Ẩn họa chợ ''cóc'' quanh khu công nghiệp

Chợ 'cóc', chợ tự phát gần các khu công nghiệp và chế xuất ở Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đi lại thuận tiện, tránh tai nạn giao thông đáng tiếc, bảo đảm vệ sinh thực phẩm cho công nhân, người lao động, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Lực lượng chức năng xã Hải Bối (huyện Đông Anh) giải tỏa hàng quán lấn chiếm hè đường tại thôn Cổ Điển.

Tiện lợi nhưng... nguy hiểm

17h ngày 3-12, khi các phương tiện ô tô, xe máy lao vun vút trên trục đường quốc lộ 6, đoạn gần Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), thì nhiều công nhân vội vã dừng xe, thậm chí đi ngược chiều để mua thức ăn ở chợ "cóc" bên lề đường. Người mua không cần hỏi nguồn gốc xuất xứ, người bán vô tư dùng tay không bán hàng. Nhiều quầy bán thức ăn chín như thịt quay, giò, chả... không được che đậy vẫn bán cho khách. Chị Lê Thị Tâm, công nhân Công ty TNHH Thời trang Star chia sẻ: "Biết hàng hóa chưa được đăng ký an toàn thực phẩm, mua hàng lề đường tiềm ẩn nguy hiểm về an toàn giao thông nhưng vì tiện lợi nên tôi mới mua".

Tại tuyến đường nối từ thôn Cổ Điển, xã Hải Bối (huyện Đông Anh) hướng về chân cầu Thăng Long là hàng chục quầy, mẹt hàng bày bán thực phẩm, hàng thiết yếu cho công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Các loại cá, tôm, chim, gà... được giết mổ ngay tại chỗ, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Chiều tối, công nhân tan ca ùa vào mua hàng khiến quang cảnh trở nên lộn xộn, tắc đường.

Tương tự, sau 17h hằng ngày, các công nhân tại Cụm công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai) tỏa về nhà, ra chợ tự phát ở lề đường xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) mua đồ ăn, thức uống. Các phương tiện qua đây gặp khó khăn vì hàng chục công nhân dừng, đỗ xe lộn xộn để mua thực phẩm. Đoạn xung quanh Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), Khu công nghiệp Quốc Oai - Thạch Thất... cũng hình thành những chợ tự phát.

Thực phẩm tại chợ "cóc", chợ tự phát khá rẻ, lại tiện lợi nên thu hút được lượng lớn công nhân đến mua. Nguyên nhân khác, theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối (huyện Đông Anh) Trịnh Minh Huân, các chợ chính trong khu vực còn thiếu, xuống cấp nên hình thành những điểm bán hàng tự phát để phục vụ công nhân. Những chợ này khó kiểm soát an toàn thực phẩm, giao thông và gây mất mỹ quan đô thị.

Chợ tự phát hoạt động tại xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai).

Cần những giải pháp đồng bộ

Để giải quyết tình trạng chợ "cóc", chợ tự phát, ông Trịnh Minh Huân cho biết, bên cạnh việc yêu cầu lực lượng công an tuần tra 4 lần/ngày tại điểm bán hàng tự phát ở thôn Cổ Điển, UBND xã đề xuất UBND huyện Đông Anh sớm nghiên cứu vị trí xây dựng chợ để các tiểu thương có chỗ buôn bán cố định. Còn theo Chủ tịch UBND xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thành Nam, UBND huyện đã có chủ trương đầu tư, cải tạo chợ Bích Hòa, sau đó sẽ yêu cầu các hộ kinh doanh tại chợ tạm vào bán hàng tại đây, đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và bảo đảm an toàn giao thông khu vực.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Trần Đình Ngọc, xung quanh Khu công nghiệp Thăng Long tồn tại 4 chợ dân sinh tự phát tại thôn Cổ Điển (xã Hải Bối); thôn Đại Đồng (xã Đại Mạch); thôn Bầu (xã Kim Chung); thôn Sáp Mai (xã Võng La). UBND huyện đã yêu cầu UBND 4 xã kiên quyết giải tỏa, xóa bỏ các chợ tự phát nêu trên. Trong khi chưa giải tỏa được, các đơn vị chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm chợ này.

"Về lâu dài, UBND huyện sẽ bố trí đủ mạng lưới các chợ phù hợp quy hoạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, văn minh thương mại, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân", ông Trần Đình Ngọc cho hay.

Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Cường, hiện huyện đang kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát nhu cầu mua, bán tại các chợ trên địa bàn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo khu bán nông sản, thực phẩm. Sau đó, sẽ quy tụ các hộ kinh doanh ngoài chợ tự phát vào bán tại các chợ chính, hạn chế và dần chấm dứt việc bán hàng ở lòng, lề đường quốc lộ 6.

Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cũng cho biết, ngoài việc có văn bản chỉ đạo công đoàn cơ sở tuyên truyền công nhân tìm mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm sức khỏe, đơn vị cũng đẩy mạnh Chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn". Theo đó, đã ký cam kết với 9 doanh nghiệp bán hàng giảm giá cho công nhân, trong đó có một doanh nghiệp cam kết giảm giá thực phẩm, vận chuyển hàng tận nơi và có chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng với đó, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã kiến nghị UBND thành phố có văn bản yêu cầu UBND các huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải tỏa, chống lấn chiếm lề đường làm chợ "cóc", chợ tạm, bán hàng rong trên địa bàn. Đặc biệt là sớm giải quyết những nguy cơ tiềm ẩn rình rập công nhân và người dân khi mua bán tại các chợ "cóc", chợ tự phát gần khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/985535/an-hoa-cho-coc-quanh-khu-cong-nghiep