Anh hùng trong chiến đấu, gương sáng trong thời bình

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, biết bao người con Phú Thọ đã phát huy truyền thống yêu nước của quê hương Đất Tổ Vua Hùng, tình nguyện lên đường, hiến dâng tuổi thanh xuân để gìn giữ độc lập, tự do, toàn vẹn chủ quyền đất nước. Trong chiến đấu, họ anh dũng, kiên cường, không ngại gian khó, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, trong thời bình, những người anh hùng năm xưa - thế hệ cựu chiến binh hôm nay luôn phát huy phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ' đem hết nhiệt huyết, trí tuệ tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, trở thành tấm gương sáng cho con, cháu và thế hệ trẻ noi theo.

CCB Phạm Đình Long- bệnh binh 2/3 truyền lửa cho thế hệ trẻ qua những câu chuyện trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Người bắn cháy hai xe tăng địch

Tìm về khu 8, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông một ngày giữa tháng Bảy, trong ngôi nhà xây khang trang, chúng tôi được ông Phạm Đình Long- bệnh binh 2/3 say sưa kể lại những năm tháng chiến đấu hào hùng bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sinh năm 1955 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là bộ đội chống Pháp, anh trai cả là bộ đội chống Mỹ, ngay từ nhỏ chàng trai Phạm Đình Long đã được hun đúc lòng yêu nước và sự tự hào về gia đình. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, Nhà nước có lệnh tổng động viên, mặc dù khi đó đang là công nhân của Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao (nay là Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) song nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Phạm Đình Long đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Nhập ngũ, người chiến sĩ trẻ được biên chế vào Sư đoàn 411, Quân khu II, sau sáu tháng huấn luyện đạt loại giỏi, được cấp trên cử đi học các lớp nghiệp vụ, rồi về làm cán bộ quân lực, được kết nạp Đảng tại đơn vị năm 1983. Tiếp đó, ông Long được điều động tăng cường cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên, trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận ngã ba Thanh Thủy- nơi chiến trường vô cùng ác liệt.

Hồi tưởng lại ký ức chiến tranh như một cuốn phim quay chậm, ông Long cho biết: “Từ tháng 4/1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công xâm lược lấn chiếm biên giới Việt Nam. Ở khu vực biên giới huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), chiến sự xảy ra ác liệt ở xã Thanh Thủy, Minh Tân, Thanh Đức… Tôi được Quân khu II điều tăng cường cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên, sát cánh cùng quân chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương giữ từng tấc đất biên cương. Trong trận chiến đấu tại ngã ba Thanh Thủy, tôi đã xông lên bắn cháy hai xe tăng địch, góp phần cùng đơn vị lập chiến công bắn cháy bốn xe tăng, tiêu diệt hai tiểu đoàn địch, đẩy lùi bước tiến công của chúng, giữ vững trận địa phòng ngự. Đến năm 1989, do sức khỏe suy giảm 65%, tôi được ra quân và hưởng chế độ bệnh binh”. Với những thành tích oanh liệt trong chiến đấu, ông Phạm Đình Long được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì…

Sau xuất ngũ trở về quê hương, vượt qua khó khăn, ông vừa tham gia công tác ở xã, ở khu dân cư, vừa phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy bốn người con trưởng thành, kinh tế khá giả. Đến nay, tuổi đã cao nhưng ông Long vẫn luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của địa phương, đóng góp sức người, sức của làm đường giao thông, đường điện chiếu sáng… xây dựng nông thôn mới với mong muốn đưa quê hương ngày càng giàu, đẹp.

Bệnh binh Phùng Thị Chính luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương.

Nữ bệnh binh gương mẫu

Đó là nữ bệnh binh Phùng Thị Chính ở khu 9, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba. Khi vừa tròn 18 tuổi, cô gái trẻ Phùng Thị Chính xung phong lên đường nhập ngũ, là nữ công binh làm đường của Trung đoàn 566, Sư đoàn 344, Binh đoàn 12 (nay là Binh đoàn Trường Sơn). Tháng 5 năm 1982, trong một lần đang làm nhiệm vụ khai thác đá để làm đường, bất ngờ đá từ ta luy dương sạt xuống, đè vào người khiến nữ công binh Phùng Thị Chính bị mất đi một bên thận, vỡ xương ống chân, dò tủy xương chân phải.

