Cán bộ Hội LHPN tỉnh Phú Thọ thích ứng nhanh với công việc sau sáp nhập
Sau những lo lắng, hồi hộp khi phải đi làm cách nhà gần trăm cây số mỗi ngày, chị Ngô Thu Thủy - cán bộ Hội LHPN tỉnh Phú Thọ - giờ đây đã thở phào nhẹ nhõm.

Không khí làm việc thân thiện tại Hội LHPN tỉnh Phú Thọ
Bởi giữa phường Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), nơi những con đường chưa quen tên, đồng nghiệp chưa nhớ mặt, chị đã tìm thấy một "ngôi nhà thứ hai" thực sự. Nơi mà những chia sẻ chân thành, sự quan tâm ấm áp của tổ chức Hội đã sưởi ấm hành trình mỗi ngày của người phụ nữ mang theo cả trách nhiệm, niềm tin sau sáp nhập.
Từ những chuyến xe tinh mơ…
Kể từ ngày 1/7/2025, khi 3 tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Phú Thọ thực hiện sáp nhập, phường Việt Trì trở thành trung tâm hành chính mới. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm cán bộ phải rời xa nơi sinh sống để đến làm việc tại địa điểm hoàn toàn mới. Trong số đó, không ít cán bộ nữ - những người vừa lo việc cơ quan, vừa vướng bận việc gia đình, con cái.

Chị Ngô Thu Thủy tại phòng nghỉ trưa ở cơ quan Hội LHPN Phú Thọ
Chị Ngô Thu Thủy (cư trú tại phường Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cũ) hiện đang công tác tại Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đi từ nhà đến cơ quan là quãng đường 75km. "Sáng tôi dậy lúc 5h kém, 5h15 đã xuất phát. Ngày nắng thì đỡ, chứ mưa gió hay rét mướt thì khá mệt” - chị chia sẻ.
Chị Thủy làm việc ở Việt Trì, chồng chị lại công tác tại địa bàn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), con học ở Hòa Bình. Mỗi ngày là một bài toán chia thời gian và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.
Không riêng gì chị Thủy, chị Nguyễn Thị Hòa (tỉnh Vĩnh Phúc cũ) cũng phải rời nhà từ 4h sáng để kịp đến cơ quan. "Ban đầu lo lắm, con còn nhỏ, mình đi làm xa không còn đưa con đi học được. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình và đồng nghiệp, mình đã dần cân bằng được cảm xúc", chị Hòa chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hòa (bìa phải) trên mỗi chuyến xe ghép để đi làm từ sáng sớm
Những chuyến xe buýt sớm tinh mơ ban đầu là áp lực, nay lại trở thành điểm kết nối. "Chúng tôi, những người cùng một chuyến xe, đã trở nên thân thiết. Chia sẻ với nhau từng mẩu bánh, hộp sữa, lay nhau dậy khi ngủ quên. Những điều giản dị đó tiếp thêm động lực để mình tiếp tục cố gắng", chị Hòa cười nói.
Khó khăn còn ở chỗ ăn ở. Khi chuyển đến địa phương mới, chị Thủy và các đồng nghiệp loay hoay tìm nhà trọ, vật dụng tối thiểu để sinh hoạt. Không chỉ là chuyện chỗ ngủ, mà là tìm cách thích nghi với cuộc sống mới khi nỗi nhớ con, nhớ nhà, nhớ những thói quen cũ cứ len lỏi trong lòng.

Chị em nhóm Hòa Bình (cũ) đi xe ghép mỗi sáng
Nhưng rồi, mỗi cuối tuần, được nghe các cô đi trước kể chuyện sáp nhập Hà Sơn Bình ngày xưa còn khó khăn hơn, thiệt thòi hơn, chị như được tiếp thêm nghị lực. "Chúng tôi luôn hiểu rằng, đây là chủ trương lớn, có tác động toàn diện đến kinh tế - xã hội. Là cán bộ, đảng viên, phải thay đổi tâm thế, rèn luyện kỹ năng để đáp ứng công việc mới", chị Thủy nói.
… đến một ngôi nhà ấm lòng sau sáp nhập
Những lo lắng ban đầu nhanh chóng được xoa dịu nhờ vào sự quan tâm đặc biệt từ Hội LHPN tỉnh Phú Thọ - tổ chức đang từng bước biến những "tòa nhà hành chính" trở thành "mái nhà thân thương" cho cán bộ nữ sau sáp nhập.

