16 khoảnh khắc đặc biệt tại các kỳ Euro

Cho đến trước Euro 2024, đã có 16 kỳ giải được tổ chức. Hãy cùng Đài Hà Nội nhìn lại 16 khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử giải đấu.

1. Màn tung đồng xu độc nhất vô nhị ở Euro

Euro 1968 là kỳ Euro lần thứ 3 với 31 đội tuyển tham gia. Luật khi đó không cho phép thay người và chưa có sút luân lưu. Vì vậy, khi đội tuyển Italy và Liên Xô chạm trán ở trận bán kết mà không ghi được bàn thắng, Ban tổ chức đã quyết định phân thắng thua bằng cách tung đồng xu.

Hậu vệ đội tuyển Italy là Tarcisio Burgnich rất tự tin khi biết rằng thủ quân Giacinto Facchetti tham gia vào việc tung đồng xu khi cho rằng người đồng đội là thần may mắn. Quả đúng như vậy, Facchetti đoán đúng mặt sấp của đồng xu và tuyển Italy lọt vào chung kết tại Rome.

ĐT Italia và ĐT Liên Xô tại bán kết Euro 1968 đã phải phân thắng thua bằng tung đồng xu. Nguồn: Getty Images.

ĐT Italia và ĐT Liên Xô tại bán kết Euro 1968 đã phải phân thắng thua bằng tung đồng xu. Nguồn: Getty Images.

2. Cú ra chân thay đổi lịch sử bóng đá Pháp của Platini

Mặc dù người Pháp đã khởi xướng giải bóng đá Euro nhưng chính họ lại ngụp lặn trong bóng tối hàng thập kỷ trước khi thế hệ của Platini xuất hiện và thay đổi lịch sử. Trong trận bán kết Euro 1984 với tuyển Bồ Đào Nha, huyền thoại Platini đã có cú ra chân cực nhanh ở phút 119, giúp Pháp lội ngược dòng vô cùng ấn tượng trong thời gian đá hiệp phụ.

Sau đó, trong trận chung kết gặp Tây Ban Nha, Platini cũng mở tỷ số với pha đá phạt đẹp mắt. Chức vô địch Euro 1984 đã khiến lịch sử bóng đá Pháp bước sang một trang mới.

Chức vô địch Euro 1984 đã khiến lịch sử bóng đá Pháp bước sang một trang mới.

Chức vô địch Euro 1984 đã khiến lịch sử bóng đá Pháp bước sang một trang mới.

3. Cú vô lê của Van Basten vào lưới đội tuyển Liên Xô

Nói Euro 1988 là giải đấu dành riêng cho Marco Van Basten cũng không có gì là quá. Huyền thoại của Hà Lan đã thể hiện phong độ cực kỳ tuyệt vời ở giải đấu này với 5 bàn thắng và giành danh hiệu “Vua phá lưới”.

Chân sút người Hà Lan đã đi vào lịch sử với siêu phẩm có một không hai tại trận chung kết. Van Basten đã tung ra cú vô lê vào lưới Liên Xô ở góc cực hẹp. Đến nay, đây vẫn là một trong những pha làm bàn đẹp nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Pha ghi bàn đẹp mắt nhất của Marco Van Basten tại Euro 1988. Nguồn: UEFA.

Pha ghi bàn đẹp mắt nhất của Marco Van Basten tại Euro 1988. Nguồn: UEFA.

4. Bàn thắng gây tranh cãi của Hà Lan ở Euro 1988

Đội tuyển Hà Lan thắng 1-0 Ireland ở trận cuối vòng bảng tại Euro 1988. Chiến thắng này giúp “Cơn lốc màu da cam” đoạt vé vào vòng trong với tư cách nhì bảng.

Cú đánh đầu ở phút 82 của Wim Kieft đã mang về chiến thắng và vé đi tiếp cho đội tuyển Hà Lan. Tuy nhiên theo pha quay chậm, bàn thắng này lẽ ra không được công nhận do tiền đạo Van Basten đã rơi vào thế việt vị. Đội tuyển Ireland cảm thấy tiếc nuối bởi nếu hòa thì họ sẽ vào bán kết.

Bàn thắng gây tranh cãi của Hà Lan ở Euro 1988.

Bàn thắng gây tranh cãi của Hà Lan ở Euro 1988.

