Anh hùng Vương Đình Nhỏ hóa thành bất tử trong lòng người Vân Kiều ở bản Kà Tăng

Không chết bởi chiến tranh nhưng Anh hùng Vương Đình Nhỏ lại ra đi trong thời bình như một câu chuyện huyền thoại giữa lúc anh đang giúp đồng bào Vân Kiều, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tháo gỡ bom mìn để sản xuất, xây dựng quê hương!

Vậy là đã 31 năm trôi qua, kể từ ngày cuối cùng có mặt trên thế gian (26-1-1990), huyền thoại "vua phá bom" Vương Đình Nhỏ đã xa lìa vợ con, người thân, bạn bè, đồng đội, làng xóm... về cõi vĩnh hằng. Ai hay đã chừng ấy năm trời, bà con người Vân Kiều ở bản Kà Tăng, nay thuộc thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn ngày, đêm hướng về phía mặt trời lặn, nguyện cầu thần linh cho linh hồn anh được yên giấc ngàn thu dưới tán lá săng lẻ giữa nghĩa địa Rừng Ma của bản!

Lẽ ra sau ngày đất nước thống nhất "cảm tử quân" Vương Đình Nhỏ có quyền hưởng thụ một cuộc sống bình thường bên vợ con trong căn nhà nhỏ, ấm tình hạnh phúc ngay cạnh ngã ba Đồng Lộc, nơi anh từng gắn bó trong những năm, tháng chiến tranh khốc liệt khi tuổi đã xế chiều.

Vợ con anh hùng Vương Đình Nhỏ và cụ Nguyễn Đình Luyến (phải) nhân chứng lịch sử tại Ngã ba Đồng Lộc

Vậy mà trước tiếng gọi khẩn cầu của bà con Vân Kiều ở chốn đạn bom khốc liệt nơi chiến trường Khe Sanh xưa lại thôi thúc anh tiếp tục vác ba lô lên đường, với mong muốn đem lại sự bình yên cho mọi nhà. Bởi sau chiến tranh, bản Kà Tăng nằm bên quốc lộ 9 vẫn còn chồng chất bom, mìn vật liệu nổ sót lại. Thỉnh thoảng đây đó vẫn phát ra những tiếng nổ xé trời, cướp đi sinh mạng bao người dân vô tội trong lúc họ đang cấy cày, gặt hái...

Hồi ấy Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo bắt đầu hoạt động sôi động. Cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế xã, hội ở địa phương đang bắt đầu mở ra. Một cựu chiến binh tâm huyết ở huyện Hướng Hóa biết được tiếng vang "Vua phá bom" trên Ngã ba Đồng Lộc đã lặn lội ra tận Hà Tĩnh mời Vương Đình Nhỏ vào Khe Sanh để giúp dân tháo gỡ bom, mìn... tạo điều kiện cho địa phương phát triển sản xuất, giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng...

Ai hay buổi trưa định mệnh ấy, anh Vương Đình Nhỏ cùng cậu em vợ và 2 người Vân Kiều giúp việc là anh Hồ Mường và anh Hồ Ka Dền trong lúc đang thăm dò một quả bom rất to nằm sát cạnh cầu Cà Tang, bản Cà Tang để tìm cách phá hủy lại bất ngờ bị bom phát nổ khi anh vừa ướm thử chiếc cà -lê trên đầu hạt nổ. Cái nổ kèm theo đám cháy lớn trên diện tích hàng trăm mét vuông hất xác cả 4 người bay tung tóe khắp nơi.

Người dân đến dâng hương trước mộ gió của AH Vương Đình Nhỏ nhân 46 năm ngày giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước

Gom nhặt được một phần thịt da cháy đen lẫn lộn sót lại của 4 người, chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã tổ chức chôn cất trong một ngôi mộ chung ở gần đó.

