20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam và 'cú sốc' đầu đời

Một năm ngay sau khi mở cửa, thị trường chứng khoán Việt Nam đón 'cú sốc' bỡ ngỡ đầu tiên.

Ngày 20/7/2020, TTCK Việt Nam sẽ tròn 20 tuổi.

Với mong muốn lưu giữ lại những sự kiện ý nghĩa qua 20 năm hoạt động, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã biên soạn cuốn kỷ yếu 20 năm như một thước phim quay chậm, tái hiện lại những sự kiện quan trọng nhất, những khoảnh khắc đáng nhớ và tràn đầy cảm xúc của thị trường chứng khoán Việt Nam.

HOSE trải dài suốt chặng đường 20 năm đó, với 4 giai đoạn phát triển.

Nhịp sống doanh nghiệp - BizLIVE xin tóm lược nội dung cuốn kỷ yếu trên gửi đến quý bạn đọc, quý nhà đầu tư. Trong khuôn khổ bài viết này, giai đoạn sơ khai của thị trường từ năm 2000-2004 xin được giới thiệu với chủ đề “Bước đi đầu tiên”.

Dấu ấn khởi thủy

UBCKNN được thành lập ngày 26/11/1996 với nhiệm vụ ban đầu là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hình thành TTCK.

Ngày 20/7/2000, Trung tâm GDCK TP.HCM chính thức khai trương hoạt động và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam.

Ngày giao dịch đầu tiên đã được tổ chức thành công với 2 cổ phiếu niêm yết là REE (CTCP Cơ điện lạnh) và SAM (CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông) với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết 270 tỷ đồng và có sự tham gia của 6 CTCK thành viên (SSI, FSC, BVSC, ACBS, TLS, BSC). Biên độ dao động giá được áp dụng: ± 2% đối với cổ phiếu, ±1,5% đối với trái phiếu. Khớp lệnh 1 lần/1 ngày, 3 ngày 1 tuần, thời gian giao dịch từ 9 giờ đến 11 giờ, chưa thực hiện giao dịch thỏa thuận, chu kỳ thanh toán T+4.

Phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã được tổ chức vào ngày 26/7/2000 và đến ngày 4/8/2000, TTCK có thêm sản phẩm niêm yết mới là Trái phiếu Chính phủ CP1- 0100. Ngày 15/11/2000, trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên, mã BID1_100, được giao dịch trên sàn.

Tính đến ngày 29/12/2000, chỉ số VN-Index đạt mốc 206,83 điểm, tăng 106,83% so với phiên giao dịch đầu tiên, tổng giá trị giao dịch đạt 92 tỷ đồng với tổng khối lượng giao dịch hơn 3,66 triệu cổ phiếu. Cuối năm, có 5 cổ phiếu và 4 trái phiếu được niêm yết với tổng giá trị niêm yết lần lượt đạt 321,178 tỷ đồng và 1.183 tỷ đồng.

"Cú sốc" đầu đời, nhà đầu tư ngoại đầu tiên xuất hiện

Năm 2001 là những ngày tháng khó khăn của giai đoạn khai sinh. Các yếu tố thị trường khi đó chưa hình thành đầy đủ, thực hiện cổ phần hóa chủ yếu với các doanh nghiệp nhỏ, với lý do không hiểu biết về TTCK, quản trị công ty yếu và đặc biệt là doanh nghiệp không muốn bị săm soi đưa ra ánh sáng những thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh… nên họ từ chối tham gia TTCK.

Trong bối cảnh hàng hóa khan hiếm, chỉ có người mua, không có người bán và mua hôm nay lãi ngày mai đã khiến cho người dân đổ xô đi mua cổ phiếu, từ đó dẫn đến mất cân đối cung cầu nên giá cổ phiếu đã được đẩy lên từng ngày. Thị trường chỉ trong vòng nửa năm đã tăng trưởng rất nóng, lên tới gần 580 điểm (phiên giao dịch ngày 25/6/2001).

Để ngăn không cho thị trường bị đổ vỡ do giá cổ phiếu tăng quá ảo, lãnh đạo UBCKNN mới họp bàn tìm giải pháp hạn chế khối lượng giao dịch (mỗi nhà đầu tư được mua 2.000 cổ phiếu/phiên). Giải pháp này mới đang trong quá trình thảo luận nhưng đã khiến nhà đầu tư phản ứng bán tháo ồ ạt cổ phiếu. Kết quả làm cho thị trường sụt giảm mạnh triền miên. Tính đến cuối năm 2001, VN-Index mất trên 300 điểm còn 235,4 điểm.

