Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Công Sửu - Vị tướng của trận mạc

Những ngày trung tuần tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp lên Xứ Lạng và được trò chuyện cùng Anh hùng LLVT nhân dân, Trung tướng Dương Công Sửu, (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28 Đặc công; nguyên Phó tư lệnh Quân khu 1). Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1973. Bên ấm trà mộc tỏa hương dịu ngọt, câu chuyện về một thời đạn bom, một thời hòa bình cứ hiển hiện trước mắt ông như một cuốn phim quay chậm.

Những chiến công hiển hách

Khi nói về mảnh đất Bắc Sơn đã sinh ra mình, Trung tướng Dương Công Sửu không khỏi tự hào về truyền thống cách mạng nơi đây. Bởi khởi nghĩa du kích Bắc Sơn trên quê hương ông, đã đặt viên gạch đầu tiên cho thời kỳ đấu tranh vũ trang của cách mạng Việt Nam, có tác động và ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng của cả nước.

Cụ thân sinh ra ông là lão thành cách mạng. Năm 1939 làm chủ nhiệm Việt Minh xã Bắc Sơn. Nhiều lần bị địch bắt. Truyền thống gia đình và phong trào cách mạng quê nhà đã thai nghén nên một ý chí quyết đoán, một tính cách gan dạ, một phẩm chất cách mạng kiên trung đó là Dương Công Sửu.

Ông lên đường nhập ngũ tháng 7 năm 1967. Khi được tuyên dương Anh hùng, ông đang là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 28 đặc công sư đoàn 7 thuộc Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tung hoành khắp các mặt trận ở chiến trường Nam Bộ và nước bạn Campuchia, ông đã tham gia chiến đấu và chỉ huy hàng trăm trận lớn nhỏ. Những trận đánh đã đi vào lịch sử như: Trận tập kích nam Suối Ngô ngày 29/4/1970; trận cầu sắt Bà Chiêm ngày 3/5/1970; trận phục kích chốt chặn Tây nam Suông (Lộc Ninh) ngày 28/3/1971; trận phục kích đánh xe cơ giới địch trên đường 13 nam Chơn Thành tháng 4/1972; trận tập kích cụm xe phía tây Cây Cầy (Bình Long) ngày 26/6/1972 và trận Lai Khê ngày 11/8/1972…

Với Trung tướng Dương Công Sửu, những năm tháng binh nghiệp là những năm tháng đáng nhớ nhất. Cái thời mà ông ra trận sao đơn giản đến vậy. Trái tim ông đã hòa trong dòng chảy cách mạng và nghiệp nhà binh đã cuốn ông trong khói lửa chiến tranh, tôi luyện nên một trí tuệ anh hùng.

Trung tướng Dương Công Sửu (thứ 3 từ trái sang) cùng các cựu chiến binh họ Dương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Ông bảo, lúc ra trận, ông cũng như những người đồng đội của mình đâu có nghĩ: Ra đi là trở thành anh hùng, thành tướng lĩnh; tất cả chỉ kiên định với mục tiêu phía trước là giải phóng đất nước, quét sạch quân thù.

Nhớ lại trận phục kích chốt chặn Tây Nam Suông ngày 28/3/1971, khi đơn vị ông nhận nhiệm vụ phải chặn đứng quân địch tại chỗ, không cho viện binh của địch từ hướng đông chạy lên giải tỏa, không cho địch thua trận từ hướng tây tháo chạy.Do nhiệm vụ gấp, phải chiếm lĩnh trận địa trước sáng ngày 28/3, đường từ đơn vị tới vị trí trận địa thường phải đi mất 2 ngày 3 đêm.

Khắc phục khó khăn, vừa đi vừa chạy hàng tiếng đồng hồ, sau 2 ngày 2 đêm, đơn vị đã đến vị trí triển khai công sự. Lần đầu tiên làm nhiệm vụ phục kích chốt chặn mà trận địa rất trống trải, xung quanh toàn đồng ruộng nên bộ đội rất lo lắng. Vừa đào công sự, ông cùng đồng chí chính trị viên vừa động viên bộ đội. Đúng lúc đó, pháo ở các hướng bắn dồn dập vào trận địa, khi pháo ngừng bắn, địch cho xe tăng kết hợp bộ binh tràn qua trận địa. Ông cùng bộ đội nổ súng, ngay phút đầu 3 xe địch bốc cháy, đội hình địch rối loạn bị ùn lại.

