Yêu cầu cấp thiết để chuyển đổi giao thông xanh
Trước xu hướng tăng nhanh số lượng phương tiện sử dụng năng lượng sạch, nhất là ô-tô điện và xe buýt điện, Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước yêu cầu cấp thiết về phát triển đồng bộ hạ tầng trạm sạc.
Đây không chỉ là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông theo hướng phát thải thấp, mà còn là bước đi cần thiết trong chiến lược phát triển đô thị xanh, hiện đại.
HẠ TẦNG TRẠM SẠC CHƯA THEO KỊP
Thành phố Hồ Chí Minh hiện quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện giao thông, trong đó xu hướng sử dụng xe điện đang tăng nhanh, nhất là ở khu vực nội đô. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hạ tầng trạm sạc chưa phát triển tương xứng. Tính đến nay, tại thành phố mới chỉ có vài doanh nghiệp đầu tư trạm sạc, chủ yếu phục vụ cho xe buýt và taxi điện của các đơn vị như Công ty Vinbus hay Phương Trang.
Đáng chú ý, thành phố mới có khoảng 8% số xe buýt sử dụng điện (168/2.221 xe), trong khi theo kế hoạch, đến năm 2030, toàn bộ xe buýt đều phải chuyển sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Điều này đòi hỏi việc đầu tư hệ thống trạm sạc phải được thực hiện khẩn trương và đồng bộ, nếu không sẽ làm chậm lộ trình thực hiện các cam kết quốc gia về phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) đến năm 2050.
Trước nhu cầu bức thiết đó, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố (Sở Xây dựng) cho biết, đơn vị đang phối hợp Sở Xây dựng trình đề án đầu tư 19 trạm sạc phục vụ xe buýt điện, tận dụng quỹ đất tại các bến, bãi xe buýt hiện hữu. Các vị trí này phân bố tại một số khu vực như: Công viên 23/9, Thủ Đức, Hóc Môn, Cần Giờ… với diện tích từ 50 m² đến gần 800 m²/trạm.
Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố cho biết, nếu được phê duyệt, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và triển khai xây dựng trong năm nay. Ước tính chi phí đầu tư 19 trạm sạc khoảng 1.220 tỷ đồng.
Song song đó, Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) cũng đề xuất xây dựng thêm tám trạm sạc tại các bến xe lớn như Miền Đông, Miền Đông mới, Miền Tây, An Sương… với tổng vốn khoảng 800 tỷ đồng. Trước đó, tại khu vực trung tâm, Công ty cổ phần Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN đã lắp đặt trạm sạc có công suất 120 kW với hai trụ sạc phục vụ đồng thời bốn ô-tô tại đường Huyền Trân Công Chúa, phường Bến Thành. Đây được xem là mô hình điểm cho việc phát triển trạm sạc ở khu vực nội đô, nơi nhu cầu sử dụng xe cá nhân chạy điện đang gia tăng.
HỆ THỐNG TRẠM SẠC QUYẾT ĐỊNH LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI
Theo ông Nguyễn Duy Khánh, Giám đốc Xí nghiệp vận tải buýt (Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn), bài toán đầu tư xe buýt điện không thể tách rời điều kiện hạ tầng, nhất là hệ thống trạm sạc. Thực tế hiện nay cho thấy phần lớn doanh nghiệp phải tự đầu tư trạm sạc riêng nếu muốn vận hành xe điện, do chưa có hệ thống công cộng hỗ trợ. “Việc thiếu trạm sạc là rào cản lớn khiến doanh nghiệp chùn bước khi tham gia vào lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh”, ông Khánh nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn (Trường đại học Việt Đức) đánh giá: Nếu thành phố muốn đạt mục tiêu thay mới hơn 2.000 xe buýt chạy điện trong 5 năm tới, cần trung bình mỗi năm thay khoảng 400 xe, đồng thời phải phát triển ít nhất 25 trạm sạc với 269 trụ sạc điện. Theo ông Tuấn, để thực hiện điều này, ngoài đầu tư vốn, thành phố cần lập và phê duyệt ngay quy hoạch mạng lưới trạm sạc điện. Trong đó, ưu tiên sử dụng quỹ đất công và đưa ra chính sách cho thuê với giá ưu đãi để thu hút doanh nghiệp.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô hành khách Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các sở, ngành cần sớm tham mưu xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện, đồng thời khuyến khích đầu tư phát triển trạm sạc, nhất là tại các điểm đầu, cuối tuyến xe buýt và các khu đô thị đông dân.
Nhằm tháo gỡ nút thắt về hạ tầng, mới đây Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất vị trí xây dựng hệ thống trạm sạc điện trên toàn địa bàn. Yêu cầu đặt ra là các vị trí phải phù hợp quy hoạch giao thông-đô thị, có chỗ đậu xe và phương án tổ chức giao thông hợp lý. Sở Xây dựng đề nghị Sở Công thương ban hành hướng dẫn kỹ thuật về lắp đặt trạm sạc trên cơ sở quy định ngành điện lực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chỉ rà soát và đề xuất là chưa đủ, điều quan trọng là thành phố cần có quy chuẩn kỹ thuật về trạm sạc điện, từ công suất, thiết kế đến vận hành và bảo trì. Đây là cơ sở để bảo đảm an toàn kỹ thuật, kết nối đồng bộ và khả năng mở rộng hệ thống trạm sạc trong tương lai. Ngoài ra, chính sách tín dụng xanh, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trạm sạc cũng là một trong những chìa khóa để thúc đẩy nhanh tốc độ triển khai.
Chuyển đổi phương tiện giao thông theo hướng điện hóa không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu tất yếu trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sống, cải thiện chất lượng không khí đô thị. Việc đầu tư bài bản và đồng bộ mạng lưới trạm sạc không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân yên tâm sử dụng xe điện mà còn là tiền đề cho cuộc cách mạng giao thông xanh, hướng đến một Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, thông minh, phát triển bền vững.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/yeu-cau-cap-thiet-de-chuyen-doi-giao-thong-xanh-post894471.html