145 con cá voi mắc cạn ở New Zealand và những tiếng khóc bên bờ biển

'Đó là đêm tồi tệ nhất trong đời tôi', Liz Carlson kể lại thời điểm cô cùng bạn mình phát hiện gần 145 cá voi hoa tiêu mắc cạn trên bờ biển New Zealand và đang hấp hối.

Ngày 24/11, trong chuyến đi bộ đường trường kéo dài 5 ngày tại đảo Stewart, New Zealand, blogger du lịch người Mỹ Liz Carlson bất chợt nhìn thấy thảm cảnh ám ảnh nhất đời mình.

Trên bờ biển, 145 cá thể cá voi hoa tiêu mắc cạn vì thủy triều thấp. Chúng đang chết dần trong đau đớn.

"Đó là một trong những khoảnh khắc khiến bạn phải há hốc miệng. Chúng tôi đi bộ đến bờ biển vào lúc hoàng hôn và nhìn thấy điều gì đó bất thường ở vùng nước nông", Carlson kể lại với BBC.

"Rồi tôi nhận ra đó là cá voi. Chúng tôi bỏ hết mọi thứ và lao về phía những con sóng".

"Đêm thứ 7 vừa qua là đêm tồi tệ nhất cả cuộc đời tôi", Carlson chia sẻ trên Instagram cá nhân hôm 27/11. Ảnh: Instagram/ Liz Carlson.

"Tồi tệ nhất là sự bất lực"

Carlson đã từng nhìn thấy cá voi ngoài đời, nhưng cô chia sẻ rằng "bạn không bao giờ sẵn sàng tâm lý để chứng kiến cảnh tượng này, nó quá kinh khủng".

Cô và bạn mình, Julian Ripoll, cố cứu sống đàn cá voi, đẩy chúng trở ra vùng nước sâu.

"Nhưng bạn nhanh chóng nhận ra rằng không thể làm gì được. Cơ thể chúng quá lớn", Carlson kể lại.

"Điều tồi tệ nhất là sự bất lực", cô chia sẻ. "Lũ cá kêu khóc gọi nhau, dường như chúng đang cố nói điều gì, nhưng không có cách nào chúng tôi giúp được chúng".

Không thể tự mình giải cứu hàng trăm con cá voi, hai khách du lịch quay cuồng nghĩ cách tìm người giúp đỡ.

Đảo Stewart là nơi có ít người sinh sống. Khu vực bờ biển mà họ đang khám phá lại càng xa xôi hẻo lánh. Trong 2 ngày đi bộ đường trường, đôi bạn không chạm mặt bất kỳ nhóm du lịch nào khác. Cách vị trí cá voi mắc cạn đến 15 km mới có một trạm gác nhỏ của các nhân viên bảo tồn thiên nhiên.

Ripoll quyết định chạy đến trạm gác đó, với hy vọng tìm thấy một radio để thông báo phát hiện cho chính quyền và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Carlson và Ripoll phát hiện vụ cá voi mắc cạn sau khi hoàn thành chặng đường 50 km trong chuyến đi bộ đường trường kéo dài 5 ngày ở đảo Stewart. Ảnh: Instagram/ Julian Ripoll.

"Tôi sẽ không thể quên những tiếng khóc"

Carlson một mình ở lại cùng bầy cá voi đang cận kề cái chết.

"Tôi sẽ không thể quên những tiếng khóc của chúng, cách chúng nhìn tôi trong làn nước, cách chúng vùng vẫy trong vô vọng nhưng chỉ đào sâu thêm hố cát quanh mình", cô viết trên tài khoản Instagram.

"Trái tim tôi vỡ vụn hoàn toàn"

Cô gái 30 tuổi nhìn thấy một con cá voi con và tìm cách đưa nó quay trở ra biển. Khác với những con cá voi trưởng thành không thể di chuyển vì quá nặng, Carlson đủ sức để giúp cá voi con thoát khỏi bãi cát tử thần.

"Tôi dốc hết sức đẩy nó trở lại mặt nước, nhưng rồi nó vẫn lạc hướng và quay lại bãi biển. Sau khi Julian đi, tôi chỉ có thể ngồi đó bên cạnh con cá voi con", cô kể lại.

