Ai là người được ra y lệnh trong vụ chạy thận làm 9 người tử vong tại Hòa Bình?

Tại phiên xét xử chiều 21/1, vụ án chạy thận nhân tạo khiến 9 người tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, một số nữ điều dưỡng và BS cho rằng tại Đơn nguyên thận nhân tạo chỉ có cựu BS Hoàng Công Lương được quyền ra y lệnh.

Tiếp tục diễn biến phiên xét xử vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình khiến 9 người tử vong vào tháng 5/2017, chiều 21/1, điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng và bác sỹ Phạm Thị Huyền (BVĐK tỉnh Hòa Bình) được triệu tập đến tòa tham gia phần xét hỏi.

Trình bày tại tòa, điều dưỡng Hằng cho biết hôm xảy ra sự cố (29/5/2017), 3 bác sĩ của Đơn nguyên thận gồm Hoàng Công Lương, Phạm Thị Huyền và Nguyễn Hoàng Linh đều có mặt.

Sau khi điều dưỡng Đỗ Thị Điệp báo đã sửa xong máy, bác sĩ cho chỉ định nên các điều dưỡng đã cho chạy máy, không cần báo cáo trưởng khoa hay phó giám đốc phụ trách là Hoàng Đình Khiếu.

Cựu BS Hoàng Công Lương tham gia phiên tòa (ảnh tư liệu)

Theo điều dưỡng viên này thì các điều dưỡng trong Đơn nguyên thận đều có trách nhiệm ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng thiết bị y tế tại đây.

Bà Hằng nói, trong Đơn nguyên thận nhân tạo thì cựu BS Lương là người có trách nhiệm cao nhất.

Đến lượt BS Huyền nói cũng khẳng định tại Đơn nguyên thận chỉ có duy nhất Lương được quyền ra y lệnh.

BS Huyền cho hay bản thân mới chỉ có chứng chỉ hành nghề và lý giải, Hoàng Công Lương có đủ 2 điều kiện để ra y lệnh, gồm chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ đào tạo kỹ thuật lọc máu.

Bà Huyền nói thêm nếu Hoàng Công Lương đi vắng thì ủy quyền cho BS khác, nhưng chỉ bằng miệng.

Khi luật sư hỏi “Chị cho biết ai được quyền và khi nào được ra y lệnh bằng miệng?" thì BS Huyền trả lời là khi nào lãnh đạo Khoa Hồi sức và bác sĩ Lương cho phép, họ mới được ra y lệnh.

Trước những lời khai này, luật sư bảo vệ cho Hoàng Công Lương đã đề nghị thân chủ của mình tham gia phần xét hỏi.

Trả lời câu hỏi "Có khi nào bị cáo ủy quyền cho bác sĩ ở Đơn nguyên thận ra y lệnh?", Lương khẳng định, anh ta không có quyền được ủy quyền như thế.

Lương nói tiếp nếu mình đi vắng, bác sĩ khác chỉ cần có chứng chỉ hành nghề là được quyền ra y lệnh lọc máu chạy thận.

Khi luật sư Quynh dẫn lời khai của điều dưỡng Huyền, rằng chỉ có bác sĩ Lương mới có quyền ra y lệnh thì ngay lập tức Hoàng Công Lương phản bác, đồng thời quả quyết rằng bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đều được ra y lệnh.

Tiếp đó, luật sư Quynh cho biết, ông thu thập được tài liệu thể hiện, tháng 7 đến 11/3/2016, Hoàng Công Lương đang đi học.

Ông nói "Trong hồ sơ vụ án cũng như cáo trạng không có. Tài liệu này còn thể hiện ai có quyền ra y lệnh trong khoảng thời gian đó". HĐXX đã đề nghị luật sư cung cấp tài liệu này cho tòa.

Thanh Sơn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/ai-la-nguoi-duoc-ra-y-lenh-trong-vu-chay-than-lam-9-nguoi-tu-vong-tai-hoa-binh-20190121170357536.htm