Khu vực kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo

Phong trào 'Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'đã cho thấy vai trò quan trọng của mô hình hợp tác xã trong việc thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển, giúp cải thiện cuộc sống của bà con nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Liên kết hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước để khơi dậy và huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, khuyến khích sự chủ động và phát huy nội lực từ cơ sở và của từng người dân trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và ban hành Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21.8.2017 về kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động, phong trào thi đua đã được các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và địa phương tích cực hưởng ứng, tổ chức thực hiện có hiệu quả, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nội dung, ý nghĩa, mục tiêu của phong trào thi đua, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sự đồng thuận trong xã hội và tính tích cực, sáng tạo, nỗ lực của người dân. Tổ chức lồng ghép nội dung phong trào thi đua với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Một nội dung quan trọng trong phong trào được các địa phương đẩy mạnh triển khai, đó là nhân rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế đã được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn, đồng thời vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác, tham gia các mô hình liên kết giữa hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách liên quan đến giảm nghèo...

Tính đến hết năm 2020, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động số tiền 5.887 tỷ đồng; an sinh xã hội gần 17.000 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa trên 181.133 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về tư liệu sản xuất, hàng ngàn công trình dân sinh, góp phần thiết thực thực hiện công tác an sinh xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo.

Khu vực kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo

Khu vực kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo

Nhiều tín hiệu khả quan

Tại tỉnh Thanh Hóa, công tác giảm nghèo luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Đặc biệt, các chương trình hành động giảm nghèo được thực hiện cùng với sự phát triển của kinh tế tập thể và hợp tác xã. Nhờ đó, công cuộc giảm nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đời sống và thu nhập của người dân được cải thiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, tỉnh luôn có sự quan tâm đặc biệt đến công tác giảm nghèo. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo đã được các địa phương ban hành, như chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hay phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã cho thấy vai trò quan trọng của mô hình hợp tác xã trong việc thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển, từ đó giúp họ cải thiện cuộc sống. Các hợp tác xã đã triển khai rất hiệu quả chương trình hỗ trợ góp vốn xoay vòng trong thành viên hợp tác xã, trong đó xem xét hỗ trợ thành viên khó khăn được vay mượn trước.

Ông Lê Đức Giang cho biết, vấn đề thiếu vốn luôn khiến các thành viên hợp tác xã gặp khó khăn khi muốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Việc tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, hoạt động hỗ trợ tín dụng trong nội bộ các hợp tác xã đã mang lại nhiều cơ hội cho các thành viên.

Nhờ có hợp tác xã, các thành viên cũng được học hỏi và tiếp cận các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Thậm chí, nhiều hợp tác xã tại Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Những nỗ lực này đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao chất lượng hàng hóa, thu nhập ổn định cho thành viên.

Còn tại tỉnh Sơn La, cũng nhờ chủ trương phát triển các hợp tác xã trồng cây ăn quả và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, diện mạo đời sống nông thôn ở nơi đây đã có nhiều thay đổi. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, được hướng dẫn các kỹ thuật trồng trọt và mua cây giống, phân bón chất lượng cao đã giúp các thành viên hợp tác xã ở Sơn La nâng cao năng suất sản xuất.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước có trên 28.000 hợp tác xã, tăng hơn 2.000 so với năm 2021. Đã có 12 liên hiệp hợp tác xã mới được thành lập trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 11,11% và đưa tổng số liên hiệp hợp tác xã trên cả nước hiện nay lên con số 120. Mô hình hợp tác xã cũng giúp nhiều người dân có công việc ổn định, hiện nay các hợp tác xã đã có trên 6,9 triệu thành viên với hơn 2 triệu lao động. Số lượng lao động trong khu vực hợp tác xã tăng khoảng hơn 45.000 người lao động.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/khu-vuc-kinh-te-tap-the-dong-vai-tro-quan-trong-trong-cong-tac-xoa-doi-giam-ngheo-i309437/