Bài 1: Nợ đọng kéo dài, do... nợ chồng nợ

Một trong những quyền chính đáng, hợp pháp của người lao động là quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (gọi tắt các loại bảo hiểm) phải được đóng đủ, tính đủ. Song vì nhiều lý do, thời gian qua không ít đơn vị cố tình trây ỳ việc đóng BHXH cho người lao động khiến nợ đọng BHXH kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ. Bởi vậy, việc các cơ quan chức năng đang tiến hành vào cuộc sát sao để nói không với nợ đọng BHXH đang được người lao động cảm thấy yên tâm hơn.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, tính đến ngày 30/4/2019, toàn Thành phố có 37.557 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 559.629 lao động, với số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phải tính lãi là 2.084,9 tỷ đồng (tăng 1.105,1 tỷ đồng so với tháng 12/2018). Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tham gia, mà còn làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Nợ đọng kéo dài do... bất khả kháng

Thông tin về tình hình nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết năm 2018, Hà Nội có 27.648 đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền nợ phải tính lãi là 979,7 tỷ đồng, chiếm 2,53% kế hoạch thu (giảm 1,45% so với năm 2017).

Đến ngày 30/4/2019 có 37.557 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN với 559.629 lao động; số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 2.084,9 tỷ đồng (tăng 1.105,1 tỷ đồng so với tháng 12/2018).

Theo BHXH Hà Nội, đến hết tháng 4/2019, thành phố có hơn 1.030 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTTN từ 12-24 tháng với 150,08 tỷ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 7.671 lao động; hơn 1.870 đơn vị nợ 115 tỷ đồng với thời gian từ 6-12 tháng, ảnh hưởng quyền lợi của 11.420 lao động...

Khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH Hà Nội nhấn mạnh: Nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là nợ đối với người lao động chứ không phải nợ với cơ quan BHXH. Do vậy, chủ doanh nghiệp cần phải quan tâm tới lao động, bởi nếu không quan tâm, sẽ không giữ được nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong đó, nợ dưới 3 tháng: 26.300 đơn vị với 475.028 lao động, số tiền nợ: 987,5 tỷ đồng; nợ từ 3 đến dưới 6 tháng: 7.551 đơn vị với 59.956 lao động, số tiền nợ: 342,7 tỷ đồng; nợ từ 6 đến dưới 12 tháng: 1.873 đơn vị với 11.420 lao động, số tiền nợ: 115,3 tỷ đồng; nợ 12 đến dưới 24 tháng: 1.039 đơn vị với 7.671 lao động, số tiền nợ: 150,08 tỷ đồng; nợ trên 24 tháng: 794 đơn vị với 5.554 lao động, số tiền nợ: 489,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhiều đơn vị có số nợ lớn, kéo dài như: Công ty Cổ phần Lilama 3 (nợ 71 tháng đóng BHXH của 144 lao động với số tiền 33,1 tỷ đồng); Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (nợ của 18 tháng đóng BHXH của 887 lao động với số tiền 21,8 tỷ đồng); Công ty CP Cầu 12 (nợ 28 tháng đóng BHXH của 351 lao động với số tiền 21,2 tỷ đồng); Công ty CP xây dựng Công trình giao thông 1 - Hà Nội (nợ 65 tháng đóng BHXH của 195 lao động với số tiền 20,8 tỷ đồng)...

“Trần tình” về số tiền nợ đứng đầu Thành phố của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Thành - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lilama 3 (Lô 24-25 KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) - cho biết: Số nợ trên phát sinh từ năm 2011, khi doanh nghiệp tham gia một số dự án trọng điểm của Chính phủ, nhưng đến nay, nhiều dự án vẫn chưa quyết toán xong, trong đó có một số dự án đang dính vào các vụ “đại án” chờ xem xét, xử lý.

Theo ông Thành, số tiền doanh nghiệp này đang bị ngân sách nhà nước nợ, chưa thực hiện quyết toán lên tới trên 60 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số hơn 33 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động, số tiền nợ do tính lãi suất chiếm hơn 1/2 (hơn 16 tỷ đồng).

Cũng làm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, ông Đỗ Duy Hưng - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1, Ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty cầu 12 - nêu ý kiến: Điểm qua danh sách doanh nghiệp nợ của BHXH Hà Nội, có đến 80% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Dẫn chứng về Tổng Công ty và các đơn vị thành viên đều được “điểm danh” trong danh sách nợ, ông Hưng cho biết: Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 có 20 đơn vị thành viên, trong đó có 6 đơn vị đang nợ hơn 60 tỷ đồng tiền BHXH.