"Bạn có thể cảm nhận rõ nỗi sợ hãi của những con vật này. Chúng nhìn chằm chằm vào bạn. Chúng dõi theo bạn với những ánh mắt rất giống với con người".

Đội cứu hộ không đủ nhân lực giải cứu bầy cá voi vì đảo Stewart quá hẻo lánh, cách Đảo Nam của New Zealand đến 30 km. Ảnh: Instagram/ Julian Ripoll.

Trong suốt những giờ sau, Carlson ngồi chờ trong bất lực. "Tôi hiểu chúng khó thoát được cái chết. Tôi đứng chôn chân trong cát, lún đến gối, la hét trong giận dữ và khóc trong cô độc, lẫn với âm thanh của hàng trăm con cá voi đang vùng vẫy sau mình", blogger này viết trên Instagram.

Khi Ripoll quay trở lại bãi biển cùng một nhóm nhân viên kiểm lâm thì trời đã tối. Họ có thể đánh giá được tình hình nhưng không thể làm thêm được gì để giúp lũ cá voi.

Vào thời điểm đó, phần lớn bầy cá vẫn chìm dưới những cơn sóng và thủy triều đang dâng lên dần. Carlson và Ripoll quyết định trở về điểm cắm trại, hy vọng trong đêm đó lũ cá sẽ tìm được cách tự quay trở ra biển.

Nước mắt của bầy cá voi

Carlson và Ripoll quay lại bãi biển vào sáng hôm sau và nhanh chóng nhận ra tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn thời điểm họ phát hiện vụ việc.

Thủy triều đã rút xuống và hàng trăm con cá voi vẫn đang mắc cạn trong cát khô. Một số đã chết, số khác đang nằm đau đớn trên bãi biển, bị thiêu đốt dưới cái nắng gay gắt.

"Mắt chúng ngấn nước và phát ra những tiếng kêu buồn não lòng, cứ như thể chúng đang khóc", Carlson kể lại. Cô và bạn hiểu rõ không còn phép màu nào cho chúng.

Lực lượng cứu hộ địa phương buộc phải chọn phương án trợ tử để bầy cá không chịu một cái chết đau đớn. Ảnh: Instagram/ Julian Ripoll.

Để đưa một con cá voi trở ra biển cần khoảng 5 người trưởng thành và rõ ràng nhóm cứu hộ không có đủ nhân lực. Bãi biển quá hẻo lánh để Carlson, Ripoll và các nhân viên kiểm lâm gọi thêm người đến giúp kịp thời. Cả hòn đảo cũng chỉ có vài trăm người sinh sống.

Nhóm nhân viên kiểm lâm buộc phải đi đến quyết định xé lòng: tiêm thuốc an thần cho những con cá còn sống sót và cho chúng một cái chết nhân đạo.

Họ không còn lựa chọn nào khác. Hoặc họ can thiệp và hỗ trợ chúng ra đi trong êm ái, hoặc để mặc chúng chịu đựng một cái chết đau đớn có thể kéo dài trong nhiều ngày.

Cơ quan Bảo tồn New Zealand (DOC) cho biết họ sẽ để lại xác của những con cá voi trên bờ biển, để mọi thứ diễn ra theo đúng quy trình của tự nhiên.

Hàng dài cá voi chết vì mắc cạn trên bờ biển đảo Stewart. Ảnh: AFP.

DOC vẫn chưa biết nguyên nhân khiến bầy cá voi mắc cạn.

Những vụ cá voi lạc đường lên bãi biển ở New Zealand thường diễn ra nhỏ lẻ, hiếm thấy hiện tượng cá voi mắc cạn hàng loạt như vừa qua.

Một số chuyên gia đoán bầy cá mất phương hướng, cảm nhận sai mực nước và tiến quá sâu vào bờ biển. Một giả thuyết khác là cả bầy cá mắc phải một căn bệnh nào đó.

Cá voi hoa tiêu là loài có quan hệ xã hội rất cao. DOC không loại trừ giả thuyết ban đầu chỉ có 1 cá thể mắc cạn, nhưng rồi cả bầy đã bơi vào bờ để cứu đồng loại.

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/145-con-ca-voi-mac-can-o-new-zealand-va-nhung-tieng-khoc-ben-bo-bien-post895898.html