Hé lộ báo cáo nội bộ của WHO về chuyến đi tới Vũ Hán

Theo tài liệu nội bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quan chức Trung Quốc đã làm 'rất ít' để tìm hiểu nguồn gốc đại dịch, sau khi dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán.

Theo bản báo cáo nội bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/8/2020, một nhóm nghiên cứu đã gặp gỡ các quan chức y tế Trung Quốc để tìm hiểu về nguồn gốc của virus corona. Bản báo cáo này mới được Guardian tiếp cận gần đây và lần đầu tiên tiết lộ vào cuối tháng 2.

Ở thời điểm báo cáo nói trên, giới chức Trung Quốc không cung cấp bất kỳ dữ liệu hay tài liệu nào cho nhóm nghiên cứu. Bản báo cáo được thực hiện trong bối cảnh khoảng 20 triệu người trên toàn cầu đã mắc Covid-19, tờ Guardian đưa tin.

 Các chuyên gia y tế từ WHO đến thăm một bệnh viện tại thành phố Vũ Hán hồi tháng 2/2020. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia y tế từ WHO đến thăm một bệnh viện tại thành phố Vũ Hán hồi tháng 2/2020. Ảnh: Reuters.

Nội dung bản báo cáo cho thấy các nhà khoa học từ WHO đã không có được tài liệu mà họ đề xuất khi nghiên cứu vụ bùng phát dịch ở Trung Quốc.

Mỹ hối thúc Trung Quốc công khai dữ liệu về dịch bệnh

Chỉ vài ngày trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lo ngại trước mức độ hợp tác của Trung Quốc trong công tác nghiên cứu nguồn gốc đại dịch. Phía Mỹ cũng nhấn mạnh WHO cần giữ vững tiêu chuẩn và tự bảo vệ uy tín của tổ chức.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan kêu gọi Trung Quốc công khai dữ liệu về dịch bệnh từ những ngày đầu đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán.

Ông Sullivan cho rằng việc làm này sẽ giúp các nước, bao gồm cả Trung Quốc, tham gia vào một quy trình “minh bạch và mạnh mẽ” để ngăn ngừa, ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe.

Song bản báo cáo nội bộ từ WHO có thể làm phía Mỹ thất vọng.

Bảo vệ trước một chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Báo cáo nội bộ dài hai trang, tóm tắt chuyến đi của nhóm phụ trách chương trình WHO và trưởng phái đoàn Peter Ben Embarek đến Trung Quốc từ ngày 10/7/2020 đến ngày 3/8/2020.

Chuyến đi gắn liền với sứ mệnh nghiên cứu chủng virus corona, đồng thời nhằm “đánh giá công tác tìm hiểu nguồn gốc đại dịch cho đến nay”.

Theo bản báo cáo, chuyến hành trình bắt đầu với hai tuần kiểm dịch và 10 ngày gặp mặt trực tiếp với các bộ, ngành liên quan tại Trung Quốc. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường và nông nghiệp cùng Viện Virus học Vũ Hán đã tham gia các cuộc gặp này.

“Qua nhiều cuộc thảo luận và qua thông tin từ phía Trung Quốc, có vẻ như việc điều tra dịch tễ học tại Vũ Hán đã được thực hiện rất ít kể từ tháng 1/2020. Dữ liệu được trình bày qua lời nói, chỉ cung cấp thêm một số thông tin so với thông tin trong cuộc họp của ủy ban khẩn cấp vào tháng 1/2020”, bản báo cáo viết. “Họ không trình bày bằng PowerPoint và không chia sẻ bất kỳ tài liệu nào”.

Nhiệm vụ quan trọng

Người phát ngôn của WHO từ chối bình luận về "bản báo cáo nội bộ" nói trên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng không phản hồi yêu cầu bình luận từ Guardian.

Trong cuộc họp báo ngày 21/8/2020, phóng viên từ tạp chí Science đã hỏi các quan chức WHO về nhiệm vụ tại Trung Quốc. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm kiêm trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết nhóm nghiên cứu đã trở về từ Trung Quốc. Theo bà Van Kerkhove, nhóm đã đến “học hỏi” phía Trung Quốc về những gì “đang diễn ra”.

Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO, sau đó bổ sung: "Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi cần thực hiện một số nghiên cứu sơ bộ và phía Trung Quốc đã thảo luận với nhóm nghiên cứu của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm thực hiện các nghiên cứu này”.

Hồi tháng 1, một nhóm nghiên cứu khác từ WHO lại đến Trung Quốc để tiếp tục sứ mệnh nghiên cứu nguồn gốc đại dịch Covid-19. Sau chuyến đi này, dư luận tiếp tục đặt ra câu hỏi về mức độ hợp tác của Trung Quốc.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Australia, ông Dominic Dwyer, là một thành viên trong nhóm nghiên cứu. Mới đây, ông Dwyer tiết lộ rằng WHO đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp dữ liệu thô song chỉ nhận được một bản báo cáo tóm tắt.

Theo ông Dwyer, việc cung cấp dữ liệu thô là thông lệ tiêu chuẩn trong quá trình điều tra dịch bệnh. Ông khẳng định đây là nhân tố quan trọng trong nỗ lực nghiên cứu đại dịch. “Đó là nguyên nhân khiến chúng tôi kiên trì yêu cầu thông tin này”, ông Dwyer cho biết.

Đoàn chuyên gia của WHO tại sân bay ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 1/2021. Ảnh: AP.

Trong một tuyên bố với Guardian, WHO khẳng định tổ chức này đã nhấn mạnh sự cần thiết của công tác nghiên cứu nguồn gốc đại dịch “ngay từ đầu”. WHO cũng từng thảo luận về nhu cầu nghiên cứu và chia sẻ thông tin với phía Trung Quốc trong suốt năm 2020.

“Vào tháng 7/2020, chính phủ Trung Quốc mời WHO cử một nhóm sơ bộ để chuẩn bị cho công tác của các nhà khoa học quốc tế. Nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế đã bắt đầu thảo luận trong các cuộc họp trực tuyến vào mùa thu năm 2020”.

Người phát ngôn của WHO cho biết thêm: “Nhóm nghiên cứu đã đến thành phố Vũ Hán từ tháng 1 đến tháng 2/2021. Khi dịch bệnh mới bùng phát, nhiệm vụ ưu tiên là cứu sống, hiểu rõ căn bệnh và ngăn chặn sự lây nhiễm. Song chúng tôi tin rằng công việc tìm hiểu nguồn gốc của bất kỳ đợt bùng phát nào đều nên bắt đầu sớm, khi có thể dễ dàng tìm thấy các manh mối”.

Người phát ngôn nêu dự định của WHO là tiến hành nỗ lực nghiên cứu nguồn gốc song song với việc khẩn cấp ngăn chặn virus corona và cứu sống con người.

Ảnh vệ tinh cho thấy Covid-19 có thể lây lan ở Vũ Hán từ tháng 8/2019 Theo một nghiên cứu từ trường Y Harvard (Mỹ), những bức ảnh vệ tinh chụp bãi đỗ xe của các bệnh viện tại Vũ Hán cho thấy virus corona có thể đã lây lan từ tháng 8/2019.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/he-lo-bao-cao-noi-bo-cua-who-ve-chuyen-di-toi-vu-han-post1186809.html