Tháng bảy, những bước chân đi tìm đồng đội

Tháng Bảy, gió Lào ràn rạt thổi, quện mùi hương trầm, cỏ cháy và tiếng thì thầm từ những nấm mộ không tên, ngược vào lòng người. Ở đó - Quảng Trị - tháng Bảy không phải mùa mà là nỗi niềm. Không có tiếng kèn đưa tiễn nhưng mỗi bước chân về phía Thạch Hãn, về Thành Cổ, về đỉnh Dốc Miếu - Ba Lê vẫn như in dấu một thời máu lửa.

Người ta gọi đó là "trở về". Mà thật ra, có những người chưa từng rời đi. Họ vẫn ở lại, trong lòng đất, trong bờ bãi, trong những giấc mơ chưa nguôi của đồng đội, của mẹ, của người yêu.

Quảng Trị có 157 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 58.100 phần mộ, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia là Trường Sơn và Đường 9. Đây không chỉ là những địa chỉ thiêng liêng của ký ức, mà còn là nơi sự sống tiếp tục được vun đắp từ hy sinh…

1. Trưa tháng Bảy, mặt sông Thạch Hãn như tấm gương khổng lồ, soi lại trời xanh và cả những linh hồn đã vĩnh viễn hóa thân vào sóng nước. Trên bãi cát ven sông, ba người lính già lặng lẽ cúi xuống, bàn tay run run nhặt từng mẩu di vật vừa lộ ra từ lòng đất. Một miếng tăng rách. Một khuy áo mòn. Một bình tông hoen gỉ. Với người đời, đó là những vật vô tri. Nhưng với họ, đó có thể là một phần thân thể của đồng đội. Một phần ký ức. Một phần máu thịt không bao giờ gọi lại được tên.

Ông Vũ Viết Nhĩ (trái) cùng các cựu chiến binh trở lại Thác Ma và sông Thạch Hãn để tìm hài cốt đồng đội.

Ông Vũ Viết Nhĩ (trái) cùng các cựu chiến binh trở lại Thác Ma và sông Thạch Hãn để tìm hài cốt đồng đội.

Cựu chiến binh (CCB) Vũ Viết Nhĩ, Sư đoàn 308, quê Phú Thọ, tóc bạc trắng như cước. Ông không cần ai nhắc tên trận đánh nào, vị trí nào, ngày tháng nào. Mọi thứ vẫn còn sống trong ông, như thể mới vừa hôm qua. Bên cạnh ông là các CCB Lê Xuân Huyền, Nguyễn Văn Nhuận, cùng Sư đoàn 304, quê Hải Phòng. Riêng ông Huyền, suốt 35 năm qua không lập gia đình, chỉ làm một việc duy nhất là giúp thân nhân liệt sĩ đi tìm mộ người thân.

"Có người con gái từ miền Tây ra đây tìm anh trai. Vừa đặt chân đến Thạch Hãn, cô đã bật khóc. Không cần biết đúng sai, cô nói: "Chắc anh tôi ở đây". Mấy chục năm rồi mà nước mắt họ vẫn chưa khô", ông Huyền kể lại một kỷ niệm. Giọng ông trầm và chậm. Nhưng ánh mắt thì sáng và xa xăm như cánh hoa lục bình trôi trên dòng Thạch Hãn từng đỏ máu một thời, giờ lặng lẽ nâng niu những linh hồn chưa tìm thấy tên.

Hôm ấy, không hẹn mà gặp, ba người lính già cùng có mặt bên bờ Thạch Hãn, phía thượng nguồn, sau khi hay tin Ban Chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị phát hiện một số di vật liệt sĩ. Đứng lặng hồi lâu, ông Lê Xuân Huyền chỉ tay lên quả đồi phía trên công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, chậm rãi nói: "Cao điểm 52… Tôi vẫn nhớ rõ, nơi đó có 22 anh em hy sinh đầu năm 1973". Năm tháng qua đi, công trình thủy lợi được xây dựng, dòng sông dâng nước, hai bên bờ bị ngập sâu. Khi trở lại, ông không biết liệu hài cốt đồng đội đã được đưa về nghĩa trang hay vẫn còn nằm lại dưới lớp phù sa. Bởi vậy, nghe tin phát hiện di vật, ông lập tức lên đường, như một phản xạ của trái tim chưa từng nguôi ngoai.

