2 nhà thơ 8x kể chuyện 'Từ núi đồi gặp phố'

2 cây bút trẻ thế hệ 8x Lữ Mai và Nguyễn Quang Hưng sẽ có dịp hội ngộ với nhau tại buổi tọa đàm, giao lưu 'Từ núi đồi gặp phố' do NXB Văn học tổ chức.

Từ núi đồi gặp phố sẽ diễn ra vào 10h sáng ngày 19/4 tại Sân khấu trung tâm - Công viên Thống Nhất (Hà Nội) trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam 2019. Đây là chương trình được NXB Văn học tổ chức nhân dịp ra mắt 2 tác phẩm Nối những vệt không gian của Nguyễn Quang Hưng và Hà Nội không vội được đâu của Lữ Mai.

Nhà thơ Lữ Mai

Nhà thơ Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hóa, hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ của báo Nhân Dân. Cô là một trong những hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Lữ Mai viết song song cả hai thể loại: văn xuôi và thơ. Nhiều tác phẩm văn xuôi của cô được các nhà xuất bản chọn trong các tuyển tập truyện ngắn hay, truyện ngắn mới… suốt 10 năm qua. Lữ Mai đã xuất bản nhiều tập thơ như Giấc, Mở mắt rồi mơ, Thời cách ngăn trống rỗng...

Cuốn sách "Hà Nội không vội được đâu" của Lữ Mai

Hà Nội không vội được đâu gồm tản văn và một số truyện ngắn của Lữ Mai, là những trang viết của một người trẻ, xuất thân từ miền đất khác cảm nhận về Hà Nội của ngày hôm nay với nhiều đổi thay, vỡ vạc. Cuốn sách không chỉ gồm những tản văn viết về Hà Nội mà còn ẩn chứa góc nhìn từ những trải nghiệm Hà Nội vọng về cố hương, ký ức trong nguồn cảm hứng “sống chậm, nghĩ chậm từ Hà Nội”. Trong cuốn sách có nhiều tác phẩm được tác giả viết từ thời sinh viên, khi mới chạm ngõ nghề viết, cách đây hơn chục năm. Có thể coi đó như những cảm xúc ngỡ ngàng, non nớt, hồn nhiên của một người từ xa Hà Nội về ngụ tại mảnh đất thị thành qua con đường học tập, mưu sinh.

Nhận xét về tập sách này, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng: “Lữ Mai tự nhận mình chỉ là “đứa con ruộng đồng” đang “ở trọ phố phường”, nhưng đọc mảng tản văn của chị viết về Hà Nội, tôi có cảm giác như chị đã chạm được vào hồn cốt Hà Nội, không chỉ một Hà Nội hiện đại trẻ trung “phơi phới sắc thị thành”, mà còn là một Hà Nội xưa cũ lắng sâu”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1980 tại Hà Đông, Hà Nội, hiện công tác tại ấn phẩm Thời Nay của báo Nhân Dân. Anh là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Anh từng giành giải Nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015-2016 và xuất bản nhiều tác phẩm như Vườn ánh sáng, Mùa Vu Lan, Tiếng hạc trong trăng, Lòng ta chùa chiền, Chia ngũ cốc, Nước non mặt biển, Năm tháng mặt người, Cột mốc trong người, Nối những vệt không gian...

Bìa cuốn sách "Nối những vệt không gian"

Khác với cái nhìn về Hà Nội của Lữ Mai, Nối những vệt không gian của Nguyễn Quang Hưng là sự phản chiếu những chuyển động trong đời sống của tác giả, qua con mắt một người trẻ nhận thấy ở vẻ đẹp văn hóa truyền thống và trong vẻ đẹp tâm hồn, tâm tính con người những giá trị bền vững. Đồng thời, nhận ra sự cần thiết việc kết nối đời sống hiện đại với nguồn mạch quá khứ, lưu giữ và vận dụng bản sắc, “dữ liệu” sống từ hôm qua đến hôm nay để gây dựng, duy trì những giá trị của cuộc sống mới...

Nguyễn Quang Hưng và Lữ Mai dẫn chương trình trong Ngày Thơ Việt Nam 2019

Điểm chung của Hà Nội không vội được đâu của Lữ Mai và Nối những vệt không gian của Nguyễn Quang Hưng là mảng đề tài về Hà Nội với những cảm nhận đa dạng về đời sống xã hội, văn hóa, dòng chảy truyền thống, nhịp sống đương đại… Những biểu hiện đó diễn ra trong các không gian, khu vực khác nhau của Hà Nội trên hành trình mở rộng, phát triển, vừa đón nhận những cái mới, vừa lưu giữ, truyền nối những giá trị đặc sắc của lịch sử, văn hóa, con người. Hai tác phẩm chia sẻ những suy ngẫm, thái độ sống cùng tình yêu đối với Hà Nội hôm nay của những người thuộc thế hệ công dân trẻ đang sống, làm việc và trưởng thành tại Hà Nội.

Tham dự buổi tọa đàm Từ núi đồi gặp phố cùng Nguyễn Quang Hưng và Lữ Mai có TS Nguyễn Anh Vũ, PGS.TS. Ngô Văn Giá, nhà văn Đỗ Bích Thúy, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, nhà thơ Hữu Việt...

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/2-nha-tho-8x-ke-chuyen-tu-nui-doi-gap-pho-post58190.html