Bà bầu bị chảy máu cam: Nguyên nhân và cách xử trí ngay tại nhà

Bà bầu bị chảy máu cam là hiện tượng thường gặp trong thai kỳ do sự thay đổi của các hormone nội tiết tố hoặc do vùng niêm mạc mũi bị khô. Bà bầu cần trang bị kiến thức sơ cứu khi bị chảy máu cam và những lưu ý để ngăn ngừa tình trạng này.

Nguyên nhân bà bầu chảy máu cam

Từ tháng thứ 4 thai kỳ, bà bầu dễ gặp phải hiện tượng chảy máu cam. Cứ 10 bà bầu thì có 2 bà bầu gặp phải triệu chứng này trong thời kỳ mang thai. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu cam ở bà bầu.

Nguyên nhân chủ yếu khiến bà bầu bị chảy máu cam là do sự gia tăng của các hormone thai kỳ progesterone và estrogen làm thúc đẩy quá trình giãn nở của các mạch máu. Lượng máu trong cơ thể bà bầu gia tăng cung cấp cho cơ thể mẹ tạo áp lực lớn lên các thành mạch gây ra hiện tượng chảy máu cam.

Sự thay đổi các hormone trong thai kỳ có thể khiến bà bầu bị chảy máu cam - Ảnh minh họa: Internet

Khi thời tiết chuyển mùa trở nên lạnh khô, bà bầu dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, dị ứng hoặc màng nhầy bị khô cũng dẫn đến nguy cơ chảy máu cam.

Bà bầu bị chảy máu cam còn liên quan đến các vấn đề chấn thương, mắc các bệnh tăng huyết áp, rối loạn đông máu hoặc sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid, thuốc làm thông mũi hoặc thuốc xịt mũi.

Làm gì khi bà bầu bị chảy máu cam

Khi bị chảy máu cam, bà bầu dùng ngón cái và ngón trỏ bóp nhẹ đầu mũi đồng thời ngồi nghiêng người, đầu hơi cúi về phía trước chếch 45 độ và giữ trong khoảng 15 – 20 phút. Tư thế nghiêng người về phía trước sẽ giúp máu chảy ra ngoài, tránh chảy vào cổ họng bà bầu gây ra hiện tượng buồn nôn. Giữ yên trong vòng 20 phút, máu sẽ từ từ đông lại.

Khi bị chảy máu cam, bà bầu nên ngồi ở tư thế nghiêng người về phía trước, hai tay bóp chặt mũi - Ảnh minh họa: Internet

Trong quá trình cầm máu, bà bầu có thể dùng túi đá chườm lên vùng mũi để tăng tốc độ đông máu. Trong khoảng 12 giờ tiếp theo, để phòng ngừa tình trạng chảy máu cam tiếp tục xảy ra, chị em cần lưu ý không vận động quá mạnh, không nằm ngửa ở tư thế đầu thấp hơn tim, không xì mũi quá mạnh.

Đặc biệt, khi thấy có dấu hiệu chảy máu cam liên tục hơn 20 phút dù đã áp dụng các phương pháp cầm máu đồng thời máu liên tục chảy ra phía sau khoang mũi, trào ngược ra trước miệng, bà bầu cần lập tức đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

Phòng ngừa nguy cơ chảy máu cam ở bà bầu

Theo các bác sĩ, bà bầu bị chảy máu cam là hiện tượng bình thường trong thai kỳ, hiếm khi nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh. Để phòng ngừa triệu chứng chảy máu cam ở bà bầu, chị em cần lưu ý:

Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi. Không nên để mũi quá khô khi thời tiết lành. Để vùng niêm mạc mũi mềm hơn, bà bầu có thể bôi một lớp mỏng vaseline lên mũi đồng thời dùng máy tạo độ ẩm trong phòng để giữ độ ẩm ở mức ổn định.

Bà bầu nên uống nhiều nước và giữ ấm cơ thể để phòng ngừa nguy cơ chảy máu cam - Ảnh minh họa: Internet

Trong chế độ dinh dưỡng, bà bầu nên uống nhiều nước để giữ độ ẩm, ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Ngoài ra, bà bầu cần tránh xa các yếu tố gây kích ứng vùng mũi như khói thuốc, bụi bặm và hạn chế sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc xịt mũi, tránh làm khô lớp nhầy trong mũi.

Hồng Ngân (T.H)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/ba-bau-bi-chay-mau-cam-nguyen-nhan-va-cach-xu-tri-ngay-tai-nha-c20a295429.html