Áp lực mới của Chính phủ Canada

Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau đang phải đối mặt với những áp lực mới để tìm hướng giải quyết vấn đề cạnh tranh kinh doanh của Canada.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: EPA/TTXVN

Đây dự kiến sẽ là vấn đề đáng chú ý trong Báo cáo cập nhật kinh tế mùa Thu sắp được công bố. Ủy ban thượng viện về ngân hàng, kinh doanh và thương mại ngày 16/10 đã công bố kết quả của một nghiên cứu về cạnh tranh kinh doanh, trong đó bao gồm nhiều kiến nghị để cải thiện môi trường kinh doanh của Canada.

Kiến nghị đầu tiên là một cuộc đại tu đầy tham vọng và rộng rãi về chính sách thuế của Canada, cùng với những chiến lược khác như đảm bảo các quan hệ thương mại mới và gỡ rối các cấu trúc, quy định chồng chéo của Canada.

Báo cáo của Thượng viện còn kiến nghị, Ottawa nên nhìn nhận việc cải cách thuế là cấp thiết, đặc biệt khi cạnh tranh toàn cầu về vốn ngày càng trở nên khốc liệt; đồng thời cần có sự thay đổi ngay lập tức đối với hệ thống thuế để giảm gánh nặng cho giới chủ doanh nghiệp Canada.

Báo cáo của Thượng viện cũng thẳng thắn đề cập đến thất bại của Canada trong việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng lớn, đặc biệt là các đường ống dẫn dầu, dẫn đến việc các nhà sản xuất dầu không đủ khả năng đưa sản phẩm của họ ra thị trường.

Tiff Macklem, Hiệu trưởng trường Quản lý Rotman của Đại học Toronto đã nói với Ủy ban thượng viện hồi tháng Chín rằng Canada cần phải dành nhiều thời gian để cạnh tranh với thế giới. “Chúng ta cần phải dành ít thời gian cạnh tranh với nhau và dành nhiều thời gian hơn để cạnh tranh với thế giới.

Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, chúng ta là một thị trường nhỏ bé và sự phân mảnh chỉ làm cho chúng ta nhỏ bé hơn”, ông nói.

Một bản báo cáo khác, khảo sát khoảng 100 nhà quản lý cấp cao, cũng chỉ ra "quy định và thuế" là trở ngại hàng đầu cho đầu tư kinh doanh. Trở ngại lớn nhất tiếp theo là tình trạng "không chắc chắn", cũng như hậu quả của tranh chấp thương mại và những rào cản về quy định.

Báo cáo của Ngân hàng trung ương Canada còn chỉ ra các quy trình kéo dài trong việc phê duyệt các dự án đường ống dẫn dầu và các dự án năng lượng lớn khác ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của Canada.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cắt giảm mạnh thuế doanh nghiệp vào năm 2017 cũng có tác động không nhỏ đến lợi thế cạnh tranh của Canada. Một báo cáo tháng Chín của công ty tài chính PwC, do Hội đồng Kinh doanh Canada có trụ sở tại Ottawa ủy quyền thực hiện, ước tính rằng tổn thất liên quan đến khả năng cạnh tranh thuế với Mỹ có thể lên tới 4,9% GDP của Canada.

Hiện Canada đang tìm cách để đối phó với vấn đề này. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Morneau cho biết, ông đã thảo luận với các công ty về cách tốt nhất để đối phó với những cải cách thuế ở Mỹ, mà các nhà phân tích cho rằng phần nào đã làm giảm đầu tư vào Canada.

Phát biểu với báo giới ngày 16/10, ông Morneau cho biết ông đã thảo luận với nhiều doanh nghiệp, các nhà đầu tư và đang cùng họ cân nhắc giải quyết các vấn đề cạnh tranh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Morneau không cung cấp chi tiết về kế hoạch của mình, nhưng ông đã từng nói, ông có thể đưa ra các biện pháp “nhắm tới mục tiêu” trong Báo cáo cập nhật kinh tế mùa Thu của mình. Bản cập nhật kinh tế này sẽ được công bố trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các nhóm lợi ích đặc biệt đang gây áp lực với chính phủ về một số hình thức giảm thuế hoặc cắt bớt các quy định đối với doanh nghiệp.

Vấn đề năng lực cạnh tranh của Canada đang được chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau quan tâm hơn bao giờ hết nhằm duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và lấy lại lòng tin cho người dân Canada trước thềm cuộc bầu cử liên bang 2019.

Nhiều khả năng, trong báo cáo kinh tế mùa Thu sẽ được công bố trong những tuần tới, các biện pháp về thuế quan để đối phó với vấn đề cạnh tranh kinh doanh sẽ được đề cập nhiều và thu hút sự quan tâm của người dân Canada./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ap-luc-moi-cua-chinh-phu-canada/99772.html