Môi trường của niềm tin
Suy cho cùng, văn hóa đọc hay các nền tảng mạng xã hội đều là những phương tiện, công cụ giúp ích cho chúng ta. Việc chúng có tạo nên thứ oxy trong lành hay gây 'ô nhiễm' đều có nguyên nhân từ nhận thức, từ động cơ, mục đích của từng người.
Phát triển kinh tế, xã hội gắn với môi trường là định hướng phát triển mới của nhiều quốc gia ngày nay. Trong SDG (Sustainable Development Goals)- được hiểu là mục tiêu phát triển toàn cầu mà Liên hiệp quốc đề ra - có 17 mục tiêu cụ thể như: "Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững"; "Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó"; "Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững"... Môi trường sống của con người hôm nay không chỉ có không khí, nước, đất, ánh sáng, tiếng ồn… mà còn là sự an toàn và tin cậy.
Từ những định hướng chung ấy, đi vào đời sống thực tiễn, với đặc trưng địa văn hóa của mình, từng quốc gia, từng dân tộc lại đối mặt với thách thức khác nhau. Bên cạnh đó còn có những mối liên kết xuyên quốc gia dựa trên nền tảng công nghệ như: các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới (như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global…); các dịch vụ giải trí xuyên biên giới (Netflix, iQIYI, WeTV Apple TV, Amazon…); quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới… tác động đến văn hóa, ý thức xã hội và ứng xử của nhiều nhóm người.
Khác với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) còn tạo ra một hệ sinh thái mới, một kiểu quan hệ xã hội khá đặc thù. Chính vì thế, thời gian gần đây ChatGPT, Bard được nhắc đến khá nhiều ở cả những tiện lợi và thách thức. Những phát sinh mới đòi hỏi chúng ta phải tư duy linh hoạt hơn để ứng phó với những gì chưa có tiền lệ trong pháp luật và chuẩn mực xã hội.
Một ví dụ gần đây nhất, để lí giải về sự xuất hiện của phần mềm NeMo Guardrails, ông Jonathan Cohen, Phó Chủ tịch nghiên cứu ứng dụng của Nvidia cho biết: "Một siêu AI cần được mã hóa cứng trong các logic thực thi của hệ thống bảo vệ, đảm bảo không nói luyên thuyên những thứ ngoài chủ đề người dùng đang đề cập hoặc nhắc đến nội dung độc hại". Như vậy có nghĩa là với AI không chỉ cần đảm bảo về mặt kĩ thuật mà còn cần một cơ chế vận hành về mặt văn hóa, đảm bảo những chuẩn mực văn hóa trong xã hội. Ngoài những mặt trái của AI như: Chi phí cao; không có tính linh hoạt; không cải thiện nhờ vào kinh nghiệm; không có sáng tạo ban đầu; thất nghiệp … thì "độc hại" mà ông Jonathan Cohen nhắc đến cũng chính là một thứ "rác", một sự ô nhiễm mới của công nghệ chăng?
Quả đúng như vậy, thời gian qua "quảng cáo bẩn" trên Facebook, YouTube được nhắc đến như một sự "ô nhiễm" trên không gian mạng đáng lo ngại. Điều này đã được ông Lê Quang Tự Do (Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ trên Báo Dân trí: "Cục Phát thanh Truyền hình - Thông tin điện tử đang hàng ngày rà quét để xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, nhãn hàng có hành vi quảng cáo trên các trang có nội dung thông tin xấu độc. Thời gian qua, chúng tôi đã xử phạt nhiều doanh nghiệp để xảy ra tình trạng quảng cáo vào các nội dung xấu độc".
Thật ra, ngày từ khi mở cửa đón nhận và sử dụng các dịch vụ công nghệ và văn hóa, giải trí mới, xã hội của chúng ta đã đứng trước thách thức. Còn nhớ, từ hơn một thập kỉ trước (trước khi xuất hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư), đã có nhiều bài báo nêu ra tác hại của truyện tranh hài 18+, hay hiện tượng "Hikikomori" (xa rời đời sống xã hội và những giao tiếp thông thường nhất, tự cô lập chính mình). Sau đó, là sự cảnh báo đến tác hại của game như: bỏ học, thất nghiệp; nợ nần, cầm cố, trộm cắp; ảnh hưởng đến sức khỏe (giảm thị lực, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tình dục...). Và gần đây nhất là tác hại của điện thoại thông minh như: gây mất ngủ; trầm cảm, lo âu; cản trở hòa nhập xã hội… Nhưng liệu thủ phạm của những "tác hại", những "ô nhiễm" kia đều là thiết bị, công nghệ?
