Trong khu vườn của mẹ

Minh họa: Bích Ngọc

Minh họa: Bích Ngọc

Ngồi trong khu vườn của người mẹ ấy chỉ có gió xào xạc trên tán trúc. Cây vối cho lá, cây chanh cho quả, nhành phong lan bám chặt thân cây mít… Vĩnh thấy như chính mảnh vườn dưới quê của mẹ anh ngày nào…

Còn nhớ ngày mới về đây, lúc chuẩn bị khởi công, ngó qua tường rào, Vĩnh bàng hoàng hỏi bạn:

- Chết dở, sao biết kia tường lại có mồ mả, ông thăm dò kiểu gì vậy Khánh?

Là người tìm đất giúp bạn, Khánh động viên bạn:

- Yên tâm, tôi tìm hiểu rồi, là mộ gió thôi…

Mỗi sáng, bà cụ bên ấy thường ra quét sân, tiếng chổi đều đặn, chậm chạp, từ tốn như một điệu nhạc bình yên. Mái đầu cụ trắng như cước, đôi mắt hiền từ. Lúc nào bên chân cụ cũng có chú mèo vàng lông mượt như một đứa trẻ nũng nĩu. Bà cụ có thể ngồi hàng giờ tâm sự với mèo trước khi đi vào bếp nấu nướng chuẩn bị cho bữa trưa.

Vĩnh quyết định phá vỡ sự im lặng của mình bằng một chùm quả nhâm vòng mang từ quê lên và để bé Lan bê khệ nệ mang sang biếu bà. Bà cụ thân thiện:

- Đợi bà mở cửa nhé, mời hai bố con vào chơi.

Bước vào sân lát gạch bản, Vĩnh nhận ra hai cha con anh có lẽ là những vị khách hiếm hoi. Bà cụ đón những trái nhâm chín mọng đầy xúc động và nói rằng sẽ ngâm để phòng lúc húng hắng ho. Trên hai cái chén men Bát Tràng, nước nụ vối được bà rót ra từ cái ấm tích cùng giọng nói ấm áp:

- Hôm nay bố con cháu trước là sang thăm bà, sau là muốn được quấy quả bà nhiêu hơn. Thật ra bé Lan sinh ra khi bà nội của cháu đã mất lâu rồi…

Câu nói của Vĩnh khiến giọt nước mắt ứa ra trên khóe mắt khô hạn của bà cụ. Chỉ có bé Lan vẫn hồn nhiên ngồi vuốt ve chú mèo vàng ở góc sân.

- Thằng Cảnh nhà tôi mà còn… chắc giờ này cũng có mụn con bằng bé Lan rồi. Nó hy sinh chừng ấy năm vẫn chưa tìm được mà đón về…

Vĩnh đủ từng trải để xâu chuỗi mọi chuyện lại. Có lẽ phía bụi trúc xa kia với tấm bia có hàng chữ mờ nhòe là dấu tích còn lại của một đời người. Anh đợi cho một phút dài như sợi dây thít chặt cổ họng trôi qua mới mở lời.

- Vâng, người lính hy sinh vì cả đất nước này thì bọn con mới được như ngày hôm nay, bà cứ coi bọn con như con cháu trong nhà.

Bà cụ lặng im. Hình như đó là câu trả lời của một người đã khóc hết nước mắt nhưng chưa bao giờ ân hận khi tiễn con ra mặt trận. Từ hôm ấy, lúc thì bé Lan sang líu lo trò chuyện, lúc thì Vĩnh qua thay cho bà cụ cái bóng đèn, sửa cái vòi nước, sân nhà luôn có tiếng nói cười vui của mấy bà con…

Một lần, Vĩnh thấy bà cụ cẩn thận gỡ tờ lịch, vuốt phẳng và đặt vào một chiếc hộp. Trong chiếc hộp ấy, anh thấy không biết có bao nhiêu tờ lịch từ nhiều năm trước được xếp ngay ngắn. Chừng ấy năm, người mẹ ấy đã đợi chờ mong ngóng. Hôm nay hẳn là ngày mất, ngày nhận giấy báo tử của liệt sĩ Cảnh…

* * *

Biết Khánh vẫn đang làm bộ phận chính sách của gia đình liệt sĩ, Vĩnh gọi điện muốn nhờ kiếm tìm nhưng hóa ra sự việc không hề đơn giản. Trong hồ sơ có tên liệt sĩ Lê Đức Cảnh như mọi thông tin về ngày tháng năm sinh, ngày nhập ngũ đều không trùng khớp với người con của cụ bà hàng xóm. Thấy Vĩnh băn khoăn, Khánh giảng giải:

- Trường hợp bà cụ hàng xóm ấy tôi lưu ý từ lâu rồi nhưng như đi vào ngõ cụt vì anh Cảnh hy sinh trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Cả nhóm trinh sát của anh đụng phải một toán lính đối phương. Sau này khi đơn vị khác tái chiếm lại trận địa mới thu thập thông tin và chôn cất có thể có sự sai lệch về thông tin chăng? Hơn nữa, trong cuộc chiến tranh ác liệt đâu có nhiều thời gian để chôn cất…

Vĩnh như người đi trong sương mù, rất muốn tìm thấy lối ra nhưng bản thân anh cũng chưa thể tìm thấy dấu mốc nào để định vị hướng đi của mình. Nhìn dòng người đang tấp nập trên phố trong một chiều nắng, Vĩnh cảm nhận được từ tiếng còi xe, từng vòng bánh xe lăn sự mệt mỏi sau một ngày lao động nhưng cũng chứa đựng trong đó sự náo nức được trở về tổ ấm bình yên của mình. Anh nhớ đến bé Lan, nhớ lời dặn mua búp bê ở cái cửa hàng bán đồ lưu niệm của hai ông bà cán bộ văn hóa về hưu. Mấy lần anh đến mua hàng ông thường pha ấm trà Thái mới mua, nước thơm đằm vị, bà thường gửi cho con gái anh khi thì quyển sách cũ, lúc thì cái dây buộc tóc. Những cử chỉ nhỏ nhưng khiến anh thấy cảm động về những người dân nơi đây.