Trong bối cảnh nhiều lệnh giao dịch được đưa vào thị trường nhưng sau đó bị hủy, TTGDCK TP.HCM đã đề xuất cấm hủy lệnh. Biện pháp này bắt đầu áp dụng ngay phiên giao dịch đầu tiên của năm 2001; theo đó, lệnh giao dịch được nhập vào hệ thống giao dịch có hiệu lực đến hết phiên giao dịch và không được hủy bỏ. Ngoài ra, do tình hình thanh khoản không cao nên TTGDCK TP.HCM đã rút ngắn thời gian phiên giao dịch khớp lệnh (từ 9 giờ sáng đến 10 giờ sáng); tuy nhiên, bổ sung thêm 20 phút giao dịch thỏa thuận từ 10 giờ đến 10 giờ 20 phút.

Trước tình hình mất cân đối cung cầu, cơ quan quản lý buộc phải áp dụng các biên độ dao động giá khác nhau, cụ thể ngày 13/6/2001, biên độ dao động giá cổ phiếu được mở rộng từ ± 2% lên ± 7%. Đến ngày 10/10/2001, khi chỉ số VN-Index đang trên đà sụt giảm, biên độ dao động giá được trả về mức cũ ± 2%. Việc thu hẹp biên độ dao động giá giúp giảm rủi ro biến động của thị trường là công cụ quản lý khá hiệu quả trong giai đoạn thị trường còn non trẻ.

Một nhà đầu tư quốc tịch Anh đã đi vào lịch sử phát triển của TTCK Việt Nam bằng việc trở thành NĐTNN đầu tiên khớp được lệnh mua 100 cổ phiếu TMS với giá 65.000 đồng/cổ phiếu qua CTCK ACBS trong phiên giao dịch thứ 102 (ngày 2/4/2001). Đến cuối năm 2001, có 11 NĐTNN cá nhân mua được 161.700 cổ phiếu trên TTCK Việt Nam (93.700 cổ phiếu TMS, 32.300 cổ phiếu HAP và 35.700 cổ phiếu SGH)…

Kích thanh khoản

Thanh toán bù trừ chứng khoán chính thức được áp dụng theo chu kỳ T+3 kể từ ngày 2/1/2002. Với việc rút ngắn chu kỳ thanh toán bù trừ từ T+4 xuống T+3, TTCK Việt Nam từng bước hướng đến thông lệ quốc tế, đẩy nhanh tốc độ quay vòng chứng khoán/tiền, gia tăng thanh khoản cho thị trường.

Từ ngày 1/3/2002, số phiên giao dịch trong tuần được chính thức tăng từ 3 phiên lên 5 phiên. Đây là một trong những quyết định quan trọng trong công tác quản lý và điều hành thị trường của cơ quan quản lý nhằm tăng tính thanh khoản, kích cầu và bình ổn thị trường. Mặt khác, việc tăng phiên giao dịch được xem là bước đệm cho quá trình chuẩn hóa cách thức tổ chức của TTCK Việt Nam. Khối lượng giao dịch năm 2002 đạt 37 triệu chứng khoán, tăng gần 1,9 lần so với khối lượng giao dịch năm 2001.

Nhằm gia tăng thanh khoản và kích cầu cho thị trường, TTGDCK TP.HCM tiếp tục đề xuất triển khai giải pháp kỹ thuật tăng tính hấp dẫn cho TTCK; cụ thể, ngày 1/8/2002, áp dụng tăng biên độ giá từ ±2% lên ±3%. Tuy nhiên các giải pháp kỹ thuật mới của TTGDCK TP.HCM chưa mang lại hiệu ứng như kỳ vọng; đến cuối năm 2002, TTCK vẫn nằm trong xu hướng suy giảm.

Tính đến ngày 31/12/2002, chỉ số VN-Index đạt 183,33 điểm, giảm 22,12% so với cuối năm trước. So với tốc độ tăng trưởng GDP 7% thì sự giảm điểm quá mạnh của chỉ số VN-Index cho thấy TTCK chưa phải là hàn thử biểu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường được thể hiện qua thanh khoản khi tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 1.081 tỷ đồng, tăng 4,46% so với năm 2001. Kết quả ban đầu đạt được cho thấy nhà đầu tư bắt đầu có sự quan tâm đến TTCK non trẻ này.

Khối ngoại gia tăng giao dịch

Sau khi thực hiện tăng biên độ từ ±3% lên ±5% vào ngày 2/1/2003, tiếp đến ngày 20/5/2003, TTGDCK TP.HCM áp dụng thêm nhiều giải pháp quản lý mới như: giảm lô giao dịch cổ phiếu từ 100 xuống 10, áp dụng lệnh ATO (lệnh tại mức giá khớp lệnh) và tăng số lần khớp lệnh.

