Bà Trương Mỹ Lan khai gì về những người đứng tên hộ cổ phần tại SCB?

Sáng 11/3, HĐXX TAND TPHCM bắt đầu xét hỏi bị cáo bị cáo Trương Mỹ Lan về nội dung cáo buộc bị cáo này nhờ người thân, bạn bè đứng tên cổ phần SCB. Trả lời HĐXX, bị cáo Lan phủ nhận việc bản thân nắm giữ hơn 91% cổ phần tại SCB như cáo buộc của cơ quan tố tụng.

Bà Trương Mỹ Lan khai báo về những người đứng tên cổ phần tại SCB. Clip Duy Anh.

Sáng 11/3, TAND TPHCM tiếp tục kiến phiên xét xử sơ thẩm bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Trả lời HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết đã nghe rõ cáo trạng mà Viện Kiểm sát công bố tại phiên tòa, giống với cáo trạng mà bị cáo đã nhận.

Theo cáo trạng Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết. Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống Công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB trong đó có hoạt động cho vay.

Do đó, từ trước thời điểm hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng tư nhân. Sau khi hợp nhất, Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên Cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,545% vào ngày 1/1/2018. Tính đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp. Trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm 4,982% vốn điều lệ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 8/3.

Bà Lan nói không nắm hơn 91% cổ phần SCB

Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, Trương Mỹ Lan cho rằng bản thân bị cáo chỉ nắm 4,9% cổ phần tại SCB.

“Về mặt pháp lý, tôi chỉ nắm hơn 4,9% cổ phần SCB. Sau đó, năm 2012, khi nhà đầu tư nước ngoài vào yêu cầu tôi phải nắm 15% cổ phần thì có thêm 2 người con gái của tôi, mỗi người nắm giữ 5% cổ phần SCB. Như vậy, cả gia đình tôi nắm chưa tới 15% vốn điều lệ của SCB”, bà Lan khai.

Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, những người đứng tên cổ phần SCB hoàn toàn không biết mặt bà; họ chỉ là người nhà, đứng tên giúp các việt kiều Úc, Mỹ, Canada… “Họ đứng tên giúp cho người nhà của họ chứ họ không biết mặt tôi”, bà Lan trình bày.

Bị cáo Trương Mỹ Lan nói: "Nhìn cảnh ngày hôm nay, tôi rất buồn"... và cho biết, để hợp nhất 3 ngân hàng thành SCB như hiện tại phải có 30% cổ phần, nên bà Lan phải tìm bạn bè, nhà đầu tư mua cổ phần, rồi tìm cổ đông của 3 ngân hàng trước khi hợp nhất để thương lượng.

Theo bị cáo Lan, dù không biết gì về ngân hàng, nhưng do ý thức mình có uy tín nên bằng mọi giá buộc phải hợp nhất SCB trước 1/1/2012. Sau đó, bị cáo này đã thực hiện được.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên xét xử sáng nay.

Trả lời HĐXX về việc tất cả lời khai tại cơ quan điều tra đúng không? Tuy nhiên, bị cáo Lan cho rằng 'có phần đúng, có phần không chính xác'.

Thẩm phán Phạm Lương Toản lên tiếng: Lời khai ở cơ quan điều tra của bị cáo có đúng không?

Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời: Dạ thưa HĐXX, xác nhận về cổ phần là không đúng!

Ngay lập tức chủ tọa nói, tất cả lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan đều có luật sư tham gia, bản thân bị cáo đã ký vào các biên bản lấy lời khai: "Tôi đã đọc và đồng ý ký tên"…

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 11/3.

Chỉ vay tiền ở nước ngoài

Thẩm phán Phạm Lương Toản trích dẫn cáo trạng, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tuyển chọn, bố trí nhân sự là những người thân tín vào vị trí lãnh đạo chủ chốt của SCB để nắm quyền điều hành; thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Trương Mỹ Lan; chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê, nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo.

Khi được yêu cầu trả lời về những vấn đề trên, bà Lan nói: “Tôi không làm việc một ngày nào ở SCB”.

