Tổng Bí thư Tô Lâm - Một tấm lòng tri ân và hành động

HNN - Trong âm vang của những ngày tháng Bảy, chúng ta điểm lại những lời nói và hành động của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện tấm lòng tri ân với những anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và những người có công với cách mạng.

Ngày 24/7, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu . Ảnh: TTXVN

Ngày 24/7, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu . Ảnh: TTXVN

Càng chậm là càng có lỗi với Nhân dân, với các liệt sĩ

“Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đời đời ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trường tồn”, là dòng chữ tri ân đầy nghĩa tình, thấm đẫm tâm can được Tổng Bí thư Tô Lâm trân trọng viết vào Sổ truyền thống tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên vào ngày 5/2/2025. Đó là lời hiệu triệu, nhắc nhở và là một kim chỉ nam cho hành trình đi tới tương lai của dân tộc Việt Nam. Trong hai câu văn ngắn gọn ấy, có lịch sử, có máu và nước mắt, có tấm lòng tri ân của hậu thế dành cho bao thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tư do cho Tổ quốc.

Sự tri ân của người đứng đầu Đảng và Nhà nước là cả một hành trình thấm đẫm cảm xúc, trải dài trên nhiều vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 15/10/2024, tại Quảng Trị, Tổng Bí thư dâng hương tại Thành cổ, viếng các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Trường Sơn. Ngày 5/2/2025, đồng chí lại có mặt ở Hà Giang, thành kính tưởng niệm những người con đã ngã xuống tại Vị Xuyên vì độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Đến ngày 21/4/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm xúc động gặp mặt các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thanh niên xung phong (TNXP), biệt động Sài Gòn là những nhân chứng sống của Chiến dịch Hồ Chí Minh huyền thoại.

Tại đây, Tổng Bí thư cho biết, Chính phủ đã có nghị định mới, với tinh thần quyết tâm trong công tác đi tìm danh tính cho các liệt sĩ. Bộ Công an với Đề án 06 cũng đã tích cực lấy mẫu gen, xác định ADN thân nhân liệt sĩ. Tổng Bí thư khẳng định: “Việc này không thể chậm hơn được nữa, 50 năm rồi... càng chậm là càng có lỗi với Nhân dân, với các liệt sĩ”. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi chiến tranh lùi xa nhưng những cuộc hồi hương dang dở của hàng vạn hài cốt liệt sĩ vẫn chưa hoàn tất. Có những nấm mồ vô danh, có những người mẹ, người vợ đã nhắm mắt mà chưa được biết chồng, biết con mình nằm ở đâu. Lời của Tổng Bí thư là sự thôi thúc từ lương tri của một người đứng đầu Đảng, người nhận lãnh trách nhiệm trước hồn thiêng sông núi và trước cả những ước nguyện chưa trọn của Nhân dân.

Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc nhở chúng ta về một thực tế đau đáu rằng: “Đất nước đã hòa bình, non sông đã liền một dải, biên cương cũng đã im tiếng súng, nhưng vẫn còn đó niềm mong muốn khắc khoải, được đưa những người con trung hiếu đã anh dũng hy sinh trở về với quê hương, đoàn tụ với gia đình”. .. Tổng Bí thư đã mở ra một không gian suy tưởng rộng lớn qua “niềm mong muốn khắc khoải” về ký ức chiến tranh, bản chất của hòa bình và về lẽ sống của những người đang mang trách nhiệm viết tiếp trang sử đất nước. Hòa bình là khi vết thương chiến tranh được hàn gắn, khi người đang sống làm tròn trách nhiệm, bổn phận, nghĩa cử với người đã khuất.

Bên cạnh sự tri ân, Tổng Bí thư còn đặt ra mục tiêu hành động cụ thể: “100% người có công phải có mức sống trên trung bình so với dân cư cùng địa bàn; những người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, hải đảo phải được ưu tiên hỗ trợ xóa đói giảm nghèo bền vững”. Tổng Bí thư nhiều lần nêu cao về vai trò gương mẫu, tiên phong của các cựu chiến binh (CCB) trong công cuộc phát triển đất nước, giáo dục lòng yêu nước và ý chí vươn lên cho thế hệ trẻ. Tại buổi gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP ngày 9/4/2025 ở Hà Nội, Tổng Bí thư chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa, nhưng phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, của những người TNXP, dân quân tự vệ năm xưa vẫn luôn tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay”. Đồng chí ca ngợi tinh thần “quyết chiến quyết thắng”, “thần tốc, táo bạo” đã hóa thân trong từng hành động đời thường, góp phần xây dựng đất nước hùng cường từ những điều giản dị. Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu đầy xúc động và hàm chứa chiều sâu tư tưởng tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VII và lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Hội CCB Việt Nam vào ngày 4/12/2024: “Các đồng chí luôn là những tấm gương sáng về giáo dục lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo”.

 Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu Ảnh: TTXVN

Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc

Trong làn sóng khởi nghiệp và phát triển kinh tế địa phương, không hiếm những doanh nhân CCB thành đạt. Họ mang theo tác phong kỷ luật, tính kiên trì, lòng chính trực và tinh thần trách nhiệm từ chiến trường xưa vào thương trường nay. Họ làm giàu cho bản thân, giúp đỡ đồng đội, tạo công ăn việc làm cho người dân, đóng góp ngân sách cho địa phương, nâng đỡ những hoàn cảnh khó khăn… Nhưng hơn hết, họ chính là những tấm gương sáng trong thời đại mà thế hệ trẻ dễ bị hút vào vòng xoáy vật chất, dễ lạc mất phương hướng, thì chính những người CCB với câu chuyện đời, với tinh thần tự lực, kiên cường đã thắp lên ánh sáng dẫn đường. Họ hiện diện như một nhân cách sống động khơi dậy trong lòng người trẻ niềm yêu nước thiết tha, lòng biết ơn sâu sắc và khát vọng sống có ích, sống cống hiến vì cộng đồng, vì đất nước.

Còn nhớ, vào ngày 22/7/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu. Trước những mái đầu bạc trắng, những thân thể còn hằn vết thương của chiến tranh, Tổng Bí thư bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng những người đã hy sinh và cống hiến thầm lặng, để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình đổi mới và phát triển đất nước. Đồng chí biểu dương tinh thần: “Với ý chí tự lực, tự cường, rất nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, gian khó, tiếp tục hòa mình vào cuộc sống, là những ngọn đuốc sáng trong lao động, học tập và chiến đấu”. Những con người ấy chính là biểu tượng sống động của bản lĩnh và niềm tin Việt Nam, là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ noi theo.

Ngày 15/7/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã tới thăm, tặng quà thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (phường Ninh Xá, tỉnh Bắc Ninh). Tại đây, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn nhất quán quan điểm: “Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam”. Tổng Bí thư Tô Lâm gọi người có công là “tài sản quý báu”, là đặt người có công vào vị trí không gì có thể thay thế được trong ký ức và tương lai đất nước. Những người có công với cách mạng là những liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, TNXP, cán bộ kháng chiến là cốt lõi làm nên sức mạnh Việt Nam. Họ là nhân chứng của lịch sử, là biểu tượng sống động của lòng yêu nước và đạo lý dân tộc. Không có sự hy sinh của những thế hệ cha ông đi trước, không có những tháng năm kháng chiến kiên cường, chúng ta sẽ không có một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập và đang từng bước vươn mình mạnh mẽ như hôm nay. Các thế hệ cha ông đi trước với phẩm giá được thử thách trong gian lao, rèn luyện trong lửa đạn, và gìn giữ trong suốt cuộc đời sau chiến tranh, bằng sự tiếp tục cống hiến, bằng tinh thần tự lực, tự cường, sống đẹp và sống gương mẫu. Chính vì thế, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” là một chính sách lớn, là “mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm chính trị, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Chuẩn mực đạo lý dân tộc là biết ơn người đi trước là cách tốt nhất để dạy dỗ người đi sau.

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tựa đề “Uống nước nhớ nguồn”. Trong bài viết, Tổng Bí thư Khẳng định: Chúng ta không thể có ngày hôm nay, không thể có một Việt Nam đổi mới, phát triển, hội nhập sâu rộng nếu không có mồ hôi, máu xương của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những người mẹ, người cha sẵn sàng động viên con cháu ra trận và giành phần khó khăn, gian khổ, mất mát về mình với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “tất cả vì tiền tuyến”. Cùng với cha ông, hơn 1,2 triệu liệt sĩ, 9,2 triệu người có công với cách mạng và thân nhân người có công trên toàn quốc hiện nay, tất cả Họ là linh hồn bất tử của dân tộc, là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam…

SỬ KHUẤT

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/tong-bi-thu-to-lam-mot-tam-long-tri-an-va-hanh-dong-156079.html