Hôm ấy, ông Huyền còn dẫn theo thân nhân của liệt sĩ Bùi Anh Tuấn - Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, đến thăm lại cao điểm 52, nơi liệt sĩ Bùi Anh Tuấn cùng nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh. Chỉ tay vào ngọn đồi cao ngập nắng, ông chậm rãi nói: "Tôi không biết mình có tìm đúng không. Nhưng tôi tin… linh hồn họ sẽ biết mà đón người thân". Giữa khung cảnh lặng im, gió sông thổi khẽ, tôi bỗng nghe trong đầu vang lên giọng thơ ai đó đang ngâm khe khẽ: "Ôi dòng sông mang phù sa người lính/Tưới mát bãi bồi, xanh mướt nương dâu…".

2. Có một nơi nữa trong lòng Quảng Trị, nơi người ta phải ngẩng đầu mới thấy hết khoảng trời vời vợi, phải cúi xuống thật sâu mới chạm được vào đất. Đó là đỉnh Dốc Miếu - Ba Lê, cao 1.102 mét so với mực nước biển. Một vùng đất chưa bao giờ thật sự lành. Một vùng ký ức chưa từng thôi đau. Ngay trước ngày 27/7 - khi cả nước cúi đầu tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ - hai người lính già ở Đông Hà, Quảng Trị đã lặng lẽ khoác ba lô bước vào hành trình mà ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng phải chùn chân. Đó là hai CCB Nguyễn Văn Minh và ông Lê Văn Chơn, nguyên cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, tuổi đời đều đã ngoài 80. Mục tiêu duy nhất: tìm lại người đồng đội cũ - liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn - người đã nằm lại giữa rừng già hơn nửa thế kỷ.

Cựu chiến binh Nguyễn Khính (chống gậy) cùng đoàn đi tìm mộ đồng đội.

Cựu chiến binh Nguyễn Khính (chống gậy) cùng đoàn đi tìm mộ đồng đội.

Cũng không hẹn mà gặp, đồng hành cùng chuyến đi ngược lên miền Tây Quảng Trị còn có các CCB Lê Văn Chớ, Nguyễn Hữu Nhị, Nguyễn Văn Hường thuộc Trung đoàn 812, Sư đoàn 324; ông Nguyễn Khính thuộc đơn vị K10 đặc công Quảng Trị; cùng các gia đình liệt sĩ Cao Xuân Thả (quê Hà Tây cũ), Nguyễn Ngọc Dương (quê Nam Định cũ), tất cả cùng chung một ước nguyện đi tìm phần mộ những người thân yêu và đồng đội đã hy sinh trên đỉnh Dốc Miếu - Ba Lê.

Những người lính già với mái tóc bạc trắng, đôi bàn tay gân guốc cố nắm chặt cán gậy. Gương mặt sạm nắng, đôi mắt trũng sâu bởi thời gian và mất mát. Họ không nói nhiều. Hành trang mang theo cũng rất ít, chỉ có lòng kiên định và ký ức chưa từng nguôi ngoai. Họ đi không phải để chinh phục một ngọn núi. Họ đi để bước ngược vào dĩ vãng. Để lần cuối vượt qua những vách đá cheo leo, mong tìm lại một nắm đất, một dấu chân cũ, một mảnh tăng, một khuy áo, hoặc chỉ để có thể đứng giữa rừng sâu mà gọi tên: "Sơn ơi, Thả ơi, Dương ơi… tụi tao đã trở lại rồi đây!".

