10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2018

Top 10 sự kiện nổi bật nhất trong hoạt động của ngành ngân hàng năm 2018 qua góc nhìn, sự lựa chọn từ BizLIVE.

Ảnh minh họa.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 được kiểm soát chặt chẽ dưới 16%.

Ước tính của CTCK Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS), tăng trưởng tín dụng năm 2018 ở mức 14 – 15%.

10 ngân hàng thương mại thực hiện thí điểm hoạt động theo chuẩn Basel II: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, MBB, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và MaritimeBank.

Đến năm 2020, các ngân hàng Việt phải đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) 8% theo quy định tại Thông tư 41 của NHNN, tương ứng với chuẩn Basel II.

Tháng 11/2018, VIB và Vietcomnbank đã trở thành 02 ngân hàng Việt đầu tiên đủ điều kiện áp dụng CAR theo chuẩn mực Basel II.

Việc áp chuẩn quốc tế vào hoạt động ngân hàng là việc cần khuyến khích, trước đó vào tháng 12/2017, OCB đã công bố hoàn thành dự án Basel II nhưng đến nay vẫn chờ NHNN “xác thực”.

Hiệp ước vốn Basel I, II là những quy định về hệ thống đo lường vốn được Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking Supervision - BCBS) gồm 10 nước phát triển (G10) ban hành.

Basel II có hiệu lực năm 2007, với 3 trụ cột chính: Yêu cầu vốn tối thiểu dựa trên Basel I; Xem xét giám sát quá trình đánh giá nội bộ và sự đủ vốn của các tổ chức tài chính; Sử dụng hiệu quả công bố thông tin nhằm lành mạnh kỷ luật thị trường.

245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng Chu Thị Bình gửi tại ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM bỗng dưng “bốc hơi”. Bà Chu Thị Bình đã trình báo cơ quan cảnh sát điều tra phía Nam, Eximbank đã phải tạm ứng 245 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình.

Tháng 11/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên Eximbank phải trả cả gốc và lãi phát sinh cho bà Chu Thị Bình; tuyên án đối với 06 bị cáo liên quan; riêng Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM – kẻ chủ mưu, đang bị truy nã nên nội dung này sẽ được tách ra, khi bắt được Lê Nguyễn Hưng sẽ giải quyết sau. Eximbank đã kháng cáo.

Công dân Nguyễn Cà Rê (Cần Thơ) đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực bị phạt 90 triệu đồng vì đổi ngoại tệ ở địa điểm chưa được cấp phép.

Tiệm vàng Thảo Lực bị phạt tổng cộng 295 triệu đồng, kèm tịch thu 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Vụ việc đã gây “bão” dư luận, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng phạt 90 triệu đồng hành vi mua - bán ngoại tệ trái phép đối với công dân Nguyễn Cà Rê là chưa hợp tình. Người dân có ngoại tệ khi có nhu cầu chuyển đổi sang tiền đồng, Nhà nước cần tạo điều kiện và khuyến khích họ.

Tuy nhiên, cần phạt nghiêm những tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ nhưng vẫn thực hiện hành vi này.

Sau vụ việc trên, mức phạt vi phạm hành vi mua - bán ngoại tệ không đúng nơi quy định dự kiến sửa đổi giảm từ 80 - 100 triệu đồng xuống mức 10 - 20 triệu đồng.

Tại vụ án DongABank, theo cáo trạng, ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT DongABank, đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các lệnh thu – chi khống, cho vay khống để tất toán tiền mua hơn 74 triệu cổ phần DongABank, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 3.608 tỷ đồng, khiến DongA Bank tại thời điểm ngày 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng…

Tại phiên xét xử sơ thẩm, ông Trần Phương Bình đã bị Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên án chung thân; đồng phạm Vũ "nhôm" bị tuyên phạt 17 năm tù; các bị cáo khác phải chịu án phạt tù tương ứng với vai trò giúp sức tích cực.

Từ ngày 12/10/2018, các hoạt động thương mại biên giới Việt – Trung được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ (CNY), tiền đồng (VND) hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định tại Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đại diện NHNN, thương nhân chỉ được nhận thanh toán bằng tiền mặt (VND, CNY) trên cơ sở hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và nộp ngay vào tài khoản mở tại ngân hàng thương mại trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền, không cho phép lưu thông trên thị trường lượng CNY tiền mặt này.