Gần đây, thuật ngữ "làm giàu không khó" xuất hiện không ít. Báo chí đã đưa tin có một "tiến sĩ dạy học làm giàu" đã lừa đảo 2.700 tỉ đồng của nhiều người và bị khởi tố. Liệu có nguyên nhân nào đến từ chính người đang sử dụng công nghệ, người sở hữu thiết bị thông minh, tham gia mạng xã hội không? Đó chính là sự ô nhiễm của niềm tin. Có niềm tin "sạch" và niềm tin "bẩn". Đã có không ít những đứa con, đứa cháu, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… lừa đảo để huy động vốn, để chiếm đoạt sổ đỏ (giấy chứng nhận sử dụng đất) vào mục đích "làm giàu không khó". Niềm tin vào mô hình đa cấp Ponzi, vào các chiêu trò của nhiều người trong số chúng ta lớn đến đâu để một Võ Thanh Long (cựu Tổng giám đốc khu du lịch sinh thái Phú Hữu, huyện Châu Thành, Hậu Giang) lấy được tiền trong túi của hơn 800 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước với tổng số tiền gần 160 tỉ đồng.
Theo người viết, khi sự kết nối càng hoàn thiện, tiện ích càng tăng lên, niềm tin của chúng ta càng đặt vào các xu hướng, thay vì phân tích, đánh giá theo hiểu biết của bản thân mình. Hay nói cách khác, trước những "cơn lốc" của xu thế (trend) ngày nay, nếu không trụ vững, không hãm chậm lại để đủ thời gian, đủ tỉnh táo để nhận diện thì sẽ rất dễ sai lầm. Thử nhìn sang 6 quốc gia ham đọc sách nhất thế giới và đặt câu hỏi: Tại sao người dân Ấn Độ trung bình một tuần dành đến gần 11 giờ (10 giờ 42 phút) để đọc sách; người dân Israel đặt các cuốn sách ở nghĩa trang để các linh hồn sẽ tiếp tục đọc; hay "văn hóa đọc đứng - Tachiyomi" của người Nhật Bản tại đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm? Ngoài vốn tri thức mà sách mang lại, nó còn tạo ra một sự tĩnh tại, lắng đọng, đủ tỉnh táo để suy đoán đúng sai trước sự tác động của cuộc sống.
Mới đây, trên các mặt báo và mạng xã hội xuất hiện hình ảnh của Ngày Sách Việt Nam. Công bằng mà nói, sau gần một thập kỉ (21/4/2014), Ngày Sách đã tạo ra vị thế mới cho văn hóa đọc, nâng tầm giá trị của những sáng tạo, phát minh, hướng con người ta đến với sự lành mạnh, nhân văn, cao cả. Tuy nhiên, vẫn có những cách "bày sách", trang trí sách làm "nền" cho ca hát, check in, đọc diễn văn… thay vì đưa hoạt động đọc sách vào cuộc sống, giúp mọi tầng lớp nhận thức được nhu cầu đọc.
Suy cho cùng, văn hóa đọc hay các nền tảng mạng xã hội đều là những phương tiện, công cụ giúp ích cho chúng ta. Việc chúng có tạo nên thứ oxy trong lành hay gây "ô nhiễm" đều có nguyên nhân từ nhận thức, từ động cơ, mục đích của từng người. Khi nhận thức về lợi ích vật chất chưa đúng đắn (chưa dựa trên sức lao động, sự sáng tạo), còn trông chờ vào cơ may, vận may; khi những kẻ trục lợi từ sự cả tin của cộng đồng còn chưa bị pháp luật trừng trị thì sẽ vẫn còn những "ô nhiễm" như thế.
Christian D. Larson (1874 - 1954), nhà tư tưởng Mỹ từng nói: "Một trong những lý do chính khiến nhiều người không đạt được điều họ muốn là vì họ không biết chắc chắn mình muốn gì, hoặc vì họ thay đổi mong muốn gần như mỗi ngày. Hãy biết bạn muốn gì và tiếp tục mong muốn điều đó. Bạn sẽ có được nó nếu bạn kết hợp khao khát với niềm tin. Sức mạnh của khát vọng khi kết hợp với niềm tin sẽ trở thành bất khả chiến bại". Quả thật, chỉ khi chúng ta biết "kết hợp khao khát với niềm tin" mới có nhận thức đúng đắn, hướng đi tích cực, từ bỏ những mong ước hão huyền vào những điều "trên giời rơi xuống" để cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp, một môi trường sống trong lành. Môi trường sống của niềm tin.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/moi-truong-cua-niem-tin-i692391/