Ngày 17/7/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 146 về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam thay thế Quyết định số 139; theo đó, cho phép nâng tỷ lệ nắm giữ của người nước ngoài tại một tổ chức niêm yết từ 20% lên 30% và tỷ lệ góp vốn của NĐTNN trong các Công ty Quản lý quỹ từ 30% lên 49%. Đến cuối năm 2003, giá trị giao dịch bình quân phiên của NĐTNN đạt 23,56 tỷ đồng/phiên, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước (3,45 tỷ đồng/ phiên). Tỷ lệ sở hữu nước ngoài toàn thị trường chiếm tỷ trọng 13,28%, tăng 18,67% so với cuối năm 2002 (11,19%).

Ngày 5/8/2003, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 163 phê duyệt chiến lược phát triển TTCK đến năm 2010 với định hướng mở rộng quy mô của TTCK tập trung, phấn đấu đưa tổng giá trị của thị trường đến năm 2005 đạt mức 2-3% GDP và đến năm 2010 đạt mức 10-15% GDP. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc phát triển các định chế tài chính trung gian, các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc phát triển thị trường trái phiếu và tăng lượng cổ phiếu niêm yết sẽ được tập trung đẩy mạnh. Ngoài ra, chiến lược đặt mục tiêu sẽ xây dựng TTGDCK TP.HCM trở thành SGDCK TP.HCM vào năm 2010, bên cạnh xây dựng thị trường giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội.

Ngày 28/8/2003, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VFM) chính thức khai trương hoạt động. Tiếp theo, ngày 11/11/2003 Công ty Quản lý quỹ đầu tư Vina Capital khai trương văn phòng tại TP.HCM với số vốn hoạt động ban đầu là 10 triệu USD.

Một điểm nổi bật trong hoạt động giao dịch trên TTCK năm 2003 là sự tham gia mua bán cổ phiếu sôi nổi của các NĐTNN. Số lượng NĐTNN mở tài khoản giao dịch tăng 36,36% so với cuối năm 2002. Phần lớn các cổ phiếu niêm yết đều có sự tham gia sở hữu của các NĐTNN và tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu từ 0,31% - 30%. Trong năm 2003, TTGDCK TP.HCM đã tổ chức thành công trên 242 phiên giao dịch với tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường trên 2.700 tỷ đồng, trong đó giao dịch trái phiếu đạt khoảng 2.300 tỷ đồng.

Quỹ đầu tư nở rộ

Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) là quỹ đại chúng đầu tiên của Việt Nam, được huy động nguồn vốn từ cá nhân, pháp nhân trong và ngoài nước với quy mô vốn ban đầu 300 tỷ đồng. Quỹ đại chúng là hình thức đầu tư tập thể phổ biến tại các thị trường phát triển trên thế giới. Sau VFMVF1, đã có thêm 8 chứng chỉ quỹ đóng niêm yết trên HOSE.

Năm 2004 chứng kiến sự xuất hiện của nhiều Quỹ đầu tư nước ngoài, điển hình là Quỹ đầu tư Phan-xi-phăng (PXP). Sau gần 1 năm hoạt động, PXP đã tăng quy mô vốn 5 triệu USD lúc ban đầu lên gấp đôi và đã đầu tư trên 15 loại cổ phiếu trên sàn. Ngoài PXP, Quỹ Vietnam Growth Fund (VGF) do Công ty Dragon Capital thành lập cũng xuất hiện với quy mô dự kiến 75 triệu USD. Công ty Finansa cũng xúc tiến lập quỹ mới sau khi thanh lý Quỹ Vietnam Frontier Fund (VFF).

Năm 2004 được đánh giá là năm giá cổ phiếu dần hồi phục sau giai đoạn suy giảm trong các năm 2002 và 2003. Giao dịch cổ phiếu trên sàn có xu hướng ổn định hơn, các cổ phiếu hầu như không có biến động lớn. Chỉ số VN-Index ở mức 239,29 điểm (ngày 31/12/2004), tăng hơn 72 điểm so với cuối năm 2003 (166,94 điểm). Thanh khoản của thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết được nâng lên. Khối lượng giao dịch tăng mạnh trong năm 2004 với tổng giá trị gần 20.000 tỷ đồng (bình quân 80 tỷ đồng/phiên), gấp 6,6 lần so với năm 2003. Các nhà đầu tư có tổ chức đóng vai trò quan trọng đối với giao dịch chứng khoán trên thị trường tập trung: tuy chỉ chiếm trên 1% về số lượng nhưng các nhà đầu tư có tổ chức lại chiếm gần 39% tổng giá trị giao dịch của năm 2004.

HUYỀN TRÂM

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//tai-chinh/20-nam-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-va-cu-soc-dau-doi-3548440.html