3 lý do dẫn đến quyết định từ chức của Thủ tướng Nhật Bản Suga

ng Yoshihide Suga đã quyết định sẽ từ chức thủ tướng Nhật Bản, chưa đầy một năm sau khi nhậm chức. Cây bút chính trị gạo cội Naoya Yoshino của tờ Nikkei đã nêu ra ba nguyên nhân khiến Thủ tướng Suga kết thúc số phận chính trị của mình sau đây:

Thủ tướng Nhật Bản Suga quyết định sẽ từ chức - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Nóng bỏng cuộc đua vào vị trí thủ tướng Nhật Bản, thay thế ông Suga

Thủ tướng Nhật Bản Suga không tái tranh cử, sẽ từ chức

Thủ tướng Suga lên kế hoạch bầu cử sớm, ngay sau Olympic Tokyo

Không tổng tuyển cử sớm

Thủ tướng Suga đã từ bỏ một cuộc tổng tuyển cử sớm sau khi lên thay cho người tiền nhiệm Abe Shinzo từ chức giữa nhiệm kỳ vì lý do sức khỏe hồi tháng 9 năm ngoái. Lúc đó, nội các của ông Suga có tỷ lệ tán thành 74%, cao thứ ba từ trước đến nay với nội các mới.

Cho đến tháng 11 năm ngoái, chính phủ của ông vẫn nhận được gần 60% sự tán thành. Nếu Thủ tướng Suga kêu gọi một tổng bầu cử vào thời điểm đó, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông sẽ giữ đa số ghế trong Quốc hội Nhật Bản, qua đó sẽ củng cố vị trí của mình.

Năm 2008, Thủ tướng Taro Aso cũng đã không giải tán hạ viện ngay sau khi nhậm chức. Ông mất quyền lực vào tay Đảng Dân chủ đối lập trong cuộc tổng tuyển cử vào một năm sau. Khi đó, ông Suga là Phó chủ tịch chiến lược bầu cử của đảng LDP, nên nắm rất rõ sự việc này. Song dường như, ông không học được từ sai lầm từ cựu Thủ tướng Aso.

Ý tưởng giải tán hạ viện vào giữa tháng 9 năm ngoái thực ra đã vấp phải sự phản đối trong đảng cầm quyền, và chính phủ của ông Suga không đủ sức để vượt qua. Cả các nhà lập pháp và công chúng đều đánh giá cao các chính phủ thông qua bầu cử hạ viện so với những chính phủ không chiến thắng nhờ cách này. Một chính phủ có quyền hạn rộng rãi có thể dễ dàng đưa ra quyết định của riêng mình, như bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo cho người của đảng mình.

Tình hình chính trị về cơ bản sẽ khác nếu hạ viện bị giải tán vào mùa thu năm 2020, khi số ca nhiễm COVID-19 cũng ít hơn nhiều so với bây giờ. Hạ viện sẽ có nhiệm kỳ bốn năm mới. Còn giờ thì LDP đã phải lo lắng về cơ hội của họ trong cuộc tổng bầu cử sắp tới (tháng 11/2021).

Phản ứng chậm trong đại dịch Covid-19

Chính phủ của ông Suga đã khởi đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 một cách chậm chạp. Họ lên kế hoạch thiết lập các trung tâm tiêm chủng lớn với sự trợ giúp của Lực lượng Phòng vệ và đơn vị phụ trách tiêm chủng. Tuy nhiên, công việc này lại mất quá nhiều thời gian.

Nhiều tháng trôi qua, mối quan ngại của người dân về phải ứng của chính phủ với đại dịch Covid-19 ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Ngay khi lo lắng đó trở nên nghiêm trọng, thì số ca nhiễm mới tăng mạnh. Để rồi, lệnh giãn cách xã hội cũ vừa kết thúc không lâu, thì lệnh giãn cách mới đã được ban hành với Tokyo vào ngày 12/07.

Việc ông Suga hy vọng tình cảm công chúng sẽ được khơi dậy bởi Olympic và Paralympic do nước này đăng cai đã trở nên vô ích. Tỷ lệ ủng hộ nội các của ông được dự đoán sẽ tăng sau Thế vận hội. Song ngược lại, nhiều người còn phản đối gay gắt việc tổ chức sự kiện thể thao khổng lồ này giữa đại dịch.

Thủ tướng Yoshihide Suga quyết định không tham gia cuộc bầu cử vị trí lãnh đạo của đảng LDP, với lý do cần phải tập trung vào việc chống lại đại dịch COVID-19 - Ảnh: Kyodo

Đồng minh thua cuộc ở Yokohama

Hachiro Okonogi, một đồng minh của ông Suga và là cựu chủ tịch Ủy ban an toàn công cộng quốc gia, đã thất bại trong cuộc bầu cử thị trưởng Yokohama vào ngày 22/8, dù được ông ủng hộ.

Ảnh hưởng của Thủ tướng Suga suy yếu đáng kể sau thất bại này. Mối lo ngại về việc ông không còn uy tín để đại diện cho LDP trong cuộc bầu cử hạ viện ngày càng sâu sắc. Để rồi, việc ông Suga tham gia vào cuộc bầu cử thị trưởng mà đồng minh Okonogi của ông thất bại ở Yokohama đã phản tác dụng.

LDP sẽ bầu ra một chủ tịch mới vào ngày 29/9. Rõ ràng, việc chuyển đổi sang kỹ thuật số của hệ thống hành chính của chính phủ diễn ra một cách chậm chạp đã cản trở việc thực hiện các chính sách giải quyết đại dịch.

Điều này cũng gây ra nhiều vấn đề liên quan đến quản trị, như mối quan hệ giữa chính quyền quốc gia và địa phương. Như vậy, chỉ thay đổi người đứng đầu của LDP thực ra cũng chưa giải quyết được vấn đề.

Nhật Bản đang phải đối mặt với những thách thức về ngoại giao và an ninh, đặc biệt khu vực Đông Á ngày càng căng thẳng vì cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Bởi vậy, cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP cần tìm ra một người đứng đầu mới có khả năng mở ra một hướng đi táo bạo hơn cho Nhật Bản.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/3-ly-do-dan-den-quyet-dinh-tu-chuc-cua-thu-tuong-nhat-ban-suga-post154146.html