Tri ân đồng đội bằng việc làm ý nghĩa

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng với cựu chiến binh Lê Văn Chớ vẫn bền bỉ hơn 30 năm đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Với ông, việc đưa được đồng đội trở về là bổn phận, trách nhiệm và là nghĩa tình tri ân các đồng đội.

Mỗi tấm ảnh, mỗi dòng tư liệu là một phần ký ức của cựu chiến binh Lê Văn Chớ trên hành trình tìm lại đồng đội. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Mỗi tấm ảnh, mỗi dòng tư liệu là một phần ký ức của cựu chiến binh Lê Văn Chớ trên hành trình tìm lại đồng đội. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Người lính trở về từ lằn ranh sự sống

Cuối tháng 7, trong căn nhà nhỏ ở phường Thành Sen (Hà Tĩnh), chúng tôi gặp cựu chiến binh Lê Văn Chớ (75 tuổi) khi ông đang thắp nén hương lên bàn thờ chung các liệt sĩ. Mắt nhìn xa xăm, ông chậm rãi nói: “Chiến tranh đã qua, nhưng nỗi đau người ở lại thì chưa dứt. Những liệt sĩ tìm thấy còn có người thân chăm nom, nhưng vẫn còn biết bao người nằm đâu đó trong lòng đất, bao gia đình vẫn mỏi mòn trông ngóng...”.

Cuối năm 1966, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Lê Văn Chớ lên đường nhập ngũ và được cử đi học tại Trường trinh sát đặc công. Sau khóa huấn luyện, ông được điều vào chiến trường B, trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị trong đội hình Trung đoàn 812. Từ năm 1967 - 1970, ông tham gia gần 100 trận đánh, từng 7 lần được phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ".

Trận đánh khốc liệt nhất mà ông còn nhớ rõ là trận chiếm cao điểm 440 tại động Chiêm Dòng phía Tây Hải Lăng (Quảng Trị) vào đêm 18/5/1970. Đây là đợt thi đua lập công chào mừng sinh nhật Bác Hồ. Đại đội 20 đặc công và Đại đội 2 Tiểu đoàn 4 do đồng chí Võ Mai Phong làm Đại đội trưởng nhận lệnh tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 54 ngụy đóng trên động Chiêm Dòng.

“Tôi được giao chỉ huy mũi chủ công đánh vào sở chỉ huy và trung tâm thông tin địch. Địch bố trí phòng thủ dày đặc, bắn ra như vãi đạn. Tôi bị thương vào tay nhưng vẫn tiếp tục cùng đồng đội xông lên. Khi trúng đạn lần thứ hai, tôi lịm dần trong tiếng súng cùng hình ảnh đồng đội tiếp tục tấn công” - ông Chớ nhớ lại.

Cựu chiến binh Lê Văn Chớ kể, ông bị đạn xuyên từ lưng ra bụng, ruột đứt làm 4 đoạn. Tiểu đoàn phó Nguyễn Phi Khương lấy bát B52 úp bụng, dùng mũ tai bèo buộc lại rồi đưa về trạm cứu thương. Trận này, Tiểu đoàn 4 có 10 chiến sĩ hy sinh, ông Chớ được đưa vào túi nilon – loại “quan tài dã chiến” để chuẩn bị mai táng. Nhưng bằng một kỳ tích, đồng đội phát hiện túi nilon phập phồng liền chuyển ông vào hầm phẫu thuật. Bác sĩ Nguyễn Đình Căn cùng tổ quân y kịp thời mổ cứu, đưa ông “từ cõi chết trở về”.

Sau thời gian điều trị hậu phẫu, giữa năm 1971, ông Chớ trở lại quân đội, giữ chức vụ trợ lý đặc công tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1976, ông phục viên và hưởng chế độ thương binh hạng 2/4 với tỷ lệ thương tật 61%.

Gần 30 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ

Với những người lính trở về, ký ức về đồng đội là nỗi đau không nguôi, và ông Lê Văn Chớ không ngoại lệ. Ông luôn day dứt về món nợ thiêng liêng với những người đã ngã xuống, đau đáu làm điều gì đó để tri ân các anh hùng liệt sĩ. Từ năm 1995, ông cùng Ban liên lạc cựu chiến binh bắt đầu hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội. Gần 30 năm qua, họ đã miệt mài chắp nối thông tin, phối hợp thân nhân liệt sĩ, khảo sát thực địa khắp các vùng chiến sự xưa để đưa nhiều hài cốt về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà.

“Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khó quên. Chúng tôi ăn cơm rừng, ngủ võng, trèo đèo, lội suối, băng qua rừng sâu để quay lại những trận địa xưa. Chỉ cần có một chút manh mối, chúng tôi lại lên đường, chạy đua với thời gian để kịp tìm đồng đội” - ông Chớ chia sẻ.

Không chỉ tìm kiếm hài cốt, ông Chớ còn dày công thu thập hồ sơ, chứng cứ để đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các liệt sĩ. Nhiều hồ sơ được ông Chớ gửi đi cùng những thông tin xác thực mà ông đã gìn giữ suốt mấy chục năm.

Có lần tìm được hài cốt, ông Chớ lặng lẽ bật khóc bởi từ nay, thêm một người có nơi hương khói, một gia đình có điểm tựa tâm linh. Và, mỗi khi tìm được một đồng đội, lòng ông lại thanh thản hơn. “Chỉ khi nào tìm hết được các anh, tôi mới thấy trọn nghĩa trọn tình” - ông Chớ xúc động nói.

Năm 2025, ông Chớ và Ban liên lạc đã tìm thêm được 6 hài cốt liệt sĩ. Dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn không nản chí. Với ông, chiến tranh có thể đã đi qua, nhưng những mất mát và nghĩa tình vẫn còn đó. Ông Chớ cũng cho biết, đến khi nào chân không đi được nữa thì lúc đó hành trình tri ân của ông mới dừng lại.

Ông Trần Xuân Hồng - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 9, phường Thành Sen (trước đây là phường Nam Hà) chia sẻ: Cựu chiến binh Lê Văn Chớ là một người sống nghĩa tình, luôn nhiệt huyết với bà con lối xóm, trách nhiệm với phong trào địa phương. Trong bất kỳ hoạt động nào của chi hội hay các tổ chức đoàn thể, ông đều tích cực tham gia, không nề hà gian khó. Không chỉ gắn bó với đời sống cộng đồng, ông Chớ còn dành nhiều năm cùng nhóm đồng đội tìm kiếm thông tin về các anh hùng liệt sĩ. Từ những mảnh tư liệu ít ỏi, những lời kể của nhân chứng, ông kiên trì lần theo dấu vết để góp phần đưa các liệt sĩ trở về với quê hương, gia đình.

Cẩm Kỳ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tri-an-dong-doi-bang-viec-lam-y-nghia-10311373.html