An Giang quyết tâm chữa cháy, bảo vệ rừng

Đặc thù rừng đồi núi ở vùng Bảy Núi - An Giang có nhiều đồi dốc cao, khô hạn, thiếu nước. Do là vùng căn cứ địa thời kỳ kháng chiến, nên bom, mìn, vỏ đạn còn sót lại khá nhiều ở các cánh rừng. Khi xảy ra cháy, ngoài điều kiện tiếp cận đám cháy khó khăn do đồi núi dốc, vũ khí sót lại còn gây nổ, nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ, đòi hỏi công tác chữa cháy phải kiên trì, thận trọng.

Vất vả chữa cháy

Do thời tiết nắng nóng, hanh khô, nên thời gian qua, ở khu vực núi Tô và cặp chân núi Dài (huyện Tri Tôn) đã xuất hiện một số vụ cháy rừng nguy hiểm. Mỗi khu vực cháy đều có những khó khăn khác nhau, khiến công tác chữa cháy rất vất vả.

Điển hình như vụ cháy tại khu vực đồi 400 trên núi Dài (thuộc ấp An Thành, xã Lương Phi), được phát hiện vào chiều 24/4/2024. Khu vực cháy có địa hình dốc, đá lớn, lò ảng, trong đám cháy có nhiều tiếng nổ đầu đạn..., khiến lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận. Sáng 25/4, lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự, dân quân cùng chính quyền địa phương khống chế được đám cháy, nhưng đến trưa cùng ngày, lại xuất hiện nhiều tiếng nổ đầu đạn, lực lượng không dám tiếp cận chữa ngún, đành rút quân theo dõi.

Công tác chỉ đạo chữa cháy được An Giang đặc biệt quan tâm

Thượng tá Nguyễn Văn Tính, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn cho biết, điều kiện khô hanh kèm gió lớn, khiến một số điểm cháy khu vực đồi 400 bùng phát trở lại, kèm theo tiếng đạn nổ, lực lượng chữa cháy, cùng người dân tiếp tục theo dõi. Trước diễn biến phức tạp, các lực lượng dùng máy thổi chuyên dùng và máy sạ lúa mở rộng đường băng đón đầu đám cháy từ trên đồi 400 xuống, dùng máy phun nước tưới ướt đường băng, ngăn không cho lửa cháy vượt qua đường băng xuống khu dân cư ấp An Thành.

Phải đến hơn 22 giờ, tối 26/4, đám cháy mới được khống chế, không còn ảnh hưởng đến khu dân cư, nhưng các khu vực hốc đá, lò ảng, lửa vẫn còn cháy âm ỉ. Đến ngày 27/4, các lực lượng triển khai chữa ngún, đám cháy mới được xử lý hoàn toàn. Tính chung, chỉ riêng vụ cháy trên đồi 400, có 222 người tham gia chữa cháy (tăng cường từ tỉnh đến huyện, xã Lương Phi và thị trấn Ba Chúc), huy động 10 xe bán tải, 5 xe chở bồn nước, 5 xe tải chở dụng cụ, máy móc, trên 100 xe gắn máy, 3 máy thổi gió, 40 máy chữa cháy đeo vai, 1 máy chữa cháy đồi núi, 673 cal nước..., nhưng phải mất đến 4 ngày để dập tắt đám cháy.

Tăng cường trách nhiệm

Với vụ cháy rừng tại khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Tô (thuộc ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), điều kiện chữa cháy cũng vất vả không kém. Vụ cháy được phát hiện từ 10 giờ, ngày 26/4/2024, vị trí cháy là khu vực dốc cao, đá lớn, nhiều lò ảng, đá nổ và rơi từ trên cao xuống. Do không thể tiếp cận đám cháy, nên Ban Chỉ huy Quân sự 2 xã Núi Tô, Ô Lâm, cùng lực lượng kiểm lâm, công an tổ chức quan sát, theo dõi trong đêm.

Ngày 27/4, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ và người dân được huy động tham gia chữa cháy rừng. Với sự chỉ huy trực tiếp của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm và Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám, các phương tiện tại chỗ tốt nhất được huy động, đám cháy được cơ bản khoanh vùng, khống chế.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang (bìa phải) chỉ đạo chữa cháy ngày 27/4/2024

Trưa 27/4, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác chữa cháy rừng ở huyện Tri Tôn. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm... Được sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tập trung huy động lực lượng, phương tiện dập tắt đám cháy, không để lan rộng.