Hiện một số ngân hàng có hoạt động thanh toán biên mậu: Agribank, BIDV, Sacombank, MB, LienVietPostBank.

CNY đã trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế, được Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào rổ tiền tệ dự trữ quốc tế từ 01/10/2016.

Sacombank, Agribank, Vietinbank là những cái tên sáng giá trong bán nợ xấu năm qua.

Sacombank đã lập kỷ lục khi là ngân hàng cùng lúc rao bán hàng chục bất động sản là nợ xấu có giá trị khủng, trong đó các dự án nghìn tỷ đồng như: Dự án Khu Công nghiệp Phong Phú, giá bán khởi điểm là 7.600 tỷ đồng; Dự án Khu dân cư Bình Trị Đông, giá bán khởi điểm 6.698 tỷ đồng…

Đến nay, có 06 ngân ngân hàng công bố đã xóa sạch nợ tại VAMC, gồm: VietinBank, Vietcombank, Techcombank, MBBank, ACB và VIB.

Chạy đua áp chuẩn Basel II, nhiều ngân hàng phải tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR). Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tăng vốn điều lệ từ 1,8 - 2 lần so với mức cuối năm 2017 để đảm bảo CAR.

BIDV hiện có sở hữu Nhà nước tới 95%, dự kiến sẽ bán hơn 600 triệu cổ phần cho ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc) để tăng vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng.

Vietcombank có mức sở hữu Nhà nước hơn 77%, cũng sẽ phát hành gần 360 triệu cổ phần (54 triệu cho Ngân hàng Mizuho Nhật Bản và 306 triệu cổ phần dành cho các nhà đầu tư khác) để tăng vốn điều lệ từ 35.978 tỷ lên 39.575 tỷ đồng.

Riêng VietinBank có sở hữu Nhà nước còn 65%, việc tăng vốn qua phát hành riêng lẻ và phát hành cổ tức bằng cổ phiếu gặp khó, ngân hàng này đang kiến nghị NHNN cho thí điểm giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước còn 51% lộ trình đến năm 2020.

Năm 2018, ngành ngân hàng vẫn hoạt động kinh doanh rất khả quan, 09 tháng đầu năm đã có nhiều ngân hàng đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Nhiều ngân hàng lớn đạt gần 90% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm tới hàng nghìn tỷ đồng, như: Vietcombank (11.600 tỷ đồng), Techcombank (7.774 tỷ đồng), Vietinbank (7.500 tỷ đồng), BIDV (7.200 tỷ đồng)...

Những ngân hàng 9 tháng nhưng đã vượt kế hoạch năm lại là những ngân hàng nhỏ, như: VietCapitalBank đạt lãi trước thuế 139 tỷ, hoàn thành 179% kế hoạch; MaritimeBank đạt 290 tỷ, hoàn thành 149%; VietBank 302 tỷ, hoàn thành 101%; NamABank đạt 471 tỷ, hoàn thành 147%.

Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng năm 2018 không được mùa như năm 2017, cổ phiếu bắt đầu leo dốc từ giữa năm 2017, tiếp tục leo cao đến cuối năm 2017, đạt đỉnh cuối quý I/2018, điều chỉnh vào cuối năm khiến nhiều nhà đầu tư “sấp mặt” khi chưa kịp thoát hàng.

Thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng cuối năm 2018 về bằng hoặc thấp hơn mức giá khởi động đầu năm, tụt xa so với "đỉnh" lập được trong năm nay.

NHNN đã chính thức chấp thuận cho sáp nhập ngân hàng PGBank vào ngân hàng HDBank theo văn bản 6785. Vốn điều lệ của ngân hàng sau sáp nhập là 12.810 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2018, tổng tài sản của PGBank đạt 27.064 tỷ đồng. Nợ xấu 946 tỷ đồng. Tổng số cán bộ nhân viên là 1.561 người.

HDBank sau sáp nhập tổng tài sản sẽ tăng 41% và đạt 267.256 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 432.245 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu sau sáp nhập là 17.762 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 28.842 tỷ đồng.

Như vậy, so sánh tương quan về quy mô tổng tài sản sau sáp nhập, HDBank sẽ lọt Top 10.

LINH LAN - TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/10-su-kien-noi-bat-nganh-ngan-hang-nam-2018-3486333.html