Tháng 7 tri ân trên 'đất thiêng' Thành cổ Quảng Trị

Những ngày tháng Bảy, nhiều người trên cả nước về Thành cổ Quảng Trị để tri ân các Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền hòa bình, thống nhất đất nước.

Nhân dân trên cả nước trở về Thành cổ Quảng Trị tri ân liệt sĩ.

Nhân dân trên cả nước trở về Thành cổ Quảng Trị tri ân liệt sĩ.

Thành cổ Quảng Trị là nơi từng diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt 81 ngày đêm “mùa Hè đỏ lửa” bảo vệ Thành cổ năm 1972.

 Thành cổ Quảng Trị không chỉ là di tích lịch sử tâm linh, còn là biểu tượng bất tử của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường.

Thành cổ Quảng Trị không chỉ là di tích lịch sử tâm linh, còn là biểu tượng bất tử của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường.

Đây không chỉ là di tích lịch sử tâm linh, còn là biểu tượng bất tử của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của quân và dân ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Thành cổ nơi “mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm phường Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), là công trình kiến trúc được xây dựng từ thời nhà Nguyễn.

Nơi đây, trở thành biểu tượng bất tử của tinh thần chiến đấu kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trận chiến 81 ngày đêm “mùa Hè đỏ lửa” 1972.

 Những cựu chiến binh trở về Thành cổ tri ân liệt sĩ. (Ảnh: Vinh Thông)

Những cựu chiến binh trở về Thành cổ tri ân liệt sĩ. (Ảnh: Vinh Thông)

Những ngày tháng 7, nhiều cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ cùng rất đông du khách trong và ngoài nước về với Thành cổ Quảng Trị để tưởng nhớ, thắp nén tâm nhang tri ân hàng nghìn người con ưu tú của đất nước đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này.

Mới mười tám, đôi mươi, các chiến sĩ xếp lại bút nghiên, rời giảng đường để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến trường tham gia chiến đấu, rồi vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đất mẹ Quảng Trị.

Đặt chân đến Thành cổ, không gian như lắng lại, lòng người đều trầm ngâm, thành kính.

 Hình tượng người chiến sĩ Thành cổ hiên ngang.

Hình tượng người chiến sĩ Thành cổ hiên ngang.

“Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ/Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa.../Nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ...”.

Lời bài hát “Cỏ non Thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền vang lên giữa không gian linh thiêng Thành cổ Quảng Trị khiến mọi người đều xúc động. Đây cũng xem như một lời nhắc nhở đối với thế hệ hôm nay về “một thời máu đổ” ở Thành cổ năm xưa.

Sau hơn nửa thế kỷ hòa bình, Thành cổ Quảng Trị hôm nay được phủ xanh bởi cỏ non và hoa lá. Nhưng ai đến tri ân ở Thành cổ cũng nhắc nhở nhau: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây”, bởi dưới mỗi tấc đất Thành cổ là một cuộc đời có thật” (Phạm Đình Lân).

Thành cổ Quảng Trị ngày nay được xem như “nấm mồ chung” của hàng ngàn liệt sĩ đã hy sinh.

Nơi đây, mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của các chiến sĩ, và dòng sông Thạch Hãn bên cạnh cũng là nơi yên nghỉ của nhiều người.

 Từng dòng người tìm về mảnh đất linh thiêng.

Từng dòng người tìm về mảnh đất linh thiêng.

Từ TP Hà Nội, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Mừng trở lại Thành cổ Quảng Trị dịp tháng 7 để thắp nén nhang tri ân những đồng đội đã chiến đấu và ngã xuống trên mảnh đất linh thiêng này.

“Chúng tôi từng sát cánh bên nhau chiến đấu trong những tháng ngày ác liệt nhất của trận 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Một số may mắn được trở về, còn biết bao đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất này. Hàng năm, chúng tôi đều trở về Thành cổ để thắp nén nhang tri ân những đồng chí, đồng đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho nền hòa bình, độc lập hôm nay”, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Mừng bày tỏ.

Biểu tượng của khát vọng hòa bình

Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.

Trong cuộc kháng chiến, quân địch đã xây dựng ở Quảng Trị tuyến phòng thủ vững chắc. Nhưng phòng tuyến đó đã bị quân đội ta "chọc thủng" vào ngày 1/5/1972, buộc quân địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên ở miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Được sự viện trợ tối đa, quân địch dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, trong đó mục tiêu là chiếm lại Thành cổ. Phía đối phương hy vọng cuộc phản kích này sẽ lấy lại được tinh thần, gây sức ép với ta tại hội nghị Paris.

Cuộc chiến kéo dài 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, vô cùng ác liệt. Hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn.

Bước ra từ các cuộc chiến tranh, không nơi nào trên đất nước Việt Nam có mật độ nghĩa trang liệt sĩ nhiều như ở Quảng Trị. Toàn tỉnh hiện có 157 Nghĩa trang với hơn 70.000 liệt sĩ là con em các tỉnh, thành cả nước đang yên nghỉ. Trong đó, có 2 Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Trường Sơn và Đường 9.

 Đài tưởng niệm nằm ở trung tâm, là nơi để mọi người bày tỏ lòng thành kính trước các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh.

Đài tưởng niệm nằm ở trung tâm, là nơi để mọi người bày tỏ lòng thành kính trước các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh.

Mảnh đất Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của chiến tranh Việt Nam, từng chứng kiến sự khốc liệt của của bom cày đạn xới, chịu đựng nhiều hy sinh mất mát.

 Du khách đến Thành cổ được nghe những câu chuyện xúc động về ý chí kiên cường của người lính.

Du khách đến Thành cổ được nghe những câu chuyện xúc động về ý chí kiên cường của người lính.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thành cổ Quảng Trị cho biết, tháng 7 được xem là tháng cao điểm trong năm, bởi có rất đông du khách và các cựu chiến binh về mảnh đất này dâng hương tri ân liệt sĩ.

“Ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị xác định rõ trách nhiệm, dồn toàn bộ nhân lực, tập trung cao độ để chuẩn bị tốt nhất công tác đón tiếp Nhân dân cả nước về tri ân liệt sĩ trong dịp tháng 7. Du khách đến đây tri ân liệt sĩ được cán bộ, nhân viên phục vụ tận tình, chu đáo, tạo ấn tượng tốt đẹp cho Nhân dân cả nước”, bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Trong 81 ngày đêm, Thành cổ Quảng Trị phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo.

Đức Trường

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thang-7-tri-an-tren-dat-thieng-thanh-co-quang-tri-post741480.html