Bà Khà Thị Luận (bên phải) - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ
Bà Khà Thị Luận, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ, cho biết: "Ngay từ khi có chủ trương, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị các phòng làm việc, sửa chữa cơ sở vật chất, bố trí điều hòa, máy tính, máy in cho tất cả cán bộ, đảm bảo không gian và điều kiện tốt".
Không chỉ có nơi làm việc, Hội còn tổ chức bếp ăn tập thể, một việc tưởng nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Chị Ngô Thu Thủy kể: "Không chỉ chuẩn bị bếp ăn, lãnh đạo Hội còn hỗ trợ, tạo điều kiện để chúng tôi không phải ra ngoài ăn, tiết kiệm được thời gian và đảm bảo sức khỏe".
Với những cán bộ ở xa như chị Thủy, chị Hòa, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ còn bố trí luôn chỗ nghỉ ngay trong cơ quan, giúp chị em không phải thuê trọ hay chạy đi chạy lại mỗi ngày. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, lãnh đạo Hội thường xuyên hỏi thăm, động viên, lắng nghe và kịp thời giải quyết các nhu cầu, kiến nghị từ chuyện nhỏ như mua sắm vật dụng đến chuyện lớn như bố trí trường cho con, ổn định cuộc sống gia đình.

Bữa cơm trưa ấm áp của chị em cán bộ Hội
"Nhờ những sự hỗ trợ ấy, tôi cảm thấy nơi đây như nhà mình. Không còn thấy mình là người đi làm xa và không còn cảm giác bị tách biệt nữa", chị Thủy xúc động nói. Còn với chị Hòa, những bữa cơm trưa ấm nóng, tiếng cười trong hành lang, sự gắn kết giữa các đồng nghiệp từ ba tỉnh đã giúp chị "thấm thía câu nói "ở đâu trên đất nước mình cũng là quê hương".
Theo bà Khà Thị Luận, trong quá trình sáp nhập, khó khăn không chỉ là vật chất mà còn ở mặt tâm lý. Nhiều chị em lo lắng về việc phải chuyển nhà, chuyển trường cho con, làm quen với môi trường mới. Nhưng với sự đồng hành của Hội, những khó khăn đó dần được hóa giải bằng tinh thần chia sẻ, đoàn kết, lắng nghe và cùng hướng tới mục tiêu chung.
Việc sáp nhập 3 tỉnh không chỉ là bài toán hành chính, mà còn là bài kiểm tra tinh thần đoàn kết, năng lực thích ứng và lòng yêu nghề của đội ngũ cán bộ Hội. Những người phụ nữ như chị Thủy, chị Hòa không đơn thuần là những "người đi làm xa nhà", mà là đại diện cho thế hệ cán bộ dám thay đổi, dám vượt khó và sẵn sàng hòa mình vào một hành trình mới - nơi mọi thứ bắt đầu lại nhưng niềm tin thì vẫn vẹn nguyên.
Ở đó, có bữa cơm trưa đơn sơ nhưng ấm áp tình đồng nghiệp, có những giấc ngủ trưa trong phòng làm việc nhỏ nhưng yên bình. Và ở đó, còn có một Hội LHPN tỉnh Phú Thọ không chỉ làm tròn vai trò tổ chức chính trị - xã hội, mà còn là điểm tựa thân tình của hàng chục cán bộ nữ, những người đang chung tay góp phần hoàn thiện một mô hình hành chính mới, hiện đại hơn, gắn kết hơn.