5. Đan Mạch lên ngôi vô địch Euro 1992

Từ đội bóng tới Euro 1992 nhờ vé vớt, Đan Mạch đã lần lượt đánh bại những “ông lớn” của bóng đá châu Âu như đội tuyển Anh, Pháp, Hà Lan, trước khi hạ gục Tây Đức với tỷ số 2-0 trong trận chung kết.

Khoảnh khắc giương cao cúp vô địch của Peter Schmeichel và các đồng đội đã đi vào lịch sử Euro.

Peter Schmeichel và các đồng đội đăng quang Euro 1992. Nguồn: Sky Sport.

Peter Schmeichel và các đồng đội đăng quang Euro 1992. Nguồn: Sky Sport.

6. Cú "thiết đầu công" ở Euro 1992

Hậu vệ trái của đội tuyển Anh là Stuart Pearce nhận cú húc đầu như trời giáng của trung vệ người Pháp Basile Boli trong trận hòa 0-0 ở vòng bảng. Đó là hành động trả đũa việc Pearce vào bóng thô bạo với Angloma trước đó.

Cầu thủ người Anh bị choáng váng trước cú húc đầu nhưng nhanh chóng đứng dậy. Tuy nhiên máu từ má của Pearce rỉ ra. Trọng tài điều khiển trận đấu là ông Sandor Puhl được xem là một trong những trọng tài giỏi nhất trong lịch sử bóng đá, nhưng đã không phát hiện ra hành vi bạo lực khiến Pearce chảy máu.

Đáng nói, Stuart Pearce không tố cáo Basile Boli sau tình huống này. Thay vào đó, Pearce quay sang Angloma để dằn mặt, cáo buộc cầu thủ này đã phạm lỗi với mình và tuyên bố anh sẽ trả thù. Chiêu trò này của Pearce đã phát huy tác dụng khi Angloma chẳng còn tâm trí để thi đấu.

Chiêu trò của Pearce đã phát huy tác dụng khi Angloma chẳng còn tâm trí để thi đấu.

Chiêu trò của Pearce đã phát huy tác dụng khi Angloma chẳng còn tâm trí để thi đấu.

7. Bàn thắng vàng đầu tiên tại Euro của Olivier Bierhoff

Tại Euro 1996, UEFA bắt đầu áp dụng luật bàn thắng vàng. Trong trận chung kết giữa Đức và Cộng hòa Séc, Olivier Bierhoff đã đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ ghi bàn thắng vàng đầu tiên ở Euro. Pha lập công ấy đã chấm dứt câu chuyện cổ tích của Cộng hòa Séc và mang về chức vô địch Euro cho đội tuyển Đức.

Oliver Bierhoff ăn mừng sau bàn thắng vàng đầu tiên tại Euro 1996 giúp ĐT Đức vô địch. Nguồn: UEFA.

Oliver Bierhoff ăn mừng sau bàn thắng vàng đầu tiên tại Euro 1996 giúp ĐT Đức vô địch. Nguồn: UEFA.

8. Ba quả phạt đền bị từ chối ở Euro 1996

Đội tuyển Anh thắng Tây Ban Nha ở loạt đá luân lưu tại tứ kết Euro 1996. Tuy nhiên các cầu thủ Tây Ban Nha có lý do để bất mãn khi mà họ đã bị từ chối tới ba quả phạt 11m và không được công nhận hai bàn thắng trong khoảng thời gian thi đấu chính thức.

Các pha quay chậm cho thấy cầu thủ Salinas đã tính toán bước chạy của mình một cách hoàn hảo trước khi hạ gục thủ thành David Seaman trong hiệp một, nhưng trọng tài biên lại căng cờ báo việt vị.

Các cầu thủ Tây Ban Nha uất ức cho rằng trọng tài đã cố tình xử ép gây bất lợi cho mình. Cũng vì lí do này mà Salinas từng cay đắng nói: “Chúng tôi không chỉ đối đầu với 11 cầu thủ, 80 nghìn CĐV ở Wembley mà còn cả 3 trọng tài. Như thế thì thắng làm sao được”.

Fernando Hierro (áo đỏ) sút trúng xà ngang với quả phạt đền đầu tiên của Tây Ban Nha trong loạt sút luân lưu ở tứ kết Euro 1996 với Anh.

