon có thịt, sau đó là các hoạt động văn hóa, thể thao và cuối cùng là những bài học kỹ năng sống… đến giờ sĩ số học sinh đến trường luôn bảo đảm gần 100%. Cũng cần nói thêm, quỹ đất của trường khá rộng, thầy cô giáo trước là hướng dẫn và sau đó “khoán sản phẩm” tăng gia sản xuất cho học sinh. Vì thế nhiều năm trở lại đây trường tự cung tự cấp được thực phẩm để cải thiện bữa ăn, thậm chí còn thừa để tặng trường bạn là Trường THCS Phúc Than.

Điều đáng mừng là do tập trung vào một điểm trường nên giáo viên bộ môn không phải đi lại nhiều. Cùng với đó là phong trào tăng gia sản xuất cũng góp phần cải thiện đời sống giáo viên. Năm 2016, có 60% học sinh lớp 9 của trường thi đậu vào trường PTDTNT tỉnh, hoặc được xét đi học nghề. Số còn lại trở về địa phương cũng bắt nhịp tốt với hoạt động lao động sản xuất. Thành công của Trường PTDTBT THCS Tà Mung được Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu đánh giá cao.

Thầy giáo Bùi Duy Nam tâm sự: “Điều quan trọng là phải tin tưởng, gần gũi học sinh cũng như thầy cô giáo để nắm bắt tâm tư tình cảm. Khi tất cả đã đồng lòng quyết tâm “thoát nghèo” thì hoàn cảnh dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng sẽ làm được”.

Vì tình yêu nghề, các thầy cô giáo vùng cao đã tự thân vận động, biết thích ứng và biến đổi hoàn cảnh khó khăn của địa phương để xây dựng trường học thành mái ấm cho học sinh. Những điều đó hẳn không chỉ có tâm huyết mà còn cần cả tài năng, trí tuệ mới làm được. (còn nữa)

Bài và ảnh: NAM THẮNG - ĐÔNG HÀ -DUY VĂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/bai-2-cang-kho-bao-nhieu-cang-thuong-tro-bay-nhieu-524178