Trận địa lúc này bị lộ, địch tập trung pháo nhiều hơn rồi lại cho bộ binh và cơ giới tiến lên nhưng đều bị ta đánh bật ra. Sau 2 đợt tiến công mà không chọc thủng được trận địa, địch cho máy bay ném bom ác liệt vào trận địa. Ông lệnh cho đồng đội dãn đội hình, lợi dụng các rãnh đường để tránh sát thương. Khi máy bay dừng ném bom lại nhanh chóng trở về công sự sẵn sàng đánh bộ binh địch. Không sợ nguy hiểm, ông vượt qua làn đạn địch đến từng hầm bang cho thương binh, động viên bộ đội và bố trị lại trận địa. Lần thứ 3, bộ binh và cơ giới địch xông lên nhưng vẫn bị đánh bật ra, không chọc thủng được trận địa, phải rút ra xa co cụm lại.

Khi ông tổ chức cho đơn vị đưa thương binh về, sắp vượt qua lộ 7 thì địch phát hiện, chúng cho máy bay đánh chặn đường. Ông cùng đồng chí Vọng chạy vòng sang hướng khác, bắn AK để thu hút hỏa lực địch cho đồng đội rút lui an toàn. Đồng chí Vọng bị thương nặng nói: “anh đã mệt cứ để em ở đây, cho đơn vị ra đón sau” nhưng ông bảo: “không thể để Vọng ở đây được, dù hi sinh tôi cũng phải đưa Vọng về”. Và 2 người về đến đơn vị an toàn”.

Qua 1 ngày chiến đấu ác liệt cùng đại đội 11, đơn vị đã diệt 50 tên địch, bắn cháy 5 xe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có giá trị chiến thuật cấp chiến dịch, ngụy trang cho đội hình lớn đánh địch. Đơn vị và ông được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba.

Sau chiến thắng ở Tây Nam Suông năm 1971, Tiểu đoàn 28 được giao nhiệm vụ tổ chức bộ phận đánh nhỏ lẻ trên đường 13 nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực và phương tiện chiến tranh địch, góp phần ngăn chặn địch chi viện tiếp tế lên phía Chơn Thành. Ông được phân công tổ chức 15 đồng chí có 5 khẩu B40 tìm địch để đánh. Nghiên cứu nắm được hoạt động của địch, ông lợi dụng chốt cũ của địch cách đường 10 mét bố trí trận địa phục kích.

Đúng 19h, 1 chiếc xe Zip đi từ hướng nam lên lọt vào trận địa. Ông cho chiến sĩ mang B40 diệt ngay, rồi dẫn bộ đội xung phong lên mặt đường thu bắt tù binh. Sau đó lại tổ chức cho bộ đội nằm ở hai bên rìa đường. Cứ xe địch lọt trận địa là tấn công. Hết xe, đơn vị thu dọn chiến trường rồi rút lui. Lúc địch ở phía Chơn Thành phát hiện ta đánh, chúng bắn pháo vào trận địa nhưng toàn đơn vị đã về vị trí an toàn. Kết quả ông và đồng đội đã phá hủy 3 xe (có 1 xe zip), diệt 40 tên (có 1 thiếu tá), bắt 6 tù binh, thu 4 khẩu súng AR15.

Thời gian cứ trôi theo quy luật của đất trời, mới đấy mà đã hơn 50 năm kể từ ngày chàng thanh niên dân tộc Tày lên đường nhập ngũ. Mong muốn được tòng quân theo những đoàn quân nam tiến xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước như một mệnh lệnh trái tim. Sức sống trái tim tuổi 17 năm ấy như muốn bật tung khỏi lồng ngực. Từ bão táp cách mạng đã thai nghén ra một nhân cách lớn, một người anh hùng. Tướng quân Dương Công Sửu sinh ra để mà vạch chiến thuật, để mà tiến công, để đánh những đòn tiêu diệt trong những tình huống hiểm nghèo nhất.