Fernando Hierro (áo đỏ) sút trúng xà ngang với quả phạt đền đầu tiên của Tây Ban Nha trong loạt sút luân lưu ở tứ kết Euro 1996 với Anh.

9. Bàn thắng vàng của Trezeguet ở Euro 2000

Đội tuyển Italia đã tiến rất gần đến chức vô địch Euro 2000. Họ đã dẫn trước tới phút 90+3 trước khi Wiltord giúp đội tuyển Pháp san bằng tỷ số. Tới thời gian đá hiệp phụ, Trezeguet đã tung ra cú vô lê định mệnh tung lưới Toldo, mang về chức vô địch kỳ diệu cho “Gà trống Gaulois”.

Bàn thắng để đời của Trezeguet vào lưới đội tuyển Italia ở chung kết Euro 2000 giúp Pháp vô địch. Nguồn: Sky Sport.

Bàn thắng để đời của Trezeguet vào lưới đội tuyển Italia ở chung kết Euro 2000 giúp Pháp vô địch. Nguồn: Sky Sport.

10. Pha bóng chạm tay của Abel Xavier ở Euro 2000

Cầu thủ Abel Xavier đã đi vào lịch sử Euro với tình huống đáng nhớ bậc nhất giải đấu này. Đúng vào phút 119 trong trận bán kết Euro 2000 giữa Pháp và Bồ Đào Nha, khi tỷ số đang là 2-2, Abel Xavier đã dùng tay cản bóng sau cú dứt điểm của đối thủ. Ngay lập tức Xavier phải nhận thẻ và Pháp được hưởng đá phạt 11m. Cầu thủ này đã có thái độ phản ứng dữ dội với trọng tài Gunter Benko. Tuy vậy, ông vẫn không thay đổi quyết định.

Zinedine Zidane thực hiện thành công quả phạt đền, ghi bàn thắng vàng cho đội tuyển Pháp ở đúng phút cuối cùng. Sau đó, Abel Xavier đã bị cấm thi đấu 9 tháng, sau giảm xuống còn 6 tháng vì phản ứng thái quá với trọng tài.

Pha tranh cãi của cầu thủ Abel Xavier, ĐT Bồ Đào Nha, khi dùng tay chơi bóng trong vòng cấm ở trận gặp ĐT Pháp tại Euro 2000. Nguồn: UEFA.

Pha tranh cãi của cầu thủ Abel Xavier, ĐT Bồ Đào Nha, khi dùng tay chơi bóng trong vòng cấm ở trận gặp ĐT Pháp tại Euro 2000. Nguồn: UEFA.

11. Cú đánh đầu định mệnh của Charisteas ở Euro 2004

Trong trận chung kết Euro 2004, từ pha đá phạt góc, Charisteas đã bật cao, đánh đầu tung lưới thủ thành Ricardo của Bồ Đào Nha. Đó là khoảnh khắc khiến bao trái tim CĐV Bồ Đào Nha trên khán đài sân Estadio Da Luz chết lặng.

Pha lập công quý hơn vàng này cũng đã giúp Hy Lạp vô địch Euro 2004. Đây vẫn là cú sốc lớn nhất trong lịch sử Euro.

Pha ghi bàn của Charisteas tại chung kết Euro 2004 giúp Hy Lạp đánh bại Bồ Đào Nha và có chức vô địch lịch sử. Nguồn:UEFA.

Pha ghi bàn của Charisteas tại chung kết Euro 2004 giúp Hy Lạp đánh bại Bồ Đào Nha và có chức vô địch lịch sử. Nguồn:UEFA.

12. Nghi vấn Đan Mạch "bắt tay" Thụy Điển loại Italy

Trong lịch sử, từng có trường hợp hai đội bóng "bắt tay nhau" để loại một đội còn lại ở vòng bảng. Đó là trường hợp của đội tuyển Đan Mạch và Thụy Điển tại vòng bảng Euro 2004.

Sau hai lượt trận, Đan Mạch và Thụy Điển cùng được 4 điểm, Italy giành 2 điểm sau hai trận hòa trước hai đối thủ trên, còn Bulgaria đã bị loại sau hai trận thua. Vì Euro 2004 tính kết quả đối đầu giữa các đội bằng điểm, nên nếu Đan Mạch hòa Thụy Điển từ tỷ số 2-2 trở lên, hai đội này sẽ dắt tay nhau đi tiếp, còn Italy bị loại bất chấp kết quả của họ với Bulgaria.

