60 năm sau Sputnik, ngành vũ trụ Nga lao đao

Ngày 4.10.2017 là đúng ngày kỷ niệm 60 năm vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người mang tên Sputnik-1 được Liên Xô phóng đi vào quỹ đạo, thế nhưng ngành khoa học vũ trụ Nga hiện lại đang rơi vào khủng hoảng đằng sau sự huy hoàng xa xưa.

Tên lửa đẩy Soyuz của Nga

Khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngày nay nước Nga không xem nghiên cứu vũ trụ là một ngành ưu tiên của mình. Hiện Nga vẫn sử dụng tên lửa đẩy Soyuz để đưa người và hàng hóa vào không gian, tên lửa này trên thực tế là một phiên bản nâng cấp của tên lửa R-7 đã đưa Sputnik-1 vào quỹ đạo 60 năm trước.

Ấy thế mà dù là tên lửa cũ, nhưng hiện nay các nhà khoa học kể cả NASA trên trạm Không gian Quốc tế lại phải dùng tên lửa đẩy này để di chuyển vì Mỹ và các nước đồng minh không hề có tàu vũ trụ nào có thể đưa con người lên không gian còn hoạt động.

Ngoài Soyuz, Nga còn một tên lửa đẩy khác là tên lửa đẩy hạng nặng Proton, những loại tên lửa này cũng đã được thiết kế từ những năm 1960. Cả hai loại tên lửa của Nga nổi tiếng về sự đáng tin cậy của mình, nhưng những năm gần đây lại phải cạnh tranh với những "gã mới nổi" như SpaceX với những tên lửa đẩy có khả năng tái sử dụng của họ.

Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người được Liên Xô phóng lên vũ trụ 60 năm trước

Rắc rối của ngành khoa học vũ trụ Nga đến từ năm ngoái khi người ta tìm thấy những lỗi chết người trong việc chế tạo tên lửa Proton và Soyu ở nhà máy Voronezh. Cơ quan vũ trụ Nga, Roscosmos đã buộc phải đưa 70 động cơ đẩy của mình quay về nhà máy sản xuất để tìm ra lỗi và thay thế các bộ phận không đạt yêu cầu.

Kết quả là Nga đã bị tụt hậu trong thị trường phóng vệ tinh thương mại, năm ngoái lần đầu tiên Nga đã thua Mỹ và Trung Quốc về số lần phóng tên lửa lên vũ trụ. Khách hàng thương mại hiện đã có nhiều sự lựa chọn mới, hiệu quả hơn và chi phí thấp hơn sử dụng tên lửa Nga.

Nga đã nhận ra điều này, họ đã có kế hoạch để xây dựng lại vị thế của mình trong thị trường phóng vệ tinh thương mại toàn cầu. Tuy nhiên trong ngắn hạn thì những nỗ lực của Nga hình như chưa đủ, khi nghiên cứu vũ trụ không còn là ưu tiên hàng đầu của điện Kremlin.

Sốc nhất có thể kể đến việc chỉ mới tuần trước giám đốc Roscosmos Igor Komarov tuyên bố rằng nhà máy Voronezh đã sử dụng các hợp kim không đạt chuẩn để chế tạo động cơ tên lửa vũ trụ Proton. Công ty Khrunichev, đơn vị lắp ráp tên lửa đẩy Proton cũng đang trong tình trạng "hấp hối" và đang phải bán bớt tài sản của mình do quản lý yếu kém.

Trong khi đó, tên lửa đẩy hạng nặng Angara lại rơi vào một vòng xoáy chậm phát triển, tên lửa mới này của Nga có thể sẽ phải tới năm 2021 mới chính thức đưa vào hoạt động được. Là một tên lửa đẩy quá mới, Angara khó lòng có thể cạnh tranh với các đối thủ khác trong ngành như Falcon 9 của SpaceX. Những thử nghiệm bước đầu của Angara rất thành công, nhưng hiện Nga chưa thể tạo ra được một dây chuyền sản xuất hàng loạt loại tên lửa đẩy mới này.

Không chỉ trong thị trường phóng vệ tinh, một lĩnh vực có thể tạo doanh thu, trong nghiên cứu vũ trụ Nga cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn. Theo kế hoạch, Nga dự định sẽ phóng tàu vũ trụ thăm dò có người lái lên Mặt trăng trong 10 năm tới nhưng vốn cho chuyện này lại không có.

Trước đó, kế hoạch phóng tàu không người lái lên sao Hỏa vào năm 1996 hay phóng tàu thăm dò Mặt trăng của hành tinh Đỏ là Phobos vào năm 2001 đều bị hủy vì thiếu vốn và không đủ công nghệ.

Nga cũng phải vật lộn trong nhiều năm để có modul riêng cho mình trên ISS. Ban đầu theo kế hoạch họ sẽ đưa modul Nauka lên vũ trụ vào năm 2007, nhưng tới năm 2013 thì modul này mới hoàn thành và vẫn còn lỗi. Dự kiến phải năm 2018 thì Nga mới có thể đưa modul khoa học riêng của mình lên trạm ISS.

Thiếu vốn, Roscosmos thậm chí còn phải cắt giảm số lượng phi hành gia Nga sống trong vũ trụ từ 3 người xuống còn 2 người, một động thái bị nhiều người Nga chỉ trích nặng.

"Thật là tệ khi chúng tôi phải cắt giảm số lượng ghế của các phi hành gia. Tình hình ngành công nghiệp vũ trụ của chúng tôi khá là đáng báo động", nhà du hành vũ trụ Svetlana Savitska cho hay.

Dù thiếu vốn, thiếu tiền, nhưng Roscosmos lại lãng phí hành tỉ USD khi xây dựng bệ phóng Vostochny mới ở vùng viễn đông, với hy vọng thay thế sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan mà Nga vẫn đang thuê dùng lâu nay. Nhiều người chỉ trích việc này do xây sân bay vũ trụ Vostochny quá đắt tiền mà Nga thì lại tính vẫn tiếp tục sử dụng Baikonur phóng tàu vũ trụ trong thời gian tới.

Cosmonaut Maxim Surayev, một nhân viên của Roscosmos than thở với tình trạng hiện nay của các phi hành gia đang sống tại trung tâm đào tạo Star City bên ngoài Moscow: "Thật sai lầm khi họ thay vì toàn tâm toàn ý cho các chuyến bay vào vũ trụ lại phải tìm kiếm việc làm thêm và nơi sinh sống".

Phi hành gia kỳ cựu Gennady Padalka, người đang giữ kỷ lục sống lâu nhất trong không gian với tổng thời gian lên tới 878 ngày, trong 5 lần bay vào quỹ đạo khác nhau hồi đầu năm nay đã bị buộc phải về hưu vì Roscosmos thiếu kinh phí. Trong một bức tâm thư gửi truyền thông, ông Padalka đã yêu cầu chính quyền bắn giám đốc Star City để ngăn cản cơ sở này rơi vào tình trạng bị "tàn phá hoàn toàn".

Thiên Hà

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cau-chuyen-kham-pha-c-106/60-nam-sau-sputnik-nganh-vu-tru-nga-lao-dao-72908.html