Dẫn chứng thêm về số tiền 1.400 tỷ đồng đang bị nợ đọng (gấp 2 lần vốn điều lệ hiện có là 700 tỷ đồng), ông Hưng cho biết, có đến 700 tỷ đồng tiền nợ đọng ở các công trình đã hoàn thành 5 năm, thậm chí 10 năm. “Nợ đọng từ vốn ngân sách đã ảnh hưởng rất lớn đến nợ số tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động”, ông Đỗ Duy Hưng cho biết.

Cụ thể, ngay trên địa bàn TP Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy khánh thành đến nay đã trên 10 năm, nhưng hiện đang nợ doanh nghiệp gần 30 tỷ đồng; cầu Đông Trù (do UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư) đã hoàn thành từ năm 2014, đến nay vẫn còn nợ 46 tỷ đồng và một số dự án nằm trên địa bàn Hà Nội như dự án Nội Bài - Nhật Tân hoàn thành hơn 4 năm vẫn đang nợ; dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vẫn còn gần 60 tỷ đồng...

Mong được khoanh nợ, “cắt” lãi suất chậm đóng

Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) là doanh nghiệp có số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến nay 21 tỷ đồng - đứng thứ hai thành phố với số lao động lên tới 887 người - đứng đầu thành phố.

Lý giải về số nợ BHXH, BHYT, ông Lê Văn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, do đặc thù sản xuất trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, lao động đông, mặt hàng sản xuất theo mùa vụ, nên các tháng đầu năm thường ít đơn hàng, nguồn thu hạn chế; trong khi phải đảm bảo chi trả lương, các khoản phúc lợi cho người lao động dịp gần tết Nguyên đán khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cân đối thu - chi, dẫn đến nợ đọng BHXH, BHYT.

Cũng vì sử dụng nhiều lao động nên số tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hàng tháng phát sinh cũng rất lớn, khoảng 2 tỷ đồng/tháng, chỉ cần nợ vài tháng, số tiền này đã tăng lên “chóng mặt”, cộng thêm với lãi suất chậm đóng, “nợ chồng nợ” khiến doanh nghiệp càng gặp khó khăn.

Từ thực tế tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Thành - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lilama 3 cho hay: Hiện nay, doanh nghiệp đang từng bước khắc phục khó khăn, tập trung giải quyết việc làm, xác định công nợ để thực hiện nghĩa vụ với cơ quan BHXH và người lao động.

“Trong những năm qua, doanh nghiệp vừa cố gắng đóng toàn bộ số nợ BHXH, BHYT phát sinh hằng năm; số nợ cũ sẽ cố gắng khắc phục, thu hồi được nợ từ ngân sách sẽ tiến hành trả nợ BHXH. Vì vậy, chúng tôi đề nghị BHXH Hà Nội kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét, tạo điều kiện khoanh nợ BHXH, do món nợ phát sinh từ thời điểm trước để lại, bản thân doanh nghiệp cũng không muốn. Thứ hai, chúng tôi cũng đề nghị xem xét không tính lãi chậm đóng nợ BHXH, để doanh nghiệp ổn định làm ăn, có lộ trình để trả nợ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Thành đề xuất.

Nhấn mạnh nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là bài toán hết sức luẩn quẩn mà các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, xây dựng cầu đường gặp phải, ông Đỗ Duy Hưng - Ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty cầu 12 khẳng định: Không có ông Giám đốc nào muốn “chây ì”, không muốn đóng BHXH cho người lao động, vì tiền chậm lãi rất cao, cao hơn rất nhiều lần lãi suất ngân hàng. Có thời điểm doanh nghiệp tính lên hơn 18%, vì khoản lãi đó không được tính vào doanh thu, chi phí doanh nghiệp.

“Là Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty, tôi cũng rất suy nghĩ đến trách nhiệm của mình, đến việc người lao động không được đảm bảo quyền lợi. Vì vậy, chúng tôi mong Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành phố và các sở, ban ngành quan tâm tháo gỡ giúp chúng tôi về nguồn vốn, cơ chế chính sách, để chúng tôi cân đối nguồn trả nợ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 đề xuất.

Bảo Duy

Bài 2: Có được giảm lãi suất chậm đóng?

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-1-no-dong-keo-dai-do-no-chong-no-91800.html