7 sự thật thú vị và ngạc nhiên về vùng Cực Bắc của Nga

Về mặt địa lý, hoàn toàn không phải tất cả những vùng lãnh thổ lạnh giá của Nga đều nằm ở phía Bắc. Tuy nhiên, do đặc điểm về mặt cảnh quan, nhiều vùng có khí hậu khắc nghiệt cũng được đưa vào vùng Cực Bắc của nước này.

1. Vùng Cực Bắc chiếm 2/3 lãnh thổ nước Nga

Màu xanh dương là vùng Cực Bắc nước Nga, còn màu xanh lam là những khu vực tương đương với vùng Cực Bắc. Ảnh: Hellerick (CC BY-SA 3.0).

Khái niệm vùng Cực Bắc xuất hiện tại Liên Xô trong những năm 1930 nhằm xác định vùng sâu, vùng xa có điều kiện sống khó khăn. Phần lớn những khu vực này nằm ở vùng đóng băng vĩnh viễn. Tại đây đất đai không màu mỡ và mùa đông khắc nghiệt, đặc biệt là địa hình hiểm trở, không có phương tiện giao thông liên lạc với những địa phương khác.

Những khu vực này gồm có Zapolyarie và Viễn Đông. Tuy nhiên, về mặt hành chính thì vùng Cực Bắc còn được đưa thêm vào nhiều vùng lãnh thổ hơn, chúng không chỉ phân bố tại phía Bắc nước Nga. Cụ thể, vùng này bao gồm một phần dãy Ural và Nam Sibiri, đó là một số khu vực thuộc Tuva và Altai.

Ngoài ra, còn có những khu vực tương đương với vùng Cực Bắc (màu xanh lam trên bản đồ). Như vậy, diện tích vùng Cực Bắc, gồm cả những khu vực tương đương, chiếm tới khoảng 70% lãnh thổ của nước Nga!

2. Vùng Cực Bắc không có nhiều người sinh sống

Ngôi làng vùng sâu, vùng xa Tiksi ở Cộng hòa Yakutia (thuộc Nga). Ảnh: Sergei Fomin/Global Look Press.

Mặc dù có diện tích rộng lớn như vậy, nhưng tại vùng Cực Bắc chỉ có không tới 12 triệu người Nga sinh sống, tức là chỉ chiếm vẻn vẹn 7% dân số nước này. Điều thú vị là, ở vùng Cực Bắc có rất đông đồng bào thuộc các dân tộc ít người sinh sống. Đó là người Pomor, Yakut, Tuva và nhiều dân tộc khác. Họ duy trì lối sống truyền thống từ hàng trăm năm nay. Những thành phố của vùng Cực Bắc hiện đang trở nên thưa thớt dần: Thời Liên Xô người ta đến đây là vì tiền, bởi lương cho chuyên gia cao gấp 5 - 6 lần so với khu vực miền Trung nước Nga. Nhiều thành phố và làng mạc được xây dựng cạnh những khu mỏ khoáng sản mà sau khi Liên Xô tan rã đã rơi vào tình trạng sa sút.

Người dân đang chuyển đến những khu vực có thời tiết ấm hơn và rao bán nhà cửa. Hiện, tại thành phố Vorkuta một căn hộ 2 buồng kèm sửa chữa có giá khoảng 200 nghìn rúp (gần 2700 USD), tương đương giá một mét vuông nhà ở tại khu vực ngoại ô Moskva. Tại các làng ngoại ô thành phố Vorkuta, giá rẻ nhất là từ 30 nghìn rúp (400 USD). Tuy nhiên, dân số thành phố Salekhard tại vùng Yamal lại tăng lên hàng năm, do nhiều người dân địa phương không muốn rời đi đâu.

3. Nhà nước đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu

Nhân viên Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga vận chuyển lương thực đến vùng sâu, vùng xa của Cộng hòa Yakutia. Ảnh: Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga/Sputnik.

Việc xác định vùng Cực Bắc là cần thiết để giải quyết các vấn đề cung cấp hàng hóa thiết yếu. Hàng năm trước mùa đông, chính quyền Nga tổ chức vận chuyển đến các khu vực này những chuyến hàng như nhiên liệu, thuốc men, thực phẩm và hàng hóa khác, thông thường bằng đường không hoặc đường thủy.

Đương nhiên, tại các thành phố và nông thôn thuộc những khu vực này vẫn có cửa hàng, tuy nhiên, việc tư nhân cung cấp là rất đắt đỏ.

4. Giá cả sinh hoạt đắt đỏ tại vùng Cực Bắc

Bên trong một cửa hàng tại Cộng hòa Yakutia. Ảnh: Barcroft Media/Getty Images.

Làm nông nghiệp tại Cực Bắc của Nga là rất khó khăn do đặc điểm thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết không thường xuyên cho phép vận chuyển hàng hóa từ những nơi khác về. Chỉ có một thứ ở đây là rẻ nhất - đó là căn hộ. Tại đây pho-mát đắt gấp 2 lần so với ở miền Trung nước Nga, trứng đắt gấp 3 lần, rau quả gấp 4 - 5 lần. Thực sự, tại vùng Cực Bắc có một số thứ được bán với giá tương đối rẻ là các loại thú săn và cá, vốn khá hiếm ở những nơi khác của nước Nga.

5. Nhà ở sáng màu để chống trầm cảm

Hình vẽ graffiti tại thành phố Salekhard. Ảnh: Maria Plotnikova/Sputnik.

Tại nhiều thành phố ở vùng Cực Bắc có truyền thống sơn màu sặc sỡ cho các khu chung cư. Do không đủ ánh sáng mặt trời và cây cối, nên những tòa nhà màu cam, vàng và hồng làm cho tâm trạng phấn khích hơn.6. Thời gian nghỉ phép lâu hơn, nghỉ hưu sớm hơn

Những người nuôi hươu tại Yamal. Ảnh: Maksim Blinov/Sputnik.

Thời Liên Xô, ưu đãi dành cho những người làm việc tại Cực Bắc được quy định vào năm 1932 và được xem xét lại vài lần. Ngày nay, những người làm việc tại đây nhận thêm 24 ngày nghỉ phép (theo tiêu chuẩn là 28 ngày/năm), còn làm việc tại những khu vực tương đương với vùng Cực Bắc là thêm 16 ngày.

Nếu một người đã làm việc tại Cực Bắc hơn 15 năm, thì người đó có quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với người Nga bình thường (55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam). Ở những khu vực tương đương với vùng Cực Bắc, để được nghỉ hưu thì phải có thâm niên công tác 20 năm.

7. Người dân Cực Bắc thích ứng nhanh với điều kiện khắc nghiệt

Ảnh: Ayar Varlamov/Sputnik.

Những người sinh sống cả đời ở những khu vực phía Nam nước Nga đương nhiên là rất khó để quen với mùa đông gió lạnh và thiếu ánh sáng mặt trời. Còn đối với người dân gốc vùng Cực Bắc thì những điều kiện như vậy sẽ không gây cho họ vấn đề gì đặc biệt. Vài năm trước, các nhà khoa học đến từ Cộng hòa Yakutia lý giải rằng, cơ thể người dân gốc phía Bắc nước Nga thích ứng khá nhanh với đêm cực và khí hậu khắc nghiệt.

QUỐCKHÁNH (theoRBTH.com)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/7-su-that-thu-vi-va-ngac-nhien-ve-vung-cuc-bac-cua-nga-657851