"Chúng tôi không tìm được thân nhân của Sơn. Và tuổi cũng đã cao. Không thể đợi nữa, nên đi thôi", ông Minh nói, gọn và dứt khoát như một khẩu lệnh thời chiến. Đoàn CCB vượt Dốc Miếu, băng qua khe Ba Lá, suối A Cho, động Tà Rin… Những địa danh nghe như thơ nhưng ẩn sau là địa hình dốc đứng, đá lởm chởm, mưa rừng lạnh buốt, vắt bu đầy vai áo. Không có suối, họ hứng nước mưa. Không có chỗ nghỉ, họ căng bạt giữa lưng chừng núi. Không ai than vãn. "Chúng tôi đi không chỉ bằng đôi chân. Mà bằng ký ức. Bằng trái tim", ông Khính - người lính đặc công từng hành quân qua những cánh rừng này từ năm 1968 - nói khi đang nấu mì gói bằng chiếc nồi nhôm cũ kỹ.

Sau ba ngày ròng rã, đoàn ngồi lại bên sườn Dốc Miếu, nơi mây trắng lùa qua kẽ núi, chim rừng gọi nhau giữa trưa. Họ không tìm thấy phần mộ của đồng đội. Nhưng không ai buồn. "Chúng tôi không trở về tay trắng. Vì ít nhất bạn biết là chúng tôi đã quay lại", ông Chơn nói, khẽ đặt bó hoa rừng lên tảng đá phủ rêu xanh. Bên cạnh ông là cô Cao Thị Tuyết và cháu Nguyễn Văn Tâm, thân nhân liệt sĩ Cao Xuân Thả. Họ chưa từng đặt chân vào rừng. Càng chưa từng sống giữa chiến tranh. Nhưng trong hành trình ấy, họ đã hiểu - hiểu vì sao có một thế hệ từng dám sống và dám chết như thế.

"Bố tôi sinh năm 1950, hy sinh khi tôi còn chưa ra đời. Mẹ nuôi tôi lớn bằng những câu chuyện về bố. Tôi chưa một lần nhìn thấy bố, nhưng nhớ sâu sắc bố qua lời kể của mẹ", cô Tuyết nói, mắt đỏ hoe. Trên đường trở về, giữa những khúc quanh thẫm màu rêu đá, bất chợt một người trong đoàn cất tiếng hát khe khẽ: "Ai ra miền Trung mà thương mà nhớ…". Câu hát chảy vào rừng, như một lời ru. Không ai bảo ai, cả đoàn dừng lại. Họ đứng lặng, như tượng. Rồi từng người một cúi đầu. Hơn nửa thế kỷ sau chiến tranh, không ai đếm được có bao nhiêu người đã ngã xuống giữa rừng sâu núi thẳm. Cũng không ai thống kê nổi bao nhiêu cuộc tìm kiếm âm thầm đã diễn ra mà không hề được báo chí nhắc tên. Nhưng có một điều chắc chắn: mỗi bước chân đi tìm đồng đội là một nén hương dâng cho lịch sử.

Quảng Trị tháng Bảy, vẫn đón người về. Không phải bằng cờ hoa, mà bằng trầm mặc. Không phải bằng tiếng nhạc, mà bằng bước chân. Dòng người từ Bắc vào Nam vẫn lặng lẽ đổ về Thành Cổ, về sông Thạch Hãn, về Dốc Miếu - Ba Lê. Những giọt nước mắt nhỏ xuống đất, xuống cỏ. Những lời thì thầm gọi tên. Và phía sau họ, là bao nỗi chờ mong vẫn chưa thành. Có người nói, người lính là những kẻ không già. Bởi họ đã gửi thanh xuân lại chiến trường. Nhưng có lẽ, người lính còn là những kẻ không ngủ. Vì vẫn còn bạn nằm lại, vẫn còn giấc mơ chưa đến đích.

Phan Thanh Bình

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/thang-bay-nhung-buoc-chan-di-tim-dong-doi-i775983/