Do điều kiện gió mạnh, khu vực đồi núi cao, vách đá dựng đứng, trong nhiều lò ảng vẫn còn cháy âm ỉ. Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám cho biết, tối 27/4, khu vực Kẹt Càng Đước vẫn còn một số điểm cháy nhỏ, sau đó lan sang khu vực núi lân cận thuộc xã An Tức, Ô Lâm.

Lãnh đạo huyện Tri Tôn chỉ đạo chữa cháy sáng 28/4/2024

Từ 5 giờ, sáng 28/4, huyện Tri Tôn đã huy động lực lượng, hiệp đồng chữa cháy với 382 người tham gia. Trong đó, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm và Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám trực tiếp chỉ huy, cùng khoảng 20 cán bộ lãnh đạo, công chức và đoàn thể huyện; Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang huy động 30 người; 20 chiến sĩ cảnh sát cơ động; Phòng Cánh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh An Giang cử 12 cán bộ, chiến sĩ; Đội 511 Châu Đốc tham gia 27 chiến sĩ; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang tiếp viện 60 cán bộ, chiến sĩ; Công an huyện Tri Tôn 34 cán bộ, chiến sĩ; Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn 15 đồng chí; lực lượng cảnh sát cơ động của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ (đang thực hiện dã ngoại đóng quân trên địa bàn xã Núi Tô) cử 20 chiến sĩ tham gia; xã Núi Tô 40 đồng chí (cán bộ, công chức, dân quân, nhân dân...), xã An Tức 30 đồng chí, xã Ô Lâm 74 đồng chí...

Các lực lượng sử dụng máy chữa cháy đeo vai, máy bơm nước đồi núi, cal nước... tiếp cận đám cháy; Ban Chỉ huy chữa cháy tiếp tục huy động 4 dụng cụ bay không người lái (drone) phun nước tại những khu vực vách đá, lò ảng. Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cáy sử dụng 2 xe chữa cháy chuyên nghiệp, 1 xe chở thiết bị hậu cần, 1 máy bơm công suất lớn, cùng 18 cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ. Để đảm bảo hậu cần, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tri Tôn huy động phụ nữ các xã Núi Tô, An Tức, Ô Lâm, nhà hảo tâm hỗ trợ nước uống, bánh ngọt, cơm..., để cung cấp cho lực lượng chữa cháy.

“Lãnh đạo huyện đã hạ quyết tâm chỉ đạo các lực lượng hoàn thành công tác chửa cháy ngay trong ngày hôm nay (28/4), đảm bảo dập tắt ngọn lửa, không để cháy lan, đảm bảo tuyệt đối an toàn người và dụng cụ tham gia chữa cháy” - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám nhấn mạnh.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh

Ngày 28/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh An Giang đã ban hành Công văn yêu cầu Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường và thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh An Giang.

Theo đó, hiện nay, thời tiết nắng nóng, khô hanh tiếp tục kéo dài làm cho cây khô héo, rụng lá, lớp thực bì tăng dầy, cùng với việc bất cẩn trong việc sử dụng lửa đã xảy ra đám cháy lớn tại khu vực núi Tô và núi Dài của huyện Tri Tôn trong những ngày qua. Nhằm tránh các trường hợp đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra, Sở NN&PTNT, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại Công văn 263/UBND-KTN, ngày 8/3/2024 về tăng cường công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh; Công văn 422/UBND-KTN, ngày 8/4/2024 về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR.

Công tác chữa cháy rừng được triển khai khẩn trương

Trong đó, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Các ngành, địa phương có phương án cụ thể, chỉ tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.

Các ngành, địa phương bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCCCR. Đồng thời, có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Một điểm cháy được dập tắt

Ngành chức năng thường xuyên theo dõi diễn biến rừng, theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, dự báo và cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các tổ chức, đơn vị và cá nhân được giao nhiệm vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCCR.

Các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân; nghiêm cấm các hoạt động dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-quyet-tam-chua-chay-bao-ve-rung-a394154.html