Ảnh cá sấu cha cõng đàn con gây ấn tượng

Bức ảnh 'Father's Pride' (tạm dịch: Niềm tự hào của cá sấu cha) đang gây nhiều chú ý tại cuộc thi Ảnh Động vật Hoang dã của năm (WPY).

Người xem phải quan sát kỹ mới nhận ra bức ảnh này chụp hàng trăm con cá sấu con đang bám vào lưng của một con cá sấu lớn, theo BBC.

Bức ảnh “Father’s Pride” (tạm dịch: Niềm tự hào của cá sấu cha) đang gây chú ý tại cuộc thi Ảnh Động vật Hoang dã của năm (WPY). Ảnh: BBC.

Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Dritman Mukherjee đã kịp ghi lại khoảnh khắc này tại Khu bảo tồn Quốc gia Champal ở Ấn Độ. Tác phẩm của Mukherjee được đánh giá cao trong cuộc thi Ảnh Động vật Hoang dã của năm (WPY). Trong ảnh là hàng trăm con cá sấu Ấn Độ, có tên khoa học là Gavialis gangeticus.

Chuyên gia Patrick Campbell tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London là người phụ trách cuộc thi WPY. Ông Campbell cho biết: “Cá sấu thường ngậm các con của mình ở trong miệng. Song cấu trúc vòm họng lớn không cho phép cá sấu Ấn Độ làm điều này. Do đó, những con non phải bám vào lưng cá sấu lớn”.

“Con cá sấu đực này đã giao phối cùng nhiều con cái và khá gần gũi với con non của mình”, nhiếp ảnh gia Dritman Mukherjee giải thích với BBC.

Một góc nhìn khác của cảnh tượng cá sấu cha và đàn con do nhiếp ảnh gia Dhritiman Mukherjee ghi hình lại. Ảnh: BBC.

“Loài cá sấu này thường khá nhút nhát so với cá sấu nước mặn và cá sấu đầm lầy. Song chúng có thể phòng thủ gay gắt. Nếu tôi đến gần, nó có thể rất hung hãn”.

Cá sấu Ấn Độ đã được xếp vào danh sách các loài động vật bị đe dọa nghiêm trọng. Khu vực Nam Á từng có khoảng 20.000 con cá sấu Ấn Độ. Đến nay, số cá thể trưởng thành chỉ còn 1.000 con với phần lớn tập trung tại Khu bảo tồn Uttar Pradesh.

Nhiếp ảnh gia Dritman Mukherjee hy vọng bức ảnh có thể truyền tải thông điệp bảo vệ động vật hoang dã tới nhiều người.

Những người đoạt giải của cuộc thi WPY năm nay sẽ được công bố vào ngày 13/10. Vì đại dịch Covid-19, lễ trao giải sẽ được tổ chức trực tuyến.

Cá sấu bất động dưới nước hàng giờ dụ con mồi vào miệng Cá sấu không thể đuổi bắt được cá dưới nước bởi tốc độ bơi của nó khá chậm. Vì thế, nó phải dùng tới một cách khác không kém phần hiệu quả: nằm im và chờ đợi.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-ca-sau-cha-cong-dan-con-gay-an-tuong-post1127199.html