Ông cụ đứng dậy tìm hộp chè. Hôm nay nhìn ông có vẻ hào hứng nhưng cái đầu gối bên phải cử động có vẻ khó khăn, Vĩnh tỏ ra lo lắng:

- Mấy nay mưa nắng thất thường chắc bác lại đau xương khớp phải không ạ?

Nghe thấy anh nói thế, bà cụ nói vọng ra:

- Chưa kịp để thời tiết hành hạ thì ông ấy đã làm cho nó đau rồi chú ạ…

Anh bật cười, hai ông bà luôn hóm hỉnh như thế. Trà đã được rót ra chén, ông cụ từ tốn kể lại một tháng qua đã đến những đâu, tìm hiểu tháo gỡ những gì. Vĩnh ngỡ ngàng như vừa đọc xong một cuốn sách quý:

- Vậy ra bấy lâu nay bác đã đi tìm hài cốt liệt sĩ. Cơ duyên nào đưa bác đến với công việc khó khăn này thế?

- Là từ lúc đi tìm người anh cả của tôi. Tôi tự đi tìm và từ đó như có một “lực hút” vô hình, tôi tham gia cùng anh em trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam của tỉnh…

Như bắt được vàng, Vĩnh mở cặp lấy ra chiếc túi hồ sơ đựng tài liệu ghi chép, photo có liên quan đến liệt sĩ Lê Đức Cảnh. Nhưng, ông cụ bảo rằng anh phải tìm được một đồng đội nào đó cùng chiến đấu hoặc nhập ngũ với liệt sĩ Cảnh thì mới thuận lợi và chắc chắn.

* * *

Căn nhà của Vĩnh đã được hoàn thiện dần sau gần nửa năm. Từ chỗ chỉ có ngôi nhà, giờ sân vườn đã có cây lên xanh, hoa nở và những tiểu cảnh bắt mắt. Cuộc sống ở nơi làm việc mới đã ổn định nhưng trong lòng anh vẫn canh cánh chưa yên. Bé Lan từ ngoài sân chạy vào khiến anh bất ngờ:

- Sao con lại về được đây, bố định đi đón con mà, ai đưa con về?

- Nay cô giáo dạy vẽ có việc cho lớp nghỉ sớm, con đi cùng xe với bạn Linh về đây. Nay bố bạn ấy mang ô tô đi đón.

- Ồ, thế sao con không mời chú ấy vào nhà mình chơi?

- Con quên mất ạ, nhưng chú ấy bảo nhà mình cạnh nhà bà cụ chú ấy quen lắm…

Vĩnh giật mình:

- Quen thế nào con?

- Thì hôm nào đi đón con bố gặp chú ấy hỏi xem, con chỉ biết chơi với bạn Linh con chú ấy thôi…

Vĩnh linh cảm thấy có một tia hy vọng. Sau đó một tuần anh đã gặp được bố của Linh và được biết người anh cả của anh ta cùng nhập ngũ với liệt sĩ Lê Đức Cảnh nên ngỏ ý muốn đến nhờ bác cả cung cấp thông tin. Đứng trước người thương binh mất đi một cánh tay, người anh cả của dòng họ Phạm và cũng là tấm gương vượt khó làm giàu, Vĩnh xúc động lắng nghe từng lời: “Năm đó, tôi vẫn nhớ tôi và Cảnh cùng nhập ngũ và còn anh gì nữa nhỉ, tên gần giống… lần đó Cảnh dũng cảm chiến đấu…”.

Câu chuyện của người cựu chiến binh đã giúp cho Vĩnh có một ý nghĩ. Anh ngồi trong khu vườn của bà cụ hàng xóm và ngẫm nghĩ. Biết đâu có sự nhầm lẫn giữa tên và thông tin. Sau rồi anh có một thắc mắc:

- Bà cho con hỏi, ngày xưa ở vùng này có ai tên Anh, tên Mạnh, tên Danh… tức là có vần “anh” không bà?

- Mấy cái tên đó thì không có đâu nhưng hình như cách đây mấy xã cũ có một người tên Ảnh…
Thế là hướng tìm kiếm mới được mở ra, sau nhiều ngày lặn lội Vĩnh và Khánh đã hiểu có sự nhầm lẫn giữa thông tin của liệt sĩ Lê Đức Cảnh và Vũ Đình Ảnh. Có thể do vội vã trong chiến tranh, do sự nhầm lẫn từ giọng nói miền Bắc khi đó cũng nên…

Ngày hài cốt liệt sĩ Lê Đức Cảnh được đưa về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh, ngày người mẹ nơi vườn vắng không còn phải ngóng con về bên ngôi mộ gió đã đến. Những vòng hoa thành kính đặt bên ngôi mộ mới như một lời tri ân. Bà cụ lấy chiếc hộp ra, cẩn thận cất thêm một tờ lịch cuối đặt lên trên các tờ khác đánh dấu ngày anh Cảnh trở về…

Sáng nay, trong khu vườn nhà bên, Vĩnh lại thấy con gái đang ríu rít chuyện trò cùng bà cụ và chú mèo lông vàng…

Truyện ngắn: Bùi Việt Phương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/van-hoc---nghe-thuat/202507/trong-khu-vuon-cua-me-4383cb5/