Năm 1969 bị một mảnh đạn găm vào gót chân trong một trận đánh, ông được chuyển về bệnh viện hậu cứ. Ông tâm sự, lúc chiến đấu, chưa một lần nao núng tinh thần, chưa một lần nhớ nhà. Thế mà nằm viện, nỗi nhớ quê nhà, bỗng ập đến cồn cào, đau đáu. Khi còn ở nhà, mẹ ông vốn hay đau bệnh nên sau một thời gian dài đi chiến đấu, ông đã từng nghĩ rằng mẹ mất rồi. Vậy nên, trong những lá thư gửi về hậu phương, ông không hề nhắc đến mẹ.

Những kỳ tích vẫn thường xảy đến trong chiến tranh, và số phận ông luôn may mắn có được những kỳ tích ấy. Sau khi ông nhập ngũ một năm, người anh trai nơi quê nhà cũng lên đường tòng quân. Giữa miền Đông Nam Bộ trùng trùng điệp điệp quân đi, 2 anh em gặp nhau tay mắt, mặt mừng trong giây lát, rồi ông lại phải chia tay để kịp về đơn vị tiếp tục chiến đấu…

Người lính trở về

Sau ngày giải phóng, Dương Công Sửu nhận quyết định về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn. Trở lại quê hương sau những năm tháng chiến chinh gian khổ, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của người con kiên trung ấy lại có dịp tỏa sáng trong công cuộc kiến thiết, dựng xây quê hương, đất nước.

Từ năm 1990 đến năm 1999, ông được giao trọng trách Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn. Nhận nhiệm vụ đảm bảo phòng thủ biên giới trong bối cảnh căng thẳng chiến sự khu vực biên giới. Cũng trong năm 1990, Trung Quốc mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang dự Đại hội Thể thao châu Á. Ônh chỉ đạo đơn vị dò gỡ mìn ở khu vực biên giới, mở đường lên cửa khẩu Hữu Nghị để đưa Đại tướng qua. Kinh nghiệm trận mạc đã giúp ông chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Quốc phòng ghi nhận và đánh giá cao.

Năm 2000 đến năm 2010, ông vinh dự được cấp trên điều động giữ chức vụ Phó tư lệnh Quân khu 1. Nhận nhiệm vụ mới, tên tuổi ông gắn với những ngày đầu khởi công xây dựng dự án đường tuần tra biên giới. Ông luôn khắc khoải mong ước thắp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ. Chỉ đạo công tác quốc phòng toàn dân và giáo dục quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng toàn dân...

Có thể nói, chân mệnh ông sinh ra là tướng, nhưng bên trong ông lại mang những tính cách rất lính: thủy chung, đơn giản như hạt lúa, củ khoai, đầy ắp tình người. Ông bảo, thời trai trẻ ra đi để giành lấy độc lập tự do cho đất nước và lúc cuối đời được sống bình an, hạnh phúc bên người bạn đời của mình, dường như đó là món quà của nhân quả.

Nhớ lại cái thời mà cả tiền tuyến, hậu phương đều gạt đi những giọt nước mắt riêng tư, chờ đợi giấc mơ hồi sinh đầy ước vọng về một lý tưởng chung là độc lập, thống nhất nước nhà, với người bạn đời của ông là những xúc cảm không thể nào quên.

Chưa từng nao núng trước cái chết, quyết đoán, mưu lược, vượt qua mọi nguyên tắc chuẩn mực về chiến thuật, ông chỉ tin thực tiễn là thước đo chính xác cho từng trận đánh. Lập nên bao chiến công khắp chiến trường Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, ông là một vị tướng của trận mạc, là nốt nhạc son trong bản hùng ca của Quân đội nhân dân Việt Nam; thế nhưng sau hơn 40 năm trong quân ngũ với những chặng đường vào sinh ra tử, trở về đời thường, ông vẫn ngân lên những giai điệu bình dị của một nhân cách lớn về đạo đức cách mạng của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới./.

Khương Doãn (Quân khu 1)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/van-hoa/anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-duong-cong-suu-vi-tuong-cua-tran-mac-284652-98.html