Anh Nguyễn Văn Đặng khởi nghiệp thành công với nghề nuôi thỏ

3 năm qua, anh Nguyễn Văn Đặng (SN 1994) - Bí thư Chi đoàn Ấp 3, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự “bén duyên” với nghề nuôi thỏ thương phẩm và khởi nghiệp thành công với nghề này.

Anh Nguyễn Văn Đặng (ngụ Ấp 3, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự) khởi nghiệp thành công với nghề nuôi thỏ thương phẩm

Trước đây, anh Đặng không có việc làm, rời quê đến các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng làm công nhân kiếm sống. Đến năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Đặng thất nghiệp, trở về quê sinh sống. Với mong muốn cải thiện thu nhập cho bản thân, anh Đặng tìm việc làm, nghiên cứu các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để thực hiện. Nghiên cứu qua báo, đài, anh nhận thấy nghề nuôi thỏ có nhiều ưu điểm như: chi phí thấp, nguồn thức ăn chính chủ yếu là rau củ, thị trường tiêu thụ thỏ thịt cũng khá ổn định, từ đó anh quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi thỏ thương phẩm.

Cuối năm 2021, với số tiền tích lũy của bản thân, anh Đặng đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 40 con thỏ con về nuôi. Hằng ngày, anh đi cắt rau muống đem về cho thỏ ăn. Sau 4 tháng nuôi, anh Đặng bán lứa thỏ đầu tiên với số lượng 15 con thỏ thịt, có thu nhập hơn 3 triệu đồng. Anh Đặng cho biết, do chưa có kinh nghiệm nên lứa thỏ đầu tiên nuôi chưa đạt hiệu quả. Việc nuôi thỏ gặp nhiều khó khăn như thỏ thường xuyên bị bệnh, bỏ ăn, chậm phát triển, bị hao hụt nhiều...

Không chùn bước trước thất bại, anh Đặng quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật nuôi thỏ, đồng thời chủ động tìm đến các hộ nuôi thỏ trong, ngoài huyện để học tập kinh nghiệm, cách chăm sóc cho thỏ tăng trọng nhanh. Qua học tập được kinh nghiệm, kỹ thuật, từ lứa thỏ thứ 2, anh Đặng thiết kế lại chuồng trại thông thoáng, giữ cho thỏ khô ráo để phòng bệnh; cho thỏ ăn thêm thức ăn để nhanh lớn... Bên cạnh đó, để tiếp sức cho anh Đặng phát triển nghề nuôi thỏ, năm 2022, Xã đoàn Thường Phước 2 hỗ trợ anh vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 90 triệu đồng. Với số tiền vay, anh Đặng sửa chữa, mở rộng chuồng trại, đầu tư hệ thống nước uống tự động cho thỏ, mua thêm thỏ con về nuôi. Xã đoàn Thường Phước 2 giới thiệu cho anh tham gia các lớp tập huấn ở xã, huyện về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, giúp việc nuôi thỏ của anh thuận lợi hơn.

Để tăng số lượng thỏ, mỗi đợt bán thỏ, anh chọn những con thỏ tốt giữ lại nuôi cho phối giống để gầy đàn. Mỗi con thỏ đẻ 1 lứa/tháng, từ 2 - 7 con/lứa. Với cách làm này, đàn thỏ của anh Đặng ngày càng tăng về số lượng. Từ 40 con thỏ ban đầu, đến nay tăng hơn 150 con, với các giống thỏ ở Việt Nam và thỏ lai. Nhờ biết cách chăm sóc thỏ, tính toán thời gian hợp lí và cho thỏ sinh sản liên tục nên anh Đặng có thỏ con để nuôi và bán thỏ thịt hàng tháng. Thỏ thịt được anh bán cho các thương lái ở tỉnh An Giang với giá dao động từ 60 ngàn - 80 ngàn đồng/kg, mỗi con thỏ thịt có trọng lượng từ 3 - 4kg. Ngoài ra, anh Đặng còn bán thỏ con cho người dân ở trong và ngoài địa phương. Trung bình mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí, anh Đặng có thu nhập gần 6 triệu đồng từ việc bán thỏ thịt, thỏ con. Anh Nguyễn Văn Đặng, chia sẻ: “Qua quá trình nuôi thỏ, tôi nhận thấy nuôi thỏ nhẹ về chi phí đầu tư ban đầu, nguồn thức ăn của thỏ cũng dễ tìm trong tự nhiên, ít tốn công chăm sóc. Nhờ nghề nuôi thỏ giúp tôi tăng thu nhập cho bản thân, không phải đi làm xa quê và có điều kiện chăm lo cho cuộc sống gia đình tốt hơn”.

Anh Dương Văn Tính - Bí thư Xã đoàn Thường Phước 2 (huyện Hồng Ngự), cho biết: “Anh Nguyễn Văn Đặng là một trong những thanh niên tiêu biểu ở xã khởi nghiệp thành công với nghề nuôi thỏ thương phẩm và có cuộc sống ổn định. Từ mô hình khởi nghiệp của anh Đặng góp phần tạo động lực, lan tỏa tinh thần, ý chí khởi nghiệp đến nhiều thanh niên trong xã. Trong thời gian tới, Xã đoàn Thường Phước 2 tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ đầu ra sản phẩm, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho anh Đặng để mở rộng, phát triển nghề nuôi thỏ thương phẩm nhằm giúp anh phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới, Xã đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên trong xã tham gia phong trào khởi nghiệp góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

MỸ XUYÊN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/anh-nguyen-van-dang-khoi-nghiep-thanh-cong-voi-nghe-nuoi-tho-116697.aspx