Thẩm phán Phạm Lương Toản:

-Ở phiên xét xử các ngày trước, từ Chủ tịch đến Tổng giám đốc SCB đã xác định, đều làm việc theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, kể cả Nghị quyết Hội đồng quản trị, xét duyệt tín dụng cho ai đều do Lan chỉ đạo. Cán bộ thanh tra chỉ ra hoạt động yếu kém, bởi lẽ do phụ thuộc chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Bà Lan nghẹn lời:

-Lúc sáp nhập 3 ngân hàng để có SCB như hiện tại, bị cáo được phân công lo đi kiếm nhà đầu tư nước ngoài chứ không có nghiệp vụ về ngân hàng, cũng không có ai ở Vạn Thịnh Phát tham gia điều hành ở SCB và cũng không có ai là thân tín của mình làm việc ở SCB.

Theo trình bày của bị cáo Trương Mỹ Lan, điều hành SCB là do Hội đồng quản trị quyết định, dưới sự giám sát hợp nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Bà Lan nói: "Cán bộ, nhân viên SCB rất áp lực, họ có làm sai, xin HĐXX giảm nhẹ tội cho họ. Họ làm việc vì SCB bị áp lực, sợ ngân hàng sụp đổ chớ không phải vì tiền hay có động cơ mục đích gì khác".

Bà Lan khẳng định, điều hành SCB là do Hội đồng quản trị quyết định.

“Bị cáo là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 5 - 6 công ty khác, đang xin giấy phép lập Tập đoàn Quan Âm Thị Kính chỉ chuyên đi làm từ thiện, không liên quan gì đến SCB”, bà Lan giải bày.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục phủ nhận cáo buộc của cáo trạng về việc bị cáo này bằng nhiều phương thức thủ đoạn tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB; câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB; thông đồng, câu kết với các Công ty Thẩm định giá để cấp Chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; không hoàn thiện thủ tục thế chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm để hoán đổi tài sản bảo đảm; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; bán nợ xấu, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu.

Bị cáo Trương Mỹ Lan khai nhận: “Tôi chỉ vay tiền ở nước ngoài vì ngân hàng trong nước lãi suất cao”.

Về cáo buộc thông đồng, cấu kết với các công ty thẩm định giá nâng khống tài sản định giá, bà Lan khẳng định không quen biết các công ty trên và không chỉ đạo SCB làm việc này.

“Lúc tôi chưa bị bắt, thị trường tốt thì giá trị tài sản cả 100 tỷ đồng. Bây giờ tôi bị bắt, thị trường ảm đạm thì 30 - 40 tỷ đồng là bình thường”, bà Lan nói.

Về cáo buộc, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm 1.057 khoản khách hàng cá nhân và 1.470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.

HĐXX trong phiên làm việc sáng 11/3.

Đến ngày 17/10/2022 còn 1.284 khoản vay (gồm 440 cá nhân vay 512 khoản và 435 tổ chức vay 772 khoản), còn dư nợ 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 tỷ đồng nợ gốc và 193.315 tỷ đồng nợ lãi/phí, các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi; dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng SCB.

Về dòng tiền đã giải ngân, Ngân hàng SCB ghi nhận số tiền giải ngân cho các cá nhân, pháp nhân theo các phương án vay vốn đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền). Dòng tiền của 1.284 khoản vay/483.917 tỷ đồng dư nợ gốc (khi giải ngân là 525.480 tỷ đồng) của Trương Mỹ Lan xác định được, trả nợ khoản vay cũ tại Ngân hàng SCB 57.029 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB 381.303 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản nội bộ trong SCB 5.275 tỷ đồng; tổ chức, cá nhân rút tiền mặt 81.873 tỷ đồng.

Những nội dung này, bà Lan tiếp tục khẳng định: “Tôi không liên quan”.

Nhóm PV

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ba-truong-my-lan-khai-gi-ve-nhung-nguoi-dung-ten-ho-co-phan-tai-scb-post1619044.tpo