Sau thời gian điều trị, phục hồi sức khỏe, cô được Trung đoàn tạo điều kiện cử đi học khóa đào tạo về y tá, y sĩ trong hơn hai năm, hoàn thành các khóa học, cô về công tác tại Bệnh xá 566. Với tinh thần trách nhiệm cao, cô đã cùng tập thể quân y tham gia điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội để các chiến sĩ sớm bình phục trở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Năm 1989, sau khi giám định thương tật là bệnh binh 1/3, thương binh 4/4, cô được nghỉ chế độ.

Trở về địa phương, cô xây dựng gia đình với thương binh Nguyễn Ngọc Khôi. Do đều là thương, bệnh binh nặng nên hai vợ chồng luôn thấu hiểu, chia sẻ, động viên nhau cùng vượt mọi khó khăn trong cuộc sống. Trái ngọt đến khi cô lần lượt sinh hai người con một gái, một trai khỏe mạnh nhưng trong một lần tái phát vết thương, chồng cô đã ra đi mãi mãi. Nén lại nỗi đau, cô luôn tự nhủ không được gục ngã, một tay lo liệu chu toàn mọi việc trong gia đình, thay chồng nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành.

Ngoài chăm lo cho gia đình, nữ thương binh, bệnh binh Phùng Thị Chính luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của địa phương cũng như các hoạt động của tổ chức Hội mà cô tham gia. Cô tích cực vận động hội viên, người dân địa phương thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi đua xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa. Cô cũng thường xuyên giúp đỡ các thương, bệnh binh nặng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, được đồng đội và người dân quý mến, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

CCB Nguyễn Chí Hạnh- thương binh tàn nhưng không phế.

Thương binh tàn nhưng không phế

Năm 1978 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Chí Hạnh (sinh năm 1960) ở khu 4, xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh đã lên đường nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí và đào hào tại biên giới phía Bắc. Trong khi làm nhiệm vụ ông Hạnh bị thương ở hai tay, sau đó được chuyển về điều trị tại các bệnh viện và khu điều dưỡng, đến năm 1984 trở về địa phương sinh sống, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Mặc dù đôi tay không còn lành lặn bởi chiến tranh, vết thương đau nhức mỗi khi trái gió trở trời song phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không ngại khó, ngại khổ, CCB Nguyễn Chí Hạnh- thương binh 1/4 đã cùng gia đình mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân. Thời gian đầu, cuộc sống rất khó khăn, để khắc phục, ông luôn trăn trở tìm hướng đi mới. Năm 2015, được sự động viên, khuyến khích của Hội CCB xã Liên Hoa và người thân, ông Hạnh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc, mở rộng kinh doanh nhiều loại hàng hóa. Đến nay, ông đã xây dựng được cửa hàng khang trang rộng rãi, tăng quy mô chăn nuôi lên trên 20 nái lợn, trồng hơn 100 gốc cây ăn quả các loại, thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/năm. Ông Hạnh chia sẻ: “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ thương, bệnh binh song không vì thế mà chúng tôi ỷ lại. Tôi luôn tâm niệm bản thân phải không ngừng cố gắng, tích cực tham gia lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu để góp phần đưa quê hương ngày càng phát triển”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hạnh còn luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ hội viên CCB phát triển kinh tế, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động của Hội CCB, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Ngoài ra, ông còn vận động được 13 hộ dân tham gia hiến đất mở rộng đường giao thông, góp phần tạo sức lan tỏa trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Các cựu chiến binh năm xưa, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có điểm chung đều là những tấm gương anh dũng trong chiến đấu, vượt khó trong thời bình để thế hệ trẻ học tập, noi theo. Dẫu rằng cuộc sống còn không ít khó khăn, thiếu thốn song mọi lúc, mọi nơi, phẩm chất của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/anh-hung-trong-chien-dau-guong-sang-trong-thoi-binh/185756.htm