Sau khi tỉnh Quảng Trị có kế hoạch giải tỏa khu vực này để xây dựng thị trấn Lao Bảo, phần mộ chung bốn người một lần nữa được người nhà của hai người Vân Kiều chết cùng đưa vào rừng chôn cất theo phong tục của bản. Đây là cánh rừng thâm u còn gọi là nghĩa địa Rừng Ma hết sức kì bí của người Vân Kiều ở bản Cà Tang. Bởi theo tục lệ người chết ở đây không được xây mộ. Khi chết thân thể của họ chỉ vùi vào rừng và chỉ có ai là người thân thiết mới biết được hài cốt của họ chôn cất ở đâu. Điều đặc biệt là người chết chỉ được chôn một lần, không cất bốc, không khói hương... mặc kệ thời gian sẽ xóa hết mọi dấu vết.

Ngoài bà Hồ Thị Đêm, mẹ của anh Hồ Mường, người chết cùng trong vụ phá bom trên, tuyệt nhiên không ai biết phần mộ chung ấy nằm ở đâu? Tuy nhiên, vào một ngày hè nóng bức năm 2009 sau khi nhìn thấy cháu Vương Thị Thương, người con gái út của anh Vương Đình Nhỏ được người dân địa phương đưa đến, bày tỏ lời khẩn cầu xin gia đình "phá lệ" cho Thương được vào rừng thắp hương cho bố cùng người cậu ruột, không ngờ hình ảnh của Thương đã làm bà Hồ Thị Đêm xúc động! Để rồi tự tay bà vén những cành gai rừng sắc nhọn, dẫn Thương cùng nhóm người đi cùng theo hướng mặt trời lặn chui vào nghĩa địa Rừng Ma!

Bà Trần Thị Luận (vợ) và cháu Vương Thị Thương (con) anh Vương Đình Nhỏ tại Ngã ba Đồng Lộc.

Đi được nửa buổi đường, bất chợt bà Đêm dừng lại ngước lên một cây săng lẻ to bằng cỡ người ôm, rồi bà qua nửa vòng tiến lên mấy bước. Hai tay chắp dưới cằm, bà từ từ ngồi xuống gạt những đám lá khô ngay dưới vòm một lùm cây gai rậm rịt. Vạt đất ấy chính là phần mộ chung của bốn người, trong đó có bố của Thương. Như cảm nhận được lời trăng trối của bố mình đang vọng lên từ dưới đó, Thương bất ngờ khuỵu xuống trong vòng tay bà Đêm rồi nấc lên những giọt nước mắt nghẹn ngào!

Một cựu chiến binh đi cùng đoàn không ghìm nổi xúc động nấc lên: "Anh Vương Đình Nhỏ ơi! Chẳng nhẽ từ khi thi thể anh và các bạn anh di dời vào rừng thiêng đây là lần đầu tiên anh được ngửi mùi khói hương thờ cúng? Chẳng nhẽ từ khi anh mất cho tới nay, dù giữa thanh thiên bạch nhật, dù không còn lửa đạn chiến tranh ngăn đường chặn lối, cô con gái út của anh mới có thể thay mặt gia đình vào với Anh đây? Thật cay đắng ngậm ngùi!" Ông nói xong mọi người đều bật khóc, bà Đêm cũng khóc!

Biết rằng, không thể đưa mộ của cha về quê bởi tập tục của người Vân Kiểu ở đây, Thương lặng lẽ quỳ xuống vốc một nắm đất rừng trên đó bỏ vào túi nhỏ cất giữ cẩn thận, rồi lẩm bẩm gì đó trước khi theo bà Đêm ra về. Khi cửa rừng bắt đầu khép lại sau lưng, mọi người không ai bảo ai cùng quay lại nhìn vào hướng cây săng lẻ xa xa lần cuối cùng với những đôi mắt cay buồn!

Bà Trần Thị Luận (vợ) anh Vương Đình Nhỏ ôn lại những chiến tích hào hùng của chồng

Trong căn nhà cũ kỹ ở thôn Kim Thành, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), bà Trần Thị Luận - vợ anh Vương Đình Nhỏ tâm sự rằng, anh Vương Đình Nhỏ (SN 1925) quê quán ở xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) từng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Anh đã có vợ con ở quê, nhưng trong lúc anh ở chiến trường thì người vợ ở nhà đã quan hệ với một người khác nên sau một lần về thăm quê, anh, chị đã quyết định chia tay nhau. Trở lại đơn vị anh chỉ tập trung vào nhiệm vụ tại Tiểu đoàn công binh D57, Tỉnh đội Hà Tĩnh.

Cho đến tháng 1, năm 1967 tiểu đoàn D57 chuyển thành Tiểu đoàn Vượt sông 57, thuộc Ty giao thông Hà Tĩnh, anh Vương Đình Nhỏ tiếp tục được giao chỉ huy đội "cảm tử quân"gồm 12 người, chuyên rà phá bom mìn khắp các cung đường ác liệt nhất ở Hà Tĩnh. Đặc biệt, riêng năm 1968 tại "điểm nóng" Ngã ba Đồng Lộc, anh cùng đồng đội đã phá hủy được 1.398 quả bom các loại, riêng mình anh phá hủy được 500 quả. Đồng thời anh cũng là người trực tiếp chỉ huy đội cảm tử quân đào bới, tìm kiếm 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc tập kết đến nơi an toàn, giữa lúc máy bay Mỹ rít trên đầu.

Như một cơ duyên hồi ấy anh gặp chị Trần Thị Luận- nữ dân quân quê gốc ở Đồng Lộc. Mặc dầu anh lớn hơn chị 25 tuổi, người gầy và đen nhẻm như hòn than và đã có một đời vợ, nhưng tình thương và lòng cảm phục đức tính thật thà, lòng dũng cảm của anh đã giúp chị Luận vượt qua tất cả để trở nên vợ chồng. Đám cưới của họ được tổ chức vào năm 1969 ngay tại đơn vị. Và anh chị quyết định dựng nhà ngay sát ngã ba Đồng Lộc để tiện công việc.

Năm 1972, địch đánh phá trở lại, những trận bom dữ dội lại trút xuống Đồng Lộc, phà Linh Cảm, Khe Giao... Thời kỳ này chúng dùng nhiều loại vũ khí mới đánh vào các tọa độ ban đêm rất chính xác nên anh còn sáng chế ra mẹo nhử địch để xe ta qua, bằng cách dùng các tấm cót khoanh lại trên khu đồng Cơn Cừa, bên kia đồi cách ngã ba Đồng Lộc khoảng 200 mét, rồi dùng bình ắc quy ô tô nối 6 bóng đèn. Khi có máy bay Mỹ xuất hiện anh cho bật đèn sáng lên để địch nhầm đèn pha ô tô ném bom xuống. Nhiều lần vừa đấu điện xong chưa kịp chạy xa thì bom đạn vù tới khiến anh bị sức ép, vùi lấp, thương tích đầy người. Thời điểm đó chị Luận đã có với anh 2 người con. Ngồi trong căn hầm chữ A cách mấy trăm mét, nghe bom réo mà lòng chị cứ như lửa đốt.

Chiến tranh đi qua, Vương Đình Nhỏ chuyển về Đoạn quản lý đường bộ đóng cạnh nhà nhưng đồng lương quá thấp, trong lúc nuôi 6 đứa còn dại. Sau khi anh mất, gánh nặng gia đình càng ập đến với chị Luận. Một mình chị phải nai lưng cày cuốc, rồi sang Lào chặt cây trèo đòi về bán nuôi con. Các con chị đều phải lao động từ rất sớm nên chỉ duy nhất có út Vương Thị Thương được học hết phổ thông rồi đi học Trung cấp du lịch. Và em cũng được toại nguyện sau khi được nhận về làm hướng dẫn viên tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Còn 5 anh, chị của Thương không ai học hết lớp 7, hiện tại đều có hoàn cảnh rất khó khăn.

Thương cũng chính là người duy nhất trong gia đình được đi vào nghĩa địa Rừng Ma ở bản Kà Tăng tìm mộ cha, và em đã bí mật vốc một nắm đất trên phần mộ chung ấy mang về xây "mộ gió" cho cha ngay trong mảnh vườn nhà mẹ mình để tiện bề hương khói.

Công lao của anh Vương Đình Nhỏ mặc dù đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng LLVT Nhân dân vào năm 2005; được tặng thưởng 20 Huân huy chương các loại.

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/anh-hung-vuong-dinh-nho-hoa-thanh-bat-tu-trong-long-nguoi-van-kieu-o-ban-ka-tang-20210430100155369.htm