Hoa chuối rừng

Tôi và anh được sinh ra cách nhau một năm. Đều là con của những ông bố vừa ra khỏi cuộc chiến tranh hơn hai mươi năm.

Nghe nói, những năm 1976,1977 trên những con đường thiên lý luôn có những hình ảnh: Các ông bố náo nức về phép với con búp bê biết nhắm mắt, mở mắt như đứa trẻ, lủng lẳng trên ba lô. Các ông bố cùng náo nức về quê với tâm trạng đã hết chiến tranh, không còn cảnh Nam Bắc chia cắt nữa... Chúng tôi cùng lớn lên trong thời kỳ kinh tế gặp muôn vàn khó khăn, những năm 80 của thế kỷ 20. Ai trải qua thời kỳ đó chắc đều còn nhớ, những đêm ngái ngủ ngồi xếp hàng đặt sổ mua gạo, mua thực phẩm. Đến khi được mấy cân gạo hay mấy miếng đậu thì trời đã trưa trật của ngày hôm sau. Mà gạo đâu phải còn là gạo nữa. Đó là những cân sắn khô, khoai khô, trị giá ba cân sắn tính bằng một cân gạo... Bữa ăn hằng ngày cơ bản là một rổ rau muống luộc, chấm nước muối nấu với lá chuối khô cho có màu nước chấm, một quả trứng tráng mặn chát, cho cả nhà ba bốn miệng ăn.

Ấy thế mà chúng tôi cứ lớn lên như thổi.

Ấy thế mà chúng tôi cứ phơi phới ca hát, mang theo những hoài bão hiến dâng sức trẻ cho quê hương, đất nước.

Tôi từ quê Phú Thọ về Hà Nội học cao đẳng sư phạm.

Anh quê Hải Dương, bộ đội phòng không không quân, đóng quân trên Yên Bái.

 Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Chúng tôi gặp nhau trên một chuyến tàu đêm. Sau này anh cứ trêu tôi: “Chuyến tàu ấy là chuyến tàu bão táp, cũng là chuyến tàu định mệnh”.

Mấy đứa con gái chúng tôi lên từ ga đầu Hà Nội, nên có chỗ ngồi tử tế. Càng đi ngược, tàu càng chật, do những bà những cô đi buôn chuyến chất hàng hóa lên cùng. Toa xe ních chật người và bao tải như nêm cối. Đến ga Hương Canh thì trên nóc tàu cũng đã có người ngồi. Anh cùng bạn, hai chàng lính áo xanh, trèo qua cửa sổ tàu, đúng lúc tàu giật mạnh, chuyển bánh. Thế là hai người ngã dúi dụi đúng vào nhóm con gái chúng tôi. Tất cả mấy cái miệng xinh tươi hằng ngày bỗng méo xệch ra và hét toáng lên. Anh và bạn luống cuống, luôn mồm “sorry, sorry”, tay và lưng xoay xỏa cái ba lô con cóc căng phồng. Nghều ngào thế nào, tay anh quơ đúng vào ngực tôi. Tôi co rúm người lại, mặt tôi lúc ấy chắc đỏ như màu cờ. Anh thì hình như không biết gì, xin phép đặt ba lô xuống gầm ghế tôi ngồi và lại xin phép đứng cạnh, sát đầu gối của tôi. Trời tối, cái bóng đèn trên trần toa thì vàng ệch, tỏa một vầng sáng không đủ ra khỏi cái lưới sắt bao quanh nó...

Những va chạm, khi mạnh lúc tàu lắc, lúc nhẹ khi tàu rung, cứ làm chân tôi như tê cứng lại. Rồi cái mùi đàn ông nữa chứ, cái mùi mà tôi chưa biết lần nào, nó cứ lẩn quất quanh đầu quanh ngực tôi. Nó ngai ngái mùi khói, nó thoảng mùi mật, lại như có mùi của gà con... Tôi nuốt khan, quay mặt ra cửa sổ tàu, lẩm nhẩm mấy câu hát vu vơ... Anh hỏi tôi về quê quán, học hành, anh em trong nhà... Tôi cứ đáp như cái máy. Thậm chí cứ như trả bài trong buổi vấn đáp của thầy giáo bộ môn “Phương pháp giảng dạy”.

Chúng tôi chia tay nhau ở ga Vũ Ẻn, tôi xuống tàu về quê, còn anh đi tiếp lên đơn vị. Ngày ấy đã có điện thoại cầm tay như bây giờ đâu. Chỉ nhớ trong đầu địa chỉ quê quán và hòm thư của nhau. Kể cũng lạ, mọi người và kể cả tôi trước đó ít khi nói thật quê quán của mình khi mới làm quen. Thế mà không hiểu sao hôm đó, tôi lại “khai” vanh vách ra với anh. Phải chăng anh cũng là lính như ba tôi. Người lính dễ làm mọi người tin!