Đáng nói là trận đấu như sắp đặt, Đan Mạch và Thụy Điển hòa nhau với đúng tỷ số 2-2, khiến Italy phải chia tay giải trong cay đắng.

ĐT Đan Mạch và Thụy Điển tại Euro 2004 với nghi vấn “bắt tay nhau” loại Italia từ vòng bảng. Nguồn: Sky Sport.

ĐT Đan Mạch và Thụy Điển tại Euro 2004 với nghi vấn “bắt tay nhau” loại Italia từ vòng bảng. Nguồn: Sky Sport.

13. Pha lập công của Torres giúp Tây Ban Nha vô địch Euro 2008

Trong trận chung kết Euro 2008, sau đường chuyền của Xavi, Torres bứt tốc thần kì vượt qua Philipp Lahm trước khi dứt điểm tung lưới đội tuyển Đức. Bàn thắng ấy đã giúp Tây Ban Nha giành chức vô địch Euro 2008 và mở ra kỷ nguyên mới cho đội bóng “xứ sở bò tót”.

Fernando Torres ghi bàn duy nhất trong trận chung kết Euro 2008 giúp Tây Ban Nha vô địch. Nguồn: UEFA.

Fernando Torres ghi bàn duy nhất trong trận chung kết Euro 2008 giúp Tây Ban Nha vô địch. Nguồn: UEFA.

14. Trận đấu kịch tính nhất Euro 2008

Đội tuyển Croatia thua 1-3 Thổ Nhĩ Kỳ ở loạt đá luân lưu tại tứ kết Euro 2008. Trước đó, hai đội hòa nhau 1-1 sau 120 phút thi đấu. Điều đáng nói là sau khi Ivan Klasnic ghi bàn ở phút 119 cho Croatia, Semih Senturk san bằng tỷ số 1-1 cho Thổ Nhĩ Kỳ ở phút 120+2.

Tranh cãi đã nổ ra về thời điểm kết thúc trận đấu. Nhiều người cho rằng lẽ ra sau khi Klasnic ghi bàn thì trọng tài Roberto Rosetti phải cho kết thúc trận đấu. Tuy nhiên trận cầu này vẫn tiếp tục sau phút 120 và rốt cuộc, Thổ Nhĩ Kỳ ghi bàn gỡ hòa 1-1.

Trận đấu giữa ĐT Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ gây tranh cãi nhất Euro 2008. Nguồn: Sky Sport.

Trận đấu giữa ĐT Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ gây tranh cãi nhất Euro 2008. Nguồn: Sky Sport.

15. Huyền thoại Panenka và cú sút phạt đền độc đáo

Tại Euro 2012, Andrea Pirlo đã khiến cả thế giới ngạc nhiên với cú sút phạt đền kiểu sục bóng ở trận gặp đội tuyển Anh.

Tuy nhiên, cách đó hàng thập kỷ, huyền thoại Panenka đã thực hiện cú phạt đền tương tự, giúp đội tuyển Tiệp Khắc vượt qua Đức để lên ngôi vô địch Euro 1976. Sau này, người ta lấy chính tên của Panenka để đặt cho kiểu sút phạt đền sục bóng.

Tới tận bây giờ, kiểu sút này vẫn được nhiều cầu thủ áp dụng như Lionel Messi hay Neymar.

Pha đá phạt Panenka của Adrea Pirlo tại Euro 2012. Nguồn: The Indepentdent.

Pha đá phạt Panenka của Adrea Pirlo tại Euro 2012. Nguồn: The Indepentdent.

16. Pha ăn mừng điên rồ của Mario Balotelli

Mario Balotelli đã trải qua kỳ Euro 2012 cùng đội tuyển Italia vô cùng thành công. Cầu thủ này đã ghi dấu ấn đậm nét với cú đúp trong trận bán kết với đội tuyển Đức.

Sau khi ghi bàn thứ hai, chân sút người Italia đã cởi phăng áo và đứng bất động như bức tượng. Đây là một trong những pha ăn mừng đáng nhớ nhất lịch sử Euro.

Pha ăn mừng của Balotelli tại Euro 2012. Nguồn: Daily Record.

Pha ăn mừng của Balotelli tại Euro 2012. Nguồn: Daily Record.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/16-khoanh-khac-dac-biet-tai-cac-ky-euro-239911.htm