Ai cũng tiếc thương người cán bộ lãnh đạo sống chân chất, gần dân

Đó là chia sẻ của của một người hàng xóm sống canh nhà ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phòng Điền (Thừa Thiên Huế) - người vừa hy sinh ở Trạm kiểm lâm 67 trong lúc làm nhiệm vụ cứu dân.

Chiều 11/10, ông Nguyễn Văn Bình (người hàng đầu bên phải) cùng đoàn công tác tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa hàng cứu trợ đến với nhân dân huyện Phong Điền. Ảnh: VGP

Ngày 17/10, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế trời tiếp tục đổ mưa, nước sông Bồ dâng cao cuồn cuộn chảy. Con đường đến nhà ông Nguyễn Văn Bình (42 tuổi; số 75 Sông Bồ, Tứ Hạ, thị xã Hương Trà), Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, vẫn còn lấm lem bùn đất vì cơn lũ vừa qua.

Đông đảo người thân, hàng xóm, đồng nghiệp đến chia buồn với gia đình ông Nguyễn Văn Bình, người vừa hy sinh cùng 12 người nữa tại Trạm kiểm lâm 67.

Căn nhà gia đình ông chỉ 3 gian đơn giản, cũ kỹ. Hàng tre ven sông đổ rạp là dấu tích trận mưa lũ vừa rồi. Nhiều người dân không khỏi bùi ngùi, xúc động…

Một tuần trước, nước lũ dâng tứ bề ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhà ông Bình cũng bị lũ tràn vào nửa mét, vệt nước còn hằn trên bờ tường. Đồ dùng trong nhà chưa kịp kê cao, ông Bình ăn vội bữa cơm, gác lại chuyện gia đình, lên đường làm nhiệm vụ, ứng cứu người dân trong lũ.

Mẹ ông Bình bấy giờ điều trị bệnh xương khớp ở Bệnh viện Trung ương Huế, được nghe báo lại con trai duy nhất đi trực mưa lũ và bà cũng không thể ngờ đó là chuyến công tác cuối cùng của con trai mình.

Trưa 12/10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng đoàn Bộ tư lệnh Quân khu 4 tiến vào rừng sâu để xác minh thông tin nhiều công nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp. Là Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Bình đã cùng đoàn cứu hộ cứu nạn Quân khu 4 vào thủy điện Rào Trăng 3 và đoàn công tác gặp nạn khi nghỉ đêm tại Trạm kiểm lâm 67.

Một ngày trước khi gặp nạn, ông Bình với chiếc mũ cối, áo mưa vẫn dẫn đoàn Bộ Tư lệnh Quân khu 4 về vùng lũ ở các xã Phong Mỹ, Phong Hiền... để ứng cứu dân gặp mưa lũ…

Sáng sớm 16/10, ông Trịnh Đức Hùng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền có mặt tại Bệnh viện Quân y 268 với ước muốn được nhìn người đồng nghiệp của mình một lần trước khi khâm liệm.

"Bình rất tuyệt vời, tác phong rất gần dân, làm việc chu đáo nên ai cũng quý. Trong đợt dịch COVID-19, anh ấy thường xuyên ở lại cơ quan để phụ trách lo điều phối anh em chống dịch" ông Hùng ngậm ngùi chia sẻ.

Trong ký ức của ông Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền là một cán bộ trẻ năng động, phẩm chất đạo đức tốt. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh loại giỏi, ông Bình về huyện nhà công tác.

Sau đó, ông kinh qua nhiều vị trí như: Phó Ban đầu tư huyện Phong Điền, Bí thư Đảng ủy xã Phong An, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách mảng văn hóa, rồi sau chuyển sang làm Phó Chủ tịch huyện phụ trách mảng kinh tế.

Ngày 1/9, vừa rồi, ông Bình được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện thay ông Trịnh Đức Hùng…

Ở cạnh nhà vị Chủ tịch huyện, ông Nguyễn Xuân Đức (65 tuổi) bần thần nói: "Làm cán bộ lãnh đạo huyện mà ông Bình sống chân chất, gần dân. Tiếc thương, đau đớn lắm!".

Ông Nguyễn Xuân Đức kể rằng ông Bình sống tình cảm với bà con, lối xóm. Xóm giềng khi hay tin ông Bình gặp nạn ở trạm kiểm lâm 67 ai cũng sốc và cầu mong phép màu sẽ đến với ông Bình và đoàn cứu nạn…

Nhiều đồng chí, đồng nghiệp tại huyện Phong Điền nói ông Bình là một người năng nổ, hoạt bát, luôn đi đầu trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sự ra đi của ông Bình là một mất mát lớn của Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Phong Điền.

Ngày mai (18/10), sau lễ truy điệu tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268, linh cữu ông Nguyễn Văn Bình sẽ được đưa về quê nhà để bà con người địa phương, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đến thắp nén tâm nhang tiễn đưa người bạn, người đồng chí, vị Chủ tịch huyện giản dị của mình về Đất Mẹ.

Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/ai-cung-tiec-thuong-nguoi-can-bo-lanh-dao-song-chan-chat-gan-dan/410998.vgp