Thế rồi hai năm thư từ đi lại, tôi học ba năm hết chương trình và ra trường. Nghĩ rằng cô giáo yêu người lính thì còn gì bằng? Đó là mẫu gia đình tương lai của nhiều người mong ước. Nhất là khi ca từ bài hát cất lên: “... Pháo anh lên đồi cao, nã vào đầu giặc Mỹ/ bục giảng dưới hầm sâu, em cũng là chiến sĩ...” thực sự lay động con tim chúng tôi. Dù rằng nước Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách ngày tôi ra trường đã hai năm.

Nhưng ai ngờ, chính tính cách của những người lính một thời trận mạc đã suýt làm chúng tôi tan vỡ.

Ba tôi, người vốn là sĩ quan cấp tá binh chủng công binh, dứt khoát không gả con gái cho người ở nơi xa như thế! Ngày ấy đi lại từ Phú Thọ về Hải Dương là cả một sự quyết tâm. Ba bảo, cầu đường thăm thẳm thế, coi như ba mất con gái ư?

Thầy sinh ra anh, một sĩ quan chỉ huy đại đội đặc công, với huân huy chương chất đầy ngăn tủ, quyết liệt yêu cầu anh phải lấy vợ ở quê, vì anh là con cả, lại là trưởng một họ lớn. Vợ cùng quê và làm ruộng dễ lo toan những việc trọng của dòng họ và của gia đình.

Anh đưa tôi về quê dưới những ánh mắt lạnh nhạt của họ mạc.

Tôi đưa anh về quê trong sự xét nét của cả những người hàng xóm.

Ba năm trôi qua, chúng tôi ra sức thuyết phục, nhưng không lay chuyển được các bậc sinh thành. Đôi khi chúng tôi nghĩ liều, hay cứ ở với nhau, có em bé rồi các ông bà nội ngoại thương cháu, sẽ chấp nhận. Nhưng ngày ấy, chuyện chưa chồng mà có em bé là một sự cố kinh hoàng. Tôi lại là cô giáo!

Tôi dạy học ở thành phố Việt Trì. Anh ít về quê, mỗi lần nghỉ phép hay nghỉ tranh thủ, anh lại nhảy tàu từ Yên Bái về trường thăm tôi. Mỗi lần về, bao giờ trên ba lô của anh cũng có mấy bông hoa chuối rừng. Những bông hoa có màu đỏ tươi như màu cờ, vươn lên ngạo nghễ. Hoa chuối ấy đặt trong lọ nước sạch, tươi đến ba bốn tuần. Chắc rằng, anh muốn nói với tôi về sự sắt son, hay sự tươi thắm của tình yêu anh luôn dành cho tôi. Tôi thì khi nhận hoa, cứ liên tưởng đến sắc mặt mình hôm trên tàu bị anh quơ đúng ngực, nên mặt tôi luôn đỏ ửng như màu cờ... Cái ngày còn ở trường sư phạm dưới Hà Nội, thấy tôi trang trí phòng bằng hoa chuối rừng, nhiều bạn trong lớp cứ cười mãi... Thủ đô thiếu gì hoa đẹp mà lại chơi hoa chuối, lại của rừng rú nữa chứ. Tôi chỉ cười, càng thương anh phải nâng niu giữ gìn hoa thế nào trên những con tàu xô bồ ấy!

Thấy tôi cứ quắt người vì lo về tương lai, mẹ thương tôi lắm. Có buổi, tôi nghe lỏm thấy mẹ nói với ba: "Tôi với ông có khi cũng nên bớt căng thẳng với con!". Ba gằn giọng: "Không thể được! Người lính phải quyết liệt, phải dứt khoát. Có như vậy mới thắng giặc được chứ!". Mẹ khẽ khàng: "Thì ông cũng xem lại đi. Xưa, ông kiên cường đánh Mỹ, nay đến nhà nước cũng đã lập quan hệ mới với nước Mỹ đấy thôi... Mà đây là con gái mình, có phải giặc xâm lăng đâu?". Ba lẳng lặng không nói gì thêm.

Bên nhà anh, thầy anh kiên quyết không lên thăm nhà tôi, dù anh đã năm lần bảy lượt cầu xin. Rồi chính sự kiên quyết của thầy anh đã làm ba tôi tự ái. Ông nói với mẹ tôi: “Bà thấy đấy, chúng nó đi lại với nhau đến năm sáu năm rồi, mà nhà người ta có đoái hoài gì đến con bà đâu. Gả con vào nhà khinh người thế, liệu con có sung sướng được không?". Nghe ba nói thế, tôi đã mừng thầm, thế là ba cũng đã có sự chuyển biến phần nào.

Về phía nhà anh, có lần anh dọa:

- Thầy không đồng ý cho chúng con cưới nhau, con xin ra quân!

- Hả, anh con nhà lính, có tố chất lính. Anh ra quân, biết kiếm việc gì mà làm?

- Thầy mặc con, con đi xuất khẩu lao động hay con vào miền Nam làm ăn.

- Hừm, cứ từ từ xem sao đã! Làm thằng lính thì phải biết tính trước tính sau chứ!

Anh bảo, thế là cụ cũng xuống nước phần nào rồi em ạ! Tôi tin anh, dù anh nói cho tôi vui lòng, tôi vẫn tin. Niềm tin của tôi vẫn như ngày đầu gặp anh trên con tàu bão táp ấy!

Hai cựu sĩ quan cứ căng thẳng nhau như thế, bắt buộc sĩ quan thời mới phải có chính kiến. Anh cũng đã đeo quân hàm thượng úy. Anh nói với tôi rất kiên quyết nhưng với giọng pha hài hước:

- Em ạ, chúng mình yêu nhau đã lâu, chờ hai thủ trưởng hai nhà bớt kiên quyết thì ta lỡ mất tuổi trẻ. Luật pháp nước ta không bắt buộc hai người đăng ký kết hôn phải có người làm chứng! Cũng không có quy định nào là hai người kết hôn phải có đầy đủ hai họ! Ta đến ủy ban nhân dân phường nơi em dạy học đăng ký kết hôn. Anh nhờ đơn vị về cùng nhà trường của em, ta làm lễ cưới tại trường! Trước khi tổ chức ta về quê báo cáo các thủ trưởng, coi như việc đã rồi! Em đồng ý với anh nhé!

Tất nhiên là tôi theo ý anh. Cầm tờ đăng ký kết hôn trên tay, tôi về quê trình lên ba mẹ. Ba tôi cười khẩy, hừ một tiếng rồi quay sang rít liền lúc ba điếu thuốc lào. Sau này nghe anh kể lại, khi anh mang một bản đăng ký kết hôn về nói với thầy mẹ. Thầy anh mím chặt miệng nghe hết lời anh nói, rồi bật ra hai từ “anh khá!”.

Lễ cưới của chúng tôi diễn ra sau đó hai tuần. Những cô giáo khéo tay đã làm cho hội trường nhà trường tươi tắn hẳn lên. Những chú lính trẻ khéo mồm đã làm cho không khí lễ cưới tươi trẻ đến không ngờ. Ba mẹ tôi và thầy mẹ anh cũng mời một số đại diện gia đình đến với chúng tôi. Nhìn mẹ trẻ trung trong bộ áo dài, đứng cạnh mấy cô, chú nguyên là giáo viên của trường đã nghỉ hưu mà tôi suýt không nhận ra mẹ mình. Buồn cười nhất là mẹ cứ luôn mồm nói với các cô chú ấy: “Thôi thì trời chẳng chịu đất thì đất chịu trời các ông các bà ạ!”.

Hai “thủ trưởng” là hai bố của chúng tôi nghiêm trang trong bộ lễ phục trắng, với quân hàm quân hiệu đầy đủ. Tay bắt tay, miệng chào khách đon đả mà khi nhìn nhau vẫn e dè, có gì đó ngài ngại.

Lễ cưới của chúng tôi chắc chắn không giống bất cứ lễ cưới nào. Sự khác biệt ấy, có lẽ chỉ mình tôi có. Ấy là hoa được trang trí từ ngoài cổng trường vào đến hôn trường, đều là những bông hoa chuối rừng. Những chú lính trẻ và bạn bè anh chắc đã rất kỳ công đi kiếm hoa mấy ngày qua. Những lọ, những bình, những vại, những thống, nơi thì năm bông, nơi ba bông, nơi bảy bông... đua nhau như tràn ra đón khách. Những bông hoa chuối rừng đỏ thắm như màu cờ, đỏ như rút ruột thân cây ra mà đỏ. Những dáng nghiêng, dáng thẳng... tất cả toát lên sự kiên cường, quyết liệt. Sự kiên cường, quyết liệt của người lính nơi gian khó. Còn màu hoa toát lên sự tươi thắm, bền vững như tâm hồn ý chí người lính. Thân hoa cứng cáp, thẳng thắn vậy mà những cánh hoa xòe ra vừa mềm mại vừa bao dung...

Tôi sung sướng, nghĩ về những ngày tới, mình sẽ được gắn bó với ba người lính vừa cứng rắn, thẳng thắn, vừa bao dung mềm mại như những bông hoa rừng đang rực cháy màu cờ, bay trước mặt mình đây...

Truyện ngắn của ĐỖ HÀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